1.
Đức Cha giáo phận kính yêu muốn tôi chia sẻ trong thánh lễ kính thánh Gioan Baotixita, bổn mạng của tôi. Tôi xin vâng.
2.
Chia sẻ của tôi hôm nay là bắt chước một trong những đặc điểm của thánh Gioan Baotixita.
Phúc âm gọi thánh Gioan Baotixita là tiếng la to trong hoang địa. La to để cảnh báo, như một tiên tri (x. Lc 3, 4).
Hôm nay, tôi không la lên bằng tiếng, nhưng cũng là một cách la lên, khi tôi tha thiết cảnh báo điều này:
Bình an khắp nơi đang bị đe dọa trầm trọng.
Hãy đón nhận ơn bình an của Chúa, để rồi hãy đem bình an của Chúa đến cho những người khác.
3.
Trước hết, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của tôi đón nhận ơn bình an của Chúa thế nào?
Thưa qua các bí tích, qua Lời Chúa, qua cầu nguyện.
Tôi thấy rất rõ: Khi chúng ta làm mấy việc đó sốt sắng, thì sự bình an của Chúa sẽ như dòng nước mát tràn vào tâm hồn ta. Chúng ta đón nhận ơn bình an của Chúa.
4.
Ngoài mấy việc trên đây, thì ơn bình an của Chúa còn đi vào lòng ta qua sự chúng ta chu toàn việc bổn phận. Mỗi người có bổn phận của mình. Tận tâm, tận tụy chu toàn bổn phận của riêng mình và cùng lo cho những người trong gia đình mình và thuộc về mình, thì sẽ được bình an. Nếu bỏ việc bổn phận, để tất bật lo những chuyện khác thì sẽ không có sự bình an.
5.
Hơn nữa, ơn bình an của Chúa cũng rót vào lòng ta, khi chúng ta tỉnh thức nhận ra sự Chúa đến viếng thăm chúng ta qua thời sự mỗi ngày, thí dụ qua những gương sáng, những gặp gỡ. Cụ thể ngay giờ phút bây giờ, tại đây.
6.
Nếu khiêm tốn, khát khao ơn bình an của Chúa, mà làm những việc kể trên, chúng ta sẽ đón nhận được ơn bình an của Chúa một cách lạ lùng.
Đó là đón nhận ơn bình an của Chúa.
7.
Bây giờ đem sự bình an của Chúa đến cho người khác thế nào?
Thưa đem sự bình an của Chúa đến cho những kẻ khác, đó là vấn đề rất phức tạp.
8.
Xưa, khi Chúa Giêsu đem sự bình an của Chúa đến cho những kẻ tin Ngài, những kẻ thương Ngài thì việc đó tương đối dễ.
Còn khi Chúa đem sự bình an đến cho những kẻ vô ơn đối với Ngài, những kẻ thù ghét Ngài, những kẻ chống phá Ngài, thì việc đó đã rất khó.
9.
Đời tôi cũng được Chúa cho chút kinh nghiệm về sự đem bình an đến cho kẻ khác. Có những loại trường hợp rất khó, rất đau lòng. Hôm nay, tôi chỉ xin nhắc tới một trường hợp cụ thể đã xảy ra ngay tại đây.
Tại đây, đã có những người từng ngồi, từng quỳ trong nhà nguyện này. Nhưng rồi đã tự ý ra đi, hay bị ra đi, vì những lý do khác nhau.
Tôi vẫn đem bình an đến cho họ thế nào? Thưa tôi cầu nguyện, tôi hy sinh chọ họ, với tất cả tấm lòng yêu thương bao dung, nhẫn nại và sám hối. Điều đó không dễ chút nào, nhưng tôi vẫn nhờ Chúa mà làm, với nhiều đau đớn, với nhiều chờ đợi.
10.
Thưa anh chị em thân mến!
Khao khát đón nhận ơn bình an và khao khát trao gửi ơn bình an, đó là thao thức của tôi, đó là hạnh phúc của tôi.
11.
Lúc này hơn bao giờ hết, thao thức đó của tôi, hạnh phúc đó của tôi, đều nhờ Đức Mẹ.
Bên Mẹ, với Mẹ, tôi sống ơn bình an như một đứa con bé nhỏ, yếu đuối. Với Mẹ, tôi lo bình an cho Hội thánh và cho Tổ quốc Việt Nam.
Và cứ thế, tôi đang trở về với Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Xin hết lòng cảm tạ Chúa.
12.
Xin thú thực với anh chị em. Chính tôi, nhiều lần, Chúa để tôi rơi vào cảnh mất bình an. Tình trạng đó làm tôi đau khổ, đến nỗi có lần thốt lên như Chúa Giêsu xưa: “Tâm hồn con buồn rầu đến chết được. Xin cho con khỏi uống chén đắng này” (x. Mc 14, 34-36). Kinh nghiệm đó giúp tôi biết cảm thương những người cùng hoàn cảnh. Tôi coi sự cảm thương đó là một ơn Chúa ban.
13.
Càng ngày tôi càng nhận thấy: Biết đau cái đau của người khác, đó là một dấu chỉ cho thấy mình có sống ơn bình an của Chúa không?
Góp phần xây dựng bình an, mà coi đó là một bổn phận quan trọng trước mặt Chúa. Đó chính là điều Chúa đánh thức lương tâm chúng ta. Và đó cũng là điều thánh Gioan Baotixita mong muốn.
14.
Bình an, bình an. Lạy Chúa, xin cho chúng con trở thành dụng cụ bình an của Chúa. Amen
Long xuyên, ngày 24.6.2019