Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ là hai cột trụ của Giáo Hội, nhưng lại có nhiều điểm khác nhau, có khi lại xung khắc nhau.
* Một người xuất thân là một dân chài lưới, nóng nảy, cục mịch. Một người là một thư sinh, học rộng, hiểu sâu, biết nhiều. Hai trình độ khác nhau, hai tính khí khác nhau, nhưng mẫu số chung, nối kết hai tâm hồn, chính là cuộc gặp gỡ Đức kitô.
** Cuộc gặp gỡ ấy, cũng diễn ra trong hai trường hợp khác nhau. Một người chỉ thực sự khám phá ra con người Chúa Giêsu sau ba lần phản bội. Một người chỉ nhận biết Chúa sau những lần truy lùng gắt gao các môn đệ của ngài. Một người đã nhận ra tình yêu của Chúa Giêsu qua những giọt nước mắt của sự ăn năn sám hối. Một người đã gặp gỡ ngài sau một lần ngã ngựa đớn đau.
*** Thêm vào đó, trách vụ của các ngài cũng không giống nhau. Một người được Chúa chọn làm thủ lãnh các tông đồ, và là cột trụ của Giáo hội. Một người được sai đi rao giảng Tin mừng cho dân ngoại. Phêrô biểu trưng cho Giáo hội cơ cấu và hữu hình. Phaolô thì nêu bật tính hiệp thông trong Giáo hội.
Hai con người khác nhau, hai đường hướng khác nhau, hai trách vụ khác nhau, nhưng được liên kết trong tình yêu của Chúa, bổ túc cho nhau để xây dựng Giáo hội.
Những nét trên đây cho thấy, hai thánh tông đồ vừa là hình ảnh đa dạng và phong phú của Giáo Hội, vừa là biểu tượng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa yêu thương con người, ngay chính trong thân phận yếu hèn và thiếu sót của con người. Ngài sử dụng chính những giới hạn và khuyết điểm của con người để làm nổi bật sức mạnh và sự khôn ngoan của ngài. Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, bởi vì là nhiệm thể Chúa kitô. Chúng ta được mời gọi để tin tưởng và tuyên xưng điều đó; thế nhưng, Giáo hội cũng gồm những con người bất toàn, yếu đuối và tội lỗi.
Do đó, mầu nhiệm của Giáo Hội cũng là mầu nhiệm của ân sủng. Mầu nhiệm của Giáo Hội cũng là mầu nhiệm của sự gặp gỡ giữa quyền năng Thiên Chúa và sự yếu hèn của con người. Thực vậy, Phêrô đã không tự mình là đá tảng của Giáo hội. Sự vững chắc của Giáo hội đến từ Chúa. Phêrô chỉ có thể trở thành đá tảng của Giáo hội, khi để cho sức mạnh của Chúa tác động. Cũng vậy, Phaolô cũng sẽ không là Tông đồ dân ngoại, nếu không được Chúa chọn và sai đi. Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo hội của ngài trên sự bất toàn và yếu đuối của con người. Giáo Hội ấy có đứng vững từ hơn hai ngàn năm nay, không phải do sức mạnh và sự chèo chống của con người, mà là do sức sống của Chúa.
Biết như thế, chúng ta càng thêm xác tín vào tình yêu thương xót của Chúa. Chúa biết chúng ta yếu đuối, nhiều thiếu sót, lỡ lầm. Thế nhưng, ngài vẫn thương yêu, trìu mến, vẫn nâng đỡ, chở che, và tạo mọi điều kiện thích hợp, cần thiết, giúp chúng ta vững bước trên đường về với ngài. Đồng thời, ngài vẫn tín nhiệm, ủy thác cho chúng ta sứ mạng cao quý, là cộng tác với ngài trong việc loan báo Tin Mừng Tình Yêu khắp nơi. Ngài có thể dùng sự yếu đuối của chúng ta để thực hiện những việc phi thường. Ngài có thể biến đổi chúng ta thành những chứng nhân đầy thuyết phục về tình yêu và lòng thương xót vô biên của ngài. Tình yêu đó kêu mời chúng ta đừng bao giờ thất vọng, ngã lòng. Nhưng hãy biết chỗi dậy, trở về với Chúa, mỗi khi sa ngã, lầm lạc. Hãy biết ăn năn, sám hối, phó thác vào tình yêu thương Thiên Chúa, bởi vì ngài là Cha của chúng ta.
Như chúng ta đã biết, thánh Phêrô và thánh Phaolô có rất nhiều khác biệt, đôi khi có vẻ xung khắc nhau. Thế nhưng, liên kết trong tình yêu Đức Kitô, các ngài đã biết cộng tác, bổ túc và hỗ trợ nhau để xây dựng và phát triển Giáo Hội, để loan báo Tin Mừng tình yêu của Đức Kitô và chuyển thông ơn cứu độ cho mọi người. Cũng vậy, mặc dù có rất nhiều khác biệt riêng tư của bản thân, mỗi người chúng ta hãy biết ý thức sâu sắc, nỗ lực làm việc với Chúa, nhiệt tình cộng tác với nhau, sẵn sàng phục vụ và hy sinh, loan báo Tin Mừng Tình Yêu khắp nơi, để đem lại hạnh phúc đích thực và sung mãn cho mọi người.