1.
Càng về cuối đời, tôi càng bị thử thách về đức tin. Thử thách lớn nhất là những khi đi vào những chặng đường đầy trắc trở, muôn vàn đau đớn, thêm vào đó còn có vô số cơn cám dỗ do Satan thực hiện, với mục đích làm cho tôi nghi ngờ về Chúa.
2.
Trong nhiều cơn thử thách đó, tôi đã được Chúa đỡ nâng. Một trong những cách Chúa dùng để đỡ nâng tôi, là tôi gặp được nhiều người môn đệ Chúa có đời sống đức tin rất quyến rũ, rất thuyết phục.
3.
Tôi được quyến rũ và thuyết phục bởi hai điểm sáng sau đây của họ.
Điểm sáng thứ nhất là đời sống thân mật của họ với Chúa.
Khi nhìn thấy họ, nhất là tiếp xúc với họ, tôi cảm thấy từ họ tỏa ra một thứ lửa thiêng chứng tỏ họ có tình mến Chúa rất thiết tha, rất gắn bó.
Tôi cảm thấy họ như cành nho gắn chặt vào Chúa là thân cây nho. Như Lời Chúa phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15, 5).
Tôi càng cảm thấy rõ họ đang ở lại trong tình yêu Chúa một cách sống động, như Lời Chúa dạy: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9).
4.
Sự sống thân mật của họ với Chúa được thể hiện bằng nhiều cách. Một trong những cách của họ đã làm tôi phải suy nghĩ nhiều, đó là tinh thần cầu nguyện của họ.
Đối với họ, cầu nguyện ví như hơi thở. Cầu nguyện là gặp gỡ Chúa. Có thể là họ đã có lần được trải qua một cuộc gặp gỡ ngọt ngào không thể nào quên, như những môn đệ Chúa đã được trải qua trên núi Tabo xưa.
Họ cầu nguyện một mình hay với nhiều người, thì vẫn là rất thân mật với Chúa, đó là điều khiến tôi coi họ là những gương sáng cho tôi. Tôi nhìn họ không chỉ là những gương sáng cho tôi, mà còn là những sức sống thiêng liêng mang nhiều ủi an, sức mạnh đến cứu giúp tôi.
Đời sống thân mật của họ với Chúa là điểm sáng thứ nhất.
5.
Điểm sáng thứ hai của họ là sự họ đem lại cho tôi và cho nhiều người tình yêu và sự bình an của Chúa.
Tôi nhớ ở đâu có kể về cha Eckart trong những huấn đức của cha dành cho các đệ tử của cha, đại khái thế này: “Nếu con đang được ơn ngất trí như Thánh Phaolô xưa lên 9 tầng trời, mà con nghe có người bệnh muốn được ăn một bát cháo, thì cha khuyên con hãy mau mắn phục vụ người bệnh đó. Hãy coi việc phục vụ đó là phục vụ chính Chúa”.
6.
Hôm nay, tôi phải nói là tôi rất vui mừng, vì chính tôi đã được thấy nhiều người môn đệ Chúa xung quanh tôi đã thực hiện điều cha Eckart khuyên dạy.
Họ đã đến với tôi và đến với nhiều người khổ đau, để phục vụ. Bằng nhiều cách cụ thể, họ cho tôi cảm thấy là tôi được Chúa yêu thương, nhiều người đau khổ cũng đang được Chúa yêu thương.
7.
Khi họ đến với tôi và đến với những người đau khổ để phục vụ một cách cụ thể, thì họ có Chúa ở cùng họ, dù họ ở đâu như ở bếp, và dù họ làm gì, như những việc thuộc vệ sinh cá nhân để cấp cứu. Họ phục vụ trong yêu thương.
8.
Được gặp những người như thế, tôi vui mừng cảm thấy mình được đỡ nâng do gương sáng của họ, và nhất là do sức sống yêu thương tỏa ra từ họ.
9.
Trên đây là hai điểm sáng của nhiều người đang giúp tôi sống đức tin. Nhìn họ, tôi thấy mình phải có ơn khôn ngoan của Chúa Thánh thần, để phối hợp cuộc sống thân mật với Chúa một cách ngọt ngào, với cuộc sống phục vụ người khác một cách dấn thân đầy vất vả nhọc nhằn.
10.
Xét mình trước mặt Chúa, tôi thấy tôi vẫn chưa đủ điểm sáng nào nói trên, chứ chưa nói đến sự phối hợp hai điểm đó một cách khôn ngoan như Chúa muốn.
11.
Nhận thức mình còn nhiều thiếu sót, tôi thấy bổn phận của tôi là phải tiếp tục luôn mãi việc đi theo tiếng gọi của Chúa, mà sống thân mật với Chúa và dấn thân phục vụ mọi người, nhất là những kẻ khổ đau. Khổ đau của rất nhiều người tại Việt Nam hôm nay là thiếu bình an. Nếu chúng ta biết đau cái đau của họ, chắc chắn chúng ta sẽ không tránh được cơn đau khủng khiếp, để không còn dám vô tâm, vô cảm, nhởn nhơ tự hào.
12.
Tôi cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Xin đừng chấp tội chúng con, nhưng xin nhìn đến đức tin của Hội Thánh Chúa, xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo thánh ý Chúa”.
13.
Đọc lời nguyện đó của phụng vụ thánh lễ, tôi hiểu bình an của Chúa là một ơn Chúa ban. Tôi phải xin và phải biết đón nhận, để cùng với đức tin của Hội Thánh, mà loan báo Tin Mừng bình an hiệp nhất.
14.
Xác tín điều đó, tôi thấy tôi và chúng ta, cần phải cầu nguyện nhiều hơn nữa, cần phải sống thân mật nhiều hơn nữa với Chúa Giêsu. Chính Chúa mới là nguồn bình an và hiệp nhất. Khi cầu nguyện chúng ta cần khiêm tốn và kiên trì, sẵn sàng xin vâng ý Chúa.
15.
Tôi xác tín điều này: Tin Mừng, mà đồng bào Việt Nam hôm nay đang chờ mong nhất nơi Hội Thánh chúng ta, là hãy đem lại cho mọi người sự bình an và đoàn kết tức là tình yêu thương. Tin Mừng hôm nay là thế đó.
Thế thì, chúng ta phải coi sự sống thân mật với Chúa Giêsu là bổn phận hàng đầu và hằng ngày, để nhờ Chúa Giêsu, mà lãnh nhận và cho đi sự bình an và yêu thương của Chúa.
16.
Bình an và yêu thương của Chúa đang được thấy lấp lánh nơi những người có hai điểm sáng mà tôi nói trên đây. Họ là đức tin của Hội Thánh. Họ thuộc mọi thành phần Hội Thánh. Họ rất gần tôi.
Cho dù tình hình có lúc rất tăm tối, họ vẫn sẽ là chút ánh sáng của Chúa để kêu gọi, để đánh thức, để ủi an chúng ta. Họ đang đem lại cho chúng ta sự sống và sự sống dồi dào.
Xin hết lòng cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót.
Long Xuyên, ngày 5.5.2018