1.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn xác tín rằng: Ơn gọi của tôi là một chuyến đi làm chứng Thiên Chúa là Tình yêu thương xót.
2.
Lúc này hơn bao giờ hết, khi làm chứng điều đó, tôi cần nói rõ: Chúa yêu thương tôi, không phải lúc tôi là người thánh thiện, nhưng chính đang lúc tôi tội lỗi, yếu đuối hèn mọn.
3.
Chúa đã yêu thương tôi thế nào? Thưa Chúa đã yêu thương tôi như Chúa đã yêu thương các tông đồ xưa. Phúc âm Thánh Gioan kể: “Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa Cha mà đến, và sắp trở về với Thiên Chúa Cha, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đẩu rửa chân cho các môn đệ, và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,3-5).
Việc làm trên đây của Chúa Giêsu tỏ rõ: Người yêu thương bằng khiêm nhường tột độ. Quì xuống rửa chân và lau chân cho các môn đệ của Người.
4.
Chúa Giêsu cũng đã làm như thế cho tôi một cách nào đó. Người đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc đó cho tôi, qua nhiều người trong cộng đoàn, trong Hội Thánh, và cả trong xã hội nữa.
5.
Được rửa và được lau bằng tình yêu khiêm nhường, tôi không những tin Chúa là Tình yêu xót thương, mà còn cảm được một cách sâu xa thấm thía.
6.
Đời tôi đúng là như vậy. Nên tôi thấy rằng: Được sống trong yêu thương như vậy, tôi cũng hãy yêu thương những người khác như thế. Để cứ mãi mãi theo con đường đó, đời tối sẽ chỉ là sống cho tình yêu, và cũng sẽ chết cho tình yêu.
Sống cho tình yêu là biết đón nhận tình yêu khiêm nhường phục vụ. Sống trong tình yêu cũng là biết cho đi tình yêu khiêm nhường phục vụ.
7.
Tình yêu khiêm nhường phục vụ của Chúa Giêsu được diễn tả bằng những việc làm cụ thể: Cởi áo ngoài ra, quì xuống rửa chân cho các môn đệ, lấy khăn thắt lưng mà lau chân cho họ.
Những việc làm cụ thể, mà Chúa Giêsu đã nêu gương, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi và những người của Hội Thánh tôi đã có những việc cụ thể nào, để làm chứng cho tình yêu khiêm tốn phục vụ?.
8.
Năm nay, tôi nhớ lại một điều Đức Mẹ Maria đã nhắn nhủ ở Fatima đó là sám hối. Tôi cần sám hối về rất nhiều lỗi lầm thiếu sót của tôi. Trong đó lỗi lầm thiếu sót phải coi là quan trọng, đó là đã thiếu những cụ thể trong việc phục vụ khiêm nhường, theo gương Chúa.
9.
Vinh quang của Chúa là ở sự Chúa khiêm nhường phục vụ với yêu thương đầy hy sinh. Còn chúng ta, nếu lại coi sự mình được phục vụ như một quyền chức với nhiều hưởng thụ, rồi coi đó là làm vinh quang cho Chúa, thì thực là một sai lầm tai hại.
10.
Tới đây, tôi sực nhớ lại những lời Chúa Giêsu đã phán xưa về những việc làm mà nhiều người coi là làm vinh danh Chúa, nhưng thực sự bị Chúa kết án nghiêm khắc: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng con đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, mà trừ quỉ, mà làm nhiều phép lạ đó sao? Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không biết các ngươi, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7, 22-23).
Lời Chúa phán trên đây cho thấy. Không phải cứ làm những việc lẫy lừng nhân danh Chúa là đẹp lòng Chúa.
11.
Nhưng, điều làm tôi lo lắng hơn, đó là những người bị Chúa cảnh cáo như trên, vẫn không nhận thức được mình có lỗi, mà chỉ nghe cho qua. Biết đâu chúng ta vào số những người như vậy.
Xin Chúa thương cứu chúng ta khỏi sự cứng lòng đáng sợ đó.
12.
Tôi thấy Chúa đang cứu những người thiện chí.
Trong Phúc âm, Chúa Giêsu đã cho thấy có những người xưng mình là thiện chí đến với Chúa, nhưng thực sự lại là người có ác ý. Trái lại, có những người đơn sơ, nghèo khó, tội lỗi đến với Chúa, lại được Chúa thương nhận là có thiện chí.
13.
Về phương diện thiện chí, tôi thấy Chúa rất rộng lượng. Đôi khi chỉ là một chút thiện chí thôi cũng được Chúa nhận.
Một chút thiện chí, như khi gặp gian nan mà giơ tay lên xin Chúa cứu.
Một chút thiện chí, như khi Chúa giơ tay ra về phía họ, thì họ mau mắn nắm lấy tay Chúa, để được Chúa cứu.
14.
Tôi đã nhiều lần làm như thế. Và Chúa đã cứu tôi. Xem ra cũng không thiếu người tỏ vẻ thắc mắc hỏi Chúa tại sao Chúa lại cứu những người như tôi, thì tôi nghe Chúa trả lời: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 12).
Thực sự, Chúa đã kêu gọi tôi, vì tôi là kẻ tội lỗi, để tôi làm chứng cho tình yêu Chúa đầy lòng thương xót.
15.
Chúa đã thương cứu tôi, không phải nhờ những tư tưởng về Chúa, mà nhờ chính Chúa. Tôi đã gặp được Chúa.
Tôi gặp được chính Chúa, khi tôi cầu nguyện, khi tôi suy gẫm Lời Chúa, khi tôi phục vụ những người đau khổ, khi tôi tham dự Thánh Lễ, khi tôi xưng tội, khi tôi hiệp thông với Hội Thánh.
16.
Gặp được chính Chúa, tôi mới cảm được thấm thía Lời Chúa phán xưa trong bữa tiệc ly: “Hãy ở lại trong Cha, như Cha ở lại trong các con” (Ga 15, 4).
Tôi ở lại trong Chúa, Chúa ở lại trong tôi. Như thế, tôi ở lại trong tình yêu Chúa, chính là ở trong Chúa, Đấng được gọi là Tình yêu thương xót. Chúa luôn cầm lấy bàn tay tôi để cứu tôi. Tôi luôn nắm lấy bàn tay Chúa để được Chúa cứu.
17.
Theo Chúa, tôi cũng sẽ giúp người khác làm như tôi.
Suốt hành trình ơn gọi của tôi chỉ là sống trong yêu thương như thế mà thôi.
18.
Và tôi nghe Chúa Giêsu nói với tôi: “Cha ở đâu, con cũng sẽ ở đó với Cha” (x Ga 17, 24). Lời đó cho tôi rất nhiều an ủi, rất nhiều bình an, rất nhiều hy vọng.
19.
Chia sẻ trên đây của tôi có thể coi như một cách tuyên xưng đức tin.
Tuyên xưng đức tin như trên nhấn mạnh đến vai trò của tình yêu. Một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa, hướng về Thiên Chúa, gieo rắc niềm tin trên mọi nẻo đường, trong các trái tim, xây dựng sự hiệp nhất, cùng nhau đi về thiên đàng, hưởng Tình yêu muôn đời.
GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 26.10.2017