1.
Một trong những điều quan trọng Chúa luôn dạy tôi, là hãy nhận thức đúng về mình.
Nhận thức đúng về mình là điều quá khó. Dù có thiện chí, tôi thường vẫn nhận thức sai về mình.
Bởi vì đã là con người, thì ai cũng là một vũ trụ. Vũ trụ đó nhỏ, nhưng lại rất bao la. Vũ trụ đó coi như dễ thấy, nhưng thực sự rất sâu thẳm. Vũ trụ đó có vẻ như dò được, nhưng cũng có chiều kích thiêng liêng không thể nào khám phá nổi.
Người nào cũng có những cái chung của con người. Người nào cũng có thêm những cái riêng của cá nhân mình.
2.
Tôi được may mắn học nhiều về con người. Tôi học ở cuộc sống, ở văn hoá, ở khoa học, ở triết học, ở tôn giáo. Dầu vậy, thú thực là những điều tôi biết về con người đến nay vẫn rất giới hạn. Biết một mà chẳng biết mười. Ngay về chính con người của tôi, tôi cũng chỉ biết giới hạn.
Trong giới hạn đó, tôi chắc chắn có những sự thực quan trọng. Bởi vì chính Chúa đã dạy tôi. Những sự thực đó đã và đang giúp tôi sống một cách có ý nghĩa trên đường phụng thờ Chúa và phục vụ Hội Thánh, Quê Hương, đồng bào của tôi.
Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ vài sự thực, mà tôi tha thiết gắn bó hơn cả.
3.
Sự thực thứ nhất là tôi luôn phải phấn đấu và cần được Chúa cứu, vì tôi là kẻ tội lỗi, rất yếu đuối.
Càng sống lâu, tôi càng cảm nghiệm thấy mình yếu đuối mong manh về mặt đạo đức. Tôi không ngừng chiến đấu trong nội tâm, để chọn sự thiện. Nhưng dù hết sức cố gắng, tôi thấy cuộc chiến nội tâm không luôn dễ dàng. Tôi cảm nghiệm thấm thía những lời sau đây, mà thánh tông đồ Phaolô đã viết về bản thân:
“Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội vẫn ở trong tôi.
Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa. Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam cầm tôi trong luật của sự tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể của tôi.
Tôi thấy tôi là một người khốn nạn. Ai giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7,18-25).
4.
Thánh Phaolô nói thế như nói thay tôi. Nhìn về mình, tôi thấy suốt đời tôi là cuộc chiến đấu kéo dài. Cuộc chiến đấu nội tâm trong tôi là ác liệt và luôn cam go. Nó không hề biến mất do tuổi tác, hoặc nhờ những phát triển của khoa học, kinh tế, chính trị, văn hoá và văn minh. Phấn đấu với những cơn đau không dễ chút nào.
Tuy nhiên, nhờ những cuộc chiến đấu ấy, mà tôi nên người. Tôi không chiến đấu một mình, nhưng tôi chiến đấu cùng với Đức Giêsu Kitô. Được Đức Giêsu Kitô luôn ở trong tôi, để cứu tôi, đó là một hạnh phúc, mà tôi phải tỉnh thức đón nhận và cộng tác.
5.
Nhận thức mình là kẻ tội lỗi, yếu đuối, phải phấn đấu và cần được Chúa cứu, đó là nhận thức đúng của kẻ sống đức tin. Nhận thức đó đã và đang giúp tôi luôn biết bắt đầu và bắt đầu lại từng ngày, từng giờ.
6.
Sự thực thứ hai là tôi luôn phải tìm tòi cách tôi phải cộng tác với Chúa Giêsu trong việc nhập thể, để cứu nhân loại.
Cuộc nhập thể là việc của Con Thiên Chúa. Nhập thể đó đã được thực hiện một cách hết sức khiêm nhường. Lời lẽ sau đây của thánh tông đồ Phaolô là một diễn tả rất cảm động:
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá” (Pl 2,6-8).
7.
Như vậy, nhập thể của Con Thiên Chúa là trở nên nô lệ và sau cùng là vâng lời chịu chết trên Thập Giá. Mục đích là để cứu chuộc loài người, vì thương xót loài người.
Đó là sự thực.
8.
Còn tôi, khi nói rằng mình bước theo Chúa Giêsu nhập thể để cứu đời, tôi có tìm cách thích hợp với sự thực đó không?
Từ nhận thức đến hành động, từ chủ trương đến lối sống, nếu tôi tìm quyền lực, với hào quang chiến thắng, với địa vị ngồi trên của người cai trị, với thái độ xa cách đám dân nghèo khổ, với thói quen hưởng thụ, thì không chừng tôi là người phản Tin Mừng. Tôi phải hết sức tránh cảnh biến chất đó.
9.
Hiện giờ, đang khi xuất hiện phong trào: “Sống nghèo, lo cho người nghèo”, như Chúa Cứu Thế xưa, thì lại phát triển phong trào “đấu tranh lấy lại và lấy thêm các thứ quyền lực cho cơ chế tôn giáo mình, theo hướng tục hoá tôn giáo” Tình hình đó khiến tôi phải tỉnh thức và khôn ngoan trong mọi chọn lựa mục vụ và truyền giáo.
10.
Tới đây, tôi nhớ tới một phong trào mới xuất hiện, đó là phong trào kể lại. Phong trào này chủ yếu là khuyến khích các người theo đạo kể lại những gì đã khiến họ tìm đến Chúa. Hầu như tất cả đều kể lại là họ tìm về Chúa, nhờ được Chúa đã thương họ, đã gặp họ, đã gọi họ, đã cứu họ, qua những biến cố và qua những con người tốt đến với họ.
11.
Qua những gì họ kể lại, tôi thấy đức tin không đến với họ qua những lớp giải thích đạo, mà qua những chứng nhân. Thời nay là thời của chứng nhân.
12.
Cũng qua những gì họ kể lại, tôi thấy tôi phải rất tế nhị trong việc phán đoán và đánh giá những con người về phương diện đạo đức.
Tôi thấy Chúa giàu lòng thương xót đang làm nhiều sự lạ lùng nơi những người, mà thiện chí chỉ còn như ngọn đèn leo lét, để họ có những bắt đầu tốt cho cuộc đời họ, ngay đời này và nhất là đời sau.
13.
Hôm nay là ngày hạnh phúc của tôi. Bởi vì hôm nay Chúa đến thăm tôi, Chúa cho tôi nhìn rõ hơn hai sự thực quan trọng có sức dẫn đàng chỉ lối cho tôi. Ngay một sự tôi viết được bài chia sẻ này trong tình trạng đau yếu già nua, đã là một ơn cao quý Chúa ban cho tôi.
Với chia sẻ này, tôi cũng là người kể lại. Kể lại của một người già vẫn mang tâm tình gởi gắm.
Gởi gắm tha thiết nhất của tôi là hãy tìm về với Chúa, hãy trung thành vâng theo ý Chúa, hãy tuyệt đối tin Chúa là tình yêu cứu độ giàu lòng thương xót. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết yêu thương phục vụ con người.
Chúng ta sẽ mất rất nhiều, nếu chúng ta không vâng nghe Lời Chúa. Hãy khiêm nhường và khiêm nhường.
Long Xuyên, ngày 4.9.2015