1.
Lúc này hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mệt mỏi khác thường. Thân xác thì như tan nát rã rời. Chỗ nào cũng đau. Tâm hồn thì sợ hãi, lo âu.
Tôi xin Đức Mẹ cứu tôi. Đức Mẹ dạy tôi hãy nhìn lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá.
2.
Tôi nhìn lên, thì gặp Chúa Giêsu đang nhìn tôi. Ngài không nói gì. Ngài chỉ nhìn tôi với cái nhìn tha thiết.
3.
Tôi cảm nhận được, cái nhìn âu yếm đó gởi tới tôi rất nhiều tình thương cứu độ.
4.
Tình thương cứu độ là cứu tôi khỏi những nguy nan ngặt nghèo hồn xác.
5.
Tôi cảm thấy mình được an ủi, được cam đảm, được tin tưởng phó thác.
6.
Cái nhìn của Chúa Giêsu có một sức thiêng rất lạ lùng. Vì thế, cầu nguyện đối với tôi lúc này là tập trung nhìn lên Chúa Giêsu.
7.
Tôi nhìn lên Chúa, và gửi vào Chúa tất cả sự thực về cuộc sống tôi, một cuộc sống đầy yếu đuối, tội lỗi.
8.
Khi nhìn vào cái nhìn của Chúa nhìn tôi, tôi cảm nhận được phần nào sức thiêng chữa lành Chúa dành cho tôi.
9.
Từ kinh nghiệm đó, tôi cũng đã nhận ra được phần nào sức thiêng của cái nhìn nơi nhiều môn đệ Chúa.
Ở đây, tôi chỉ xin được nhắc đến vài nhân vật. Trước là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Tôi được may mắn gặp gỡ Ngài nhiều lần. Lần nào cũng vậy, Ngài chỉ nhìn tôi và nói: “Cha biết con rồi. Con đừng quá lo. Hãy tin cậy vào Chúa.”
Cái nhìn của Ngài chuyển gửi sang tôi sự bình an của Chúa.
10.
Nhân vật thứ hai, mà tôi xin được đề cập đến, đó là Đức cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận.
Ngài và tôi rất thân nhau. Mỗi lần gặp nhau, Ngài hay nhìn tôi một cách tha thiết và nói: “Hãy nhìn vào Chúa và đặt hy vọng vào Ngài. Đừng sợ.” Cái nhìn của Ngài trấn an tôi.
11.
Thú thực là hiện giờ, tôi cũng đang được hạnh phúc gặp được nhiều người có một cái nhìn chuyển gửi sức thiêng cứu độ.
12.
Từ những kinh nghiệm trên đây, tôi khao khát một sự đổi mới sâu xa hơn trong lĩnh vực mục vụ, phụng vụ, và truyền giáo.
13.
Khi tôi nhìn được cái nhìn của Chúa đang nhìn tôi, thì tôi khám phá thấy một bầu trời huyền diệu về tình yêu thương xót Chúa.
14.
Xưa trên đồi Calve, Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá. Cùng bị đóng đinh với Người, quan Philatô cho đóng đinh hai kẻ trộm cướp. Một người bên hữu. Một người bên tả.
15.
Một lúc bất ngờ, người bị đóng đinh bên hữu Chúa liếc nhìn sang Chúa Giêsu, thì thấy Chúa đang nhìn anh.
16.
Lập tức, anh sám hối. Anh nói với anh bị đóng đinh bên trái rằng: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Chúa nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 41-43)
17.
Kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa Giêsu đã nhìn Chúa Giêsu. Cái nhìn của anh gặp cái nhìn của Chúa dành cho anh. Anh cảm động, đã sám hối, và đã được Chúa cho lên Thiên Đàng.
18.
Tôi mong tôi cũng được như anh. Có một lúc, tôi nghe Đức Mẹ nói với tôi: “Mẹ đã cầu cho anh ta thế nào, thì cũng cầu cho con như vậy.”
19.
Thế là một kẻ tội lỗi như tôi đã đón nhận ơn cứu độ qua Đức Mẹ. Thú thực là có lúc tôi đã than thở: “Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ rơi con?” (Mc 15, 34). Tôi cảm thấy cô đơn, sợ hãi. Nhưng rồi, tôi đã được ủi an nhờ Đức Mẹ. Đức Mẹ đang cứu tôi như đã cứu anh tội phạm bị đóng đinh bên hữu Chúa.
Đến muôn đời, tôi hết lòng cảm tạ Chúa vì ơn được Đức Mẹ cứu tôi.
Long Xuyên, ngày 21.3.2021