Thứ Sáu, 21 Tháng Chín, 2018 00:00
Chúa nhật XXV Quanh năm B ( Mc 9, 30-37 )

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ là “ ngài sẽ bị nộp vào tay con người, họ sẽ giết chết ngài, và sau ba ngày, ngài sẽ phục sinh”. Ngay khi nghe những từ ngữ “ bị nộp”, “ bị giết chết”, các môn đệ hoàn toàn lạc hướng. Các ông không thể nghĩ rằng, một số phận như thế có thể xảy đến cho vị thầy của các ông. Động từ “ phục sinh” còn quá xa lạ với các ông.

Chúng ta đừng lấy làm chướng về cái phản ứng của các tông đồ. Phản ứng của chúng ta có tinh tuyền hơn hay không ?- Nó có khác hơn không ?- Làm thế nào có thể nghĩ rằng, Con Thiên Chúa bị giản lược thành một con người không ra gì, bị khinh khi bởi những người thân của mình ?- Làm thế nào hình dung ra rằng, Đấng giải thoát nhân loại lại bị trói buộc trong cái chết ?- Khi tạo ra một hình ảnh của Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Độ của dân tộc, các tông đồ hình dung ngài phải dũng mạnh, làm chủ tất cả mọi thứ, bất khả chiến bại, dẫn đầu những đạo tinh binh không bao giờ bị thất bại.

Vì thế cũng dễ hiểu là, không quan tâm đến sự loan báo về cuộc khổ nạn mà Chúa Giêsu vừa nói cho các ông, các ông tranh luận với nhau “ để biết xem ai là người lớn nhất”. Tất cả các ông, giống như tất cả mọi người trên trái đất, và chúng ta cũng giống các ông, luôn luôn lo lắng được xếp chỗ nhất hơn là chỗ cuối, yêu thích quyền lực, luôn luôn vui sướng thống trị hơn bị thống trị. Bản chất con người mà ! Nó không thay đổi. Nó thiên về phía uy lực, quyền quý, ưu thế. Ở trong con người, có một bản năng thúc đẩy nó phải lên cao, trên tất cả mọi người, chứ không ở dưới thấp để phục vụ tất cả mọi người.

Lời giáo huấn của Chúa Giêsu đi ngược lại hướng khác. Ngài biểu dương những gì yếu đuối, đẩy lùi ra xa những gì áp bức. Ngài tìm phục vụ, tránh xa sự thống trị.

Để cho dễ hiểu và diễn tả một ý nghĩ cụ thể về những gì mà ngài dạy nhân danh Chúa Cha, Chúa Giêsu đặt một em bé ở giữa các môn đệ và nói: “ Đứa bé này, các con phải đón nhận nó. Khi đón nhận nó, chính là Thầy và chính là Cha của Thầy mà các con đón nhận”.

Các môn đệ chắc chắn là rất ngạc nhiên về một cử chỉ như thế, và chắc chắn các ông không hiểu hết tất cả sự sâu sắc và tầm quan trọng của nó. Vào thời đó, trẻ em không được nâng niu chiều chuộng như thường thấy hiện nay. Người ta coi chúng không là gì cả. Người ta không nhìn nhận cho chúng một quyền nào cả.

Ở đây, rỏ ràng là Chúa Giêsu làm một biểu tượng cho tất cả những con người, trong xã hội chúng ta, bị gạt ra bên lề, không được biết đến, bị xua đuổi ra bên ngoài. Không quan tâm đến họ, là không quan tâm đến Chúa Giêsu và Cha của ngài. Không biết đến họ, là không biết đến Chúa Giêsu và Cha của ngài. Không đón tiếp họ, là từ chối không đón tiếp Chúa Giêsu và Cha của ngài.

Biết bao nhiêu lần người ta đã lặp đi lặp lại cho chúng ta lời giáo huấn này. Thế nhưng, không bao giờ là quá đủ, bởi vì bản tính của chúng ta luôn luôn là như thế: ham hố danh vọng, ưu thế, quyền lực, quan tâm đến chính mình hơn là người khác.

Chúa Giêsu mời gọi một sự thay đổi hoàn toàn các sự vật, một cái nhìn mới về mối liên hệ cần thiết lập giữa người nam và người nữ, giữa những nhà thông thái và những thất học, giữa những người khỏe mạnh và những người yếu đuối. “ Nếu ai muốn trở nên trước nhất, thì người đó hãy là người cuối hết và là đầy tớ tất cả mọi người”.

Cái kiểu mẫu các mối liên hệ mà Chúa Giêsu đề nghị thật là cách mạng. Chúng ta hãy hình dung một chút khi nó được áp dụng trong tất mọi lãnh vực của đời sống xã hội: trong các gia đình, trong các bệnh viện, trong các nhà máy, trong các chính phủ. Chúng ta hãy tưởng tượng khi nó được dùng như một điểm quy chiếu trong tất cả mọi hiệp ước giữa các nước giàu và các nước nghèo. Sẽ không còn gì giống như hiện nay. Thế giới chúng ta sẽ là một thế giới mới.

Thế nhưng, hiện tại chúng ta chưa ở trong thế giới đó. Chúng ta còn rất xa, bởi vì để sống theo tinh thần của Đức Kitô, phải đồng ý hoán cải và chết đi cho chính mình. Không có gì ít dễ hơn. Phải có một sức mạnh từ trên cao; tinh thần của chính Đức Kitô là cần thiết để có thể đạt được thành công. Sức mạnh này, cái tinh thần này có khả năng biến đổi một con người trở thành một đầy tớ, một người phục vụ.

Trong khi cho chúng ta hiệp thông với Mình và Máu của Đấng Phục Sinh, mỗi một thánh lễ Tạ Ơn sẽ chia sẻ cho chúng ta sự sống thần thiêng, sức mạnh siêu nhiên và tinh thần mới này.

Chớ gì việc rước lễ đem lại cho chúng ta tất cả những hoa trái thánh thiện của nó.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com