Thứ Năm, 04 Tháng Mười, 2018 00:00
Chúa nhật XXVII Quanh năm B ( Mc 10, 2-16 )

Không phải chỉ có ngày nay mới đặt ra vấn đề Ly dị. Nó đã xuất hiện từ thời Chúa Giêsu. “ Người ta có được phép ly dị vợ mình không ?-“ Trong thời đại chúng ta, người ta đặt câu hỏi hơi khác hơn một chút: “ Tại sao Giáo Hội Công Giáo không cho phép ly dị, trong khi các xã hội và ngay cả những Giáo Hội Kitô giáo khác nhìn nhận tinh cách hợp pháp của nó, vì nhiều lý do khác nhau ?- Lập trường của Giáo Hội Công Giáo có phải là cũ rích, không thích nghi và không thực tế hay không ?-“

Khi đặt câu hỏi với Chúa Giêsu, các người biệt phái đã biết rằng, Môisen cho phép, trong một vài hoàn cảnh nào đó, người nam có thể rẩy bỏ vợ mình. Thử hỏi đó có phải là ý kiến của thầy Giêsu không ?-

Chúa Giêsu trả lời trong hai bước. Trước hết, ngài hỏi những người chất vấn ngài: phải chăng Môisen thực sự ra lệnh cho một người đàn ông có thể rẩy bỏ vợ mình hay không ?- Họ buộc lòng phải trả lời là, đó không phải là một lệnh truyền, mà chỉ đơn thuần là một sự cho phép. Bấy giờ Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng, đó không phải là do tình thương mà một sự cho phép như thế đã được trao ban, nhưng vì sự “ cứng lòng” của dân, nghĩa là vì sự từ chối cứng đầu đón nhận lời giáo huấn của Thiên Chúa trên sự kết hợp của người nam và người nữ.

Vì thế, khi trích dẫn một đoạn trong sách Sáng Thế, Chúa Giêsu nhắc cho những người biệt phái là những người đang chất vấn ngài, đâu là ý định của Đấng Tạo Hóa liên quan đến sự kết hợp của người nam và người nữ. Y định của ngài, chính là “ người nam lìa bỏ cha mẹ mình, gắn bó với vợ mình, và cả hai chỉ còn là một”. Như thế, ý định của Đấng Tạo Hóa là, không được phân ly điều đã được Thiên Chúa đã kết hợp.

Đem ra thực hành lời giáo huấn này luôn luôn là khó khăn. Chính vì thế mà Môisen đã phải thực hiện những nhượng bộ. Tuy nhiên, những nhượng bộ này không được che khuất, và càng không được làm biến chất ý định nguyên thủy của Thiên Chúa. Đó cũng chính là ý định nguyên thủy mà Chúa Giêsu vừa nhắc nhớ và khẳng định: “ Điều Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly”.

Cái định chế pháp luật này không phải là vô nhân đạo, nó nằm trong cái logique của tình yêu. Nó thật sự đòi hỏi, đó là điều chắc chắn; thế nhưng, làm thế nào mà một tình yêu chân chính có thể không như thế cho được ?- Nó đề nghị một lý tưởng rất cao, chắc chắn rồi; thế nhưng, có phải vì nó không luôn luôn đạt tới, mà cần phải trình bày một lý tưởng ít cao đẹp hơn hay không ?- Thiên Chúa nhìn thấy thật cao đẹp đối với những người nam và người nữ yêu thương nhau. Ngài ước ao, người nam và người nữ, được tạo dựng theo hình ảnh ngài và giống như ngài, yêu thương như chính ngài yêu thương. Làm thế nào mà chúng ta có thể trách móc ngài về điều đó ?-

Sau khi suy nghĩ rất nhiều và rất sâu sắc về hôn nhân kitô giáo, tông đồ Phaolô sẽ viết cho các tín hữu thành Ephêsô rằng, người nam và người nữ phải lấy Đức Kitô làm mẫu mực của tình yêu mà họ trao cho nhau. Ngài viết: “ Hỡi anh em, những người đàn ông, hãy yêu thương vợ mình theo gương của Đức Kitô: ngài đã yêu thương Giáo Hội, ngài đã chịu nộp vì Giáo Hội” ( Ep 5,25 ).

Tình yêu nào vậy ?- Xin thưa, một tình yêu vĩnh viễn và kính trọng, một tình yêu làm cho sống, một tình yêu biết tha thứ, một tình yêu biết trao hiến cho đến trong đau khổ. Đức Kitô đã yêu Giáo Hội của ngài như thế.

Thánh Phaolô đã kết luận: “ Mầu nhiệm này thật lớn lao”. Thực ra nó là như thế. Nó thật lớn lao và đẹp đẽ. Nó tương ứng với sự cao quý của người nam và người nữ được tạo dựng để trở nên những người mô phỏng Thiên Chúa. Mầu nhiệm này không luôn luôn được sống trong sự sung mãn của nó, chúng ta không ngạc nhiên về điều đó. Biết bao nhiêu người đau khổ hay cảm thấy bị loại bỏ, bởi vì họ đã bị thất bại trong nỗi khao khát họ phải yêu thương nhau suốt đời; điều đó chúng ta không dửng dưng và Giáo Hội không dửng dưng điều đó.

Vào thời đại của chúng ta, đối với tất cả những đàn ông đó, đối với tất cả những người phụ nữ đó, những người đã không đạt đến việc sống điều mà họ mong muốn sống, thái độ của chúng ta và của Giáo Hội chỉ có thể được mô phỏng theo thái độ của Đức Kitô đã đến không phải để dẫn đưa đến sự chết mà là đến sự sống.

Hiểu biết, đón tiếp, nhân từ, yêu thương và thương xót, trao hiến cuộc sống, cuộc sống sung mãn, đó là những từ ngữ thích hợp để chỉ rõ thái độ của Chúa Giêsu đối với tất cả mọi người. Chúng ta không có quyền xử sự khác với ngài.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com