1.
Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, ở La Salette, ở Fatima dưới hình dạng một phụ nữ rất đẹp. Đẹp nhất là về khiêm nhường.
Khiêm nhường của Mẹ tỏa ra từ y phục, từ nét mặt, từ thái độ, từ cử chỉ, từ cái nhìn, từ chỗ đứng, từ những đứa trẻ ngây thơ mà Mẹ chọn, để trao gửi sứ điệp.
Khiêm nhường của Mẹ nhắc nhở tôi một cách mạnh mẽ về nhân đức khiêm nhường. Tôi xin kể ra đây một số nhắc nhở quan trọng khác.
2.
Một hôm, Thánh Antôn tu rừng bước ra khỏi lều, thì thấy một cái lưới bao la làm bằng đủ thứ cám dỗ do ma quỷ phủ kín nhân loại. Thấy vậy thánh nhân kêu lên: “Chúa ơi, thế này thì ai có thể được cứu?. Thánh nhân nghe một tiếng từ trời trả lời: “Kẻ khiêm nhường”.
3.
Thánh nữ Thêôdora tu hành quả quyết: “ Không phải cuộc sống khắc khổ, thức khuya dậy sớm, hay bất cứ việc lành nào sẽ cứu chúng ta, chỉ có sự khiêm nhường chân thực sẽ cứu chúng ta.
4.
Thánh Isaac tu hành cũng xác quyết: “ Cho dù không làm được việc lành nào, nhưng khiêm nhường, thì cũng sẽ được tha, thiếu khiêm nhường thì mọi việc lành đều trở nên vô ích”.
5.
Bước đầu khiêm nhường là nhận mình tội lỗi, yếu đuối. Gương sáng về bước đầu này là Thánh Phaolô tông đồ. Ngài khiêm tốn nhận mình rất yếu đuối. “ Muốn sự thiện, thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm. Nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi”.
Bởi đó, tôi khám phá ra luật này: Khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay” ( Rm, 7, 18-21).
Nếu nhận biết mình yếu đuối chính là bước đầu lành mạnh, để đi vào sự cứu rỗi, thì khẳng định mình không yếu đuối mới là bước đầu nguy hiểm. Thánh Gioan Climaqne nói: “ Tin là mình không bao giờ kiêu ngạo, đó chính là dấu chỉ rõ ràng nhất làm chứng mình rất kêu ngạo” .
6.
Bước thứ hai khiêm tốn là tin Chúa Giêsu là đấng cứu độ như Thánh Phaolô đã xưng tụng: “ Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giêsu Kito, Chúa chúng ta” ( Rm, 7, 24-25).
Đức Giêsu Kitô giải thoát ta chính là bằng sự khiêm nhường. “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập giá” ( Pl, 2, 6-8)
7.
Khiêm nhường mà Chúa Giêsu đã nêu gương, là từ bỏ ý riêng mình, để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. “ Ta không đến để làm theo ý Ta, mà để thi hành ý muốn của Đấng đã sai Ta” (Ga, 6, 38).
Vâng phục ý Chúa, cho dù gặp khổ đau muôn vàn, kẻ khiêm nhường vững tin vào ơn Chúa. Kiên trì đến cùng, nhất là tin vào lời Chúa hứa: “ Ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ” (Mt 10, 22). Để bền đỗ, thì phải rất khiêm nhường.
8.
Đến đây , tôi thấy hai nguy cơ đang chờ đợi tôi, một là né tránh vấn đề khiêm nhường, hai là chấp nhận vấn đề khiêm nhường là quan trọng, nhưng lại khiêm nhường theo hình thức, khiêm nhường giả tạo, đang khi khiêm nhường thực sự là coi người khác hơn mình.
9.
Người ta kể lại chuyện này: Một người tu hành ăn chay suốt 70 tuần lễ, chỉ ăn mỗi tuần lễ một lần. Nhà tu hành làm thế để xin Chúa soi sáng cho mình hiểu một lời Kinh Thánh. Nhưng kết quả ngài không thấy Chúa soi sáng chút nào. Ngài liền quyết định đến với người anh em để xin ý kiến.
Vừa mở cửa đi ra, thì thiên thần hiện đến nói với nhà tu hành: “ 70 tuần lễ ăn chay không đem anh gần lại Chúa, nhưng khi anh khiêm nhường muốn đến hỏi ý kiến người xung quanh, thì Chúa sai tôi đến soi cho anh điều anh xin Chúa. Khiêm nhường đối với những người xung quanh mình chính là điều Chúa muốn, để chúng ta được gần lại Chúa”.
Riêng tôi, rất nhiều khi, nhờ dám đến với những người xung quanh, nên tôi mới nhận ra được là mình còn nhiều kiêu ngạo.
10.
Ít lâu nay, tôi hay lo lắng về những yếu đuối của tôi. Chính trong tình trạng đó, Đức Mẹ đã đến với tôi. Mẹ nói: “Mẹ đến với con, Mẹ ở bên con, không phải để kết án con, nhưng để cứu con”.
Lời Mẹ nói đó chứng tỏ tình yêu khiêm nhường của Mẹ dành cho tôi. Nhận lãnh tình yêu khiêm nhường đó là nhận lãnh tình thương xót để rồi sẽ cho đi tình xót thương. Vâng lời Mẹ về đón nhận và cho đi xót thương là những việc không dễ chút nào. Phải chiến đấu rất nhiều với cái tôi dễ kiêu ngạo, ngay trong chính những việc đạo đức.
11.
Qua kinh nghiệm của tôi, khiêm nhường chính là một ơn rất trọng Chúa ban cho những ai, Chúa cho được làm môn đệ đích thực, để họ được nên giống Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường (Mt 11,29). Nhận biết mình là kẻ thiếu khiêm nhường đâu có dễ!.
12.
Lucife đã ra hư và bị đuổi ra khỏi thiên đàng do tội kiêu ngạo.
Tổ tông Adam đã ra hư và bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cũng do tội kiêu ngọa.
Kiêu ngạo là một đại họa trong lịch sử cứu rỗi. Nếu hôm nay, kiêu ngạo đang phát triển mạnh dưới nhiều hình thức khác nhau trong Hội Thánh và trên thế giới, thì đó chính là một đại họa.
13.
Đại họa kiêu ngạo sẽ kéo theo nhiều hậu quả thảm khốc, như đã xảy ra rất nhiều lần trong lịch sử. Thảm khốc như chiến tranh, đói khát, mất nhà, mất của, mất người thân, mất đất đai, mất tự do…Hình phạt do kiêu ngạo gây nên sẽ rất bất ngờ một cách khủng khiếp.
14.
Chuỗi dài những khủng khiếp đó có thể tránh được không? Thưa có thể, nhờ khiêm nhường. Một sự khiêm nhường có giá trị như một sự sám hối, đền tội. Xin hãy bắt đầu ngay.
Xin Mẹ Maria là Đấng rất khiêm nhường, thương cứu chúng con.
GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 7.7.2017