1.
Tuần thánh đã đến gần. Đây là thời gian trọng đại. Phần rỗi của tôi tùy thuộc vào đó.
Chính trong thời điểm này, tôi lâm vào cảnh khổ đau cả phần xác lẫn phần hồn. Trong thảm cảnh đó, tôi khao khát tình yêu thương xót của Chúa. Tôi cầu nguyện. Chúa trả lời: Con hãy biết đón nhận tình yêu thương xót của Chúa. Biết đón nhận, đó là điều hết sức quan trọng. Tôi tha thiết xin Chúa giúp tôi biết đón nhận tình thương của Chúa.
Dưới đây là vắn tắt một số những cách mà Chúa đã dạy tôi, để đón nhận tình thương của Chúa. Tôi đã thực hiện chút ít từ lâu. Lúc này tôi quyết tâm thực hiện một cách tốt hơn nữa
2.
Cách thứ nhất là hãy theo gương Chúa đã làm ở bữa tiệc ly, là quỳ xuống rửa chân cho người khác.
Chúa Giêsu đã quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ. Cử chỉ khiêm tốn đó được Chúa Giêsu thực hiện trước lời trối quan trọng là “các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 14,34).
3.
Yêu thương, mà Chúa muốn, là khi thấy anh em mình có tội, thì hãy tìm cách rửa anh em mình khỏi tội. Cách rửa là phải rất yêu thương và khiêm tốn. Như quỳ xuống mà rửa và lau cho sạch.
Rửa và lau như thế là việc của tình thương. Tình thương không làm cho đau và bị xấu hổ hay bị xúc phạm.
4.
Nếu không rửa và lau, mà lại còn bôi bẩn thêm vào người anh em mình do những xét đoán xấu, để họ bị tổn thương và mất danh dự, thì sẽ rất phản điều răn yêu thương mà Chúa truyền lại. Kết quả xấu sẽ khôn lường.
Về điều này, Chúa đã dạy rõ: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Vì anh em xét đoán người khác thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Anh em đong đấu nào cho kẻ khác thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em” (Mt 7,1-2).
5.
Kinh nghiệm cho tôi thấy. Mỗi lần tôi rửa chân cho người khác một cách nào đó, nhất là khi hết sức tránh bôi bẩn sang người khác những xét đoán xấu, thì tôi đón nhận được ơn xót thương của Chúa một cách dồi dào. Ơn xót thương ấy đem lại cho tôi ơn tha thứ và sự bình an.
6.
Cách thứ hai là hãy theo gương thánh Phêrô biết nhìn vào cái nhìn của Chúa Giêsu, để ăn năn sám hối.
Phúc âm viết: “Chúa Giêsu quay lại nhìn ông Phêrô. Ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông. Hôm nay gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần. Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).
7.
Kinh nghiệm cho tôi thấy: Cái nhìn của Chúa Giêsu mở ra cho tôi thấy một bầu trời bao la và huyền diệu về tình yêu xót thương của Chúa.
Chúa không nên hiểu như một người ân nhân cho tôi sức khỏe, của cải,.v.v, mà là Đấng “chính là Đường, là sự thật, sự sống” (Ga 14,6). Hơn nữa, chính Người là sự sống lại.
Chúa, mà cái nhìn của Chúa Giêsu mở ra cho tôi, là Đấng cho tôi sự tự do, để tôi có thể chọn Chúa và cũng có thể chọn sự gì ngoài Chúa. Điều đó làm tôi phải rất khiêm nhường, để biết xin Chúa cho tôi đừng lạm dụng sự tự do đó mà chối bỏ Chúa.
8.
Tôi thường nhìn cái nhìn của Chúa Giêsu đang nhìn tôi, để cầu nguyện. Và tôi đón nhận được từ cái nhìn đó tình yêu thương xót của Chúa.
9.
Khi xưng tội, tôi thường không nhìn vào các lề luật để xét mình và sám hối, nhưng tôi nhìn vào cái nhìn của Chúa Giêsu đang nhìn tôi. Do vậy, sự sám hối của tôi trở thành rất đơn giản. Sám hối lúc đó là sự trở về với Đấng yêu mình. Chỉ trong cái nhìn, Chúa trao cho tôi tình thương của Chúa. Chỉ với cái nhìn, tôi dâng cho Chúa tất cả tình yêu của tôi.
Tôi đón nhận tình yêu thương xót của Chúa bằng sự nhìn vào cái nhìn của Chúa. Tôi cảm thấy một sự thân mật gần gũi ngọt ngào, đổi mới bản thân tôi.
10.
Cách thứ bà là hãy như thánh Gioan tông đồ đón nhận Đức Mẹ Maria về nhà mình.
Phúc âm thánh Gioan kể: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu có thân mẫu Người, chị của thân mẫu là bà Maria vợ ông Cơlôphát, cùng với bà Maria Macđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con Bà. Rồi Người nói với môn đệ: Đây là mẹ của con. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước thân mẫu về nhà mình” (Ga 19,25-27).
11.
Tôi cũng được nghe Chúa Giêsu nói với tôi như xưa Người đã nói với thánh Gioan tông đồ.
Đức Mẹ Maria luôn ở bên tôi. Tôi luôn được ở bên Mẹ. Đôi khi, tôi tỏ ra lo lắng về tội lỗi của tôi, thì Mẹ luôn an ủi tôi. Mẹ tỏ ra Mẹ chẳng bao giờ kể tội của tôi, hơn nữa Mẹ quả quyết Mẹ chẳng bao giờ nói tội tôi cho bất cứ ai. Mẹ đúng là người mẹ, chỉ biết an ủi, dùng tình xót thương mà cải hóa tôi.
12.
Một điều, mà tôi nhận được từ Mẹ là Mẹ rất nhân từ và nhẫn nại. Tôi thường gọi Mẹ là tình thương đợi chờ. Bởi vì lúc nào Mẹ cũng tỏ ra Mẹ đợi chờ tôi. Đợi chờ không mệt mỏi. Đợi chờ để an ủi và bao bọc lấy tôi.
Sống bên Mẹ, tôi đón nhận được tình yêu thương xót của Chúa hằng ngày, hằng giờ hằng phút. Yêu thương đó cứu độ tôi.
13.
Với ba cách vừa chia sẻ trên đây, tôi đã đón nhận được tình yêu xót thương của Chúa một cách lạ lùng.
Thực sự, khi nói ra những điều như trên, tôi không hề dám coi mình là kẻ dạy ai, mà chỉ muốn làm chứng là tôi đã được Chúa thương như thế đó, và đó cũng là những điều tôi học được từ bao người khác.
14.
Với sự đón nhận được tình yêu xót thương của Chúa, tôi cảm thấy mình như ra khỏi ngục tù của thời gian, để vui mừng bước vào một cõi đời đời đang khởi sự cho tôi ngay từ giây phút hiện tại.
Và đó cũng chính là một lễ Phục Sinh của tôi.
Xin thân ái cầu chúc anh chị em một Tuần thánh đón nhận được rất nhiều tình yêu thương xót của Chúa. Xin cũng thương cầu nguyện cho tôi.
GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 3.4.2017