Thứ Bảy, 14 Tháng Sáu, 2014 00:00
GIÁO XỨ CÙ LAO GIÊNG – GIÁO PHẬN LONG XUYÊN (Quê hương của Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng)

 

I. NGUỒN GỐC – ĐỊA DANH          

Cù Lao Giêng(1) là một cù lao nằm giữa sông Tiền, trong vùng hạ lưu của sông Mékông. Cù Lao là một bãi đất bồi rất tốt, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, trồng trọt, nhất là các loại cây ăn trái (ngày xưa chủ yếu là trồng dâu để nuôi tằm)(2). Ngày xưa đó là làng Tấn Đức, tổng An Bình thuộc tỉnh An Giang ( Châu Đốc). Ngày nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, Cù Lao Giêng gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. Dài 15km, rộng 7km, diện tích tự nhiên 66km2. Hướng Đông Bắc bên kia bờ sông tiền là tỉnh Đồng Tháp, hướng Tây Nam đối diện là Thị Trấn Mỹ Luông; cch Thnh phố Long Xuyn khoảng 17 km; cch huyện lỵ Chợ Mới khoảng 10km.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH HỌ ĐẠO

Khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII (khoảng năm 1779), có 3 chị em có đạo từ miền Bắc (Bắc Kỳ) đi ghe biển trốn lên Sài Gòn, vì quân Tây Sơn bách hại đạo Giatô (hễ biết người theo đạo Giatô là giết, bất luận già hay trẻ, nam hay nữ), giáo dân không yên tâm giữ đạo, phải tìm nơi lánh nạn. Ba người này đến Cù Lao Giêng che một cái chòi cao (3)trú ngụ và khai phá rừng rậm để trồng trọt. Được vài năm họ dời đến bãi Bà Xan (cách Cù Lao Giêng vài dặm). Vài năm sau họ lập gia đình và trở lại Cù Lao Giêng để lập nghiệp. Đây là 3 người có đạo đầu tiên ở Cù Lao Giêng.

Năm 1782, có hai người khác (anh em ruột) là ông trùm Thiền và bà Quỳnh ở Cái Thia, tỉnh Mỹ Tho đến Cù Lao Giêng khai khẩn đât hoang để trồng dâu.

Năm 1783, gia đình ông Lê Văn Sanh (ông nội của Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng) đến lập nghiệp. Sau đó nhiều gia đình khác cũng đến đây cư trú.

Đến năm 1823, họ đạo Cù Lao Giêng có khoảng 25 gia đình có đạo, con cháu  của những gia đình này sinh sôi nẩy nở và nhiều người ngoại đạo khác đến làm ăn sinh sống cũng xin gia nhập đạo, cho nên số giáo dân gia tăng rất mau chóng.

Đáp ứng nhu cầu về đời sống thiêng liêng cho bà con giáo dân ngày càng đông, các cha thường xuyên tới lui, cụ thể là các cha : Lợi, Thiền, Lân, Philipphê Minh, Niên, Tuyết, Quờn, Hiển, Định (P. Pernot), Phiên, Phêrô Quí (Thánh Phêrô Đoàn Công Quí). Nhờ có các linh mục thường xuyên tới lui chăm sóc, người giáo dân ngày một thêm sốt sắng, đức tin càng ngày càng vững mạnh, và càng có thêm người gia nhập đạo.

Khoảng năm 1844, họ đạo Cù Lao Giêng còn có tên gọi là họ Đầu Nước, vì từ Sài Gòn xuống miền tây không có họ đạo nào khác nên là họ Đầu Nước miền tây nam bộ. Mặt khác, ông trùm Thức (trùm phủ ở Cái Mơn), ông trùm Bường và ông Câu Phụng đã đệ đơn xin Đức Cha Lefèbvre (Đức Cha Ngãi) lúc đó ở họ đạo Cái Nhum, đặt họ đạo Cù Lao Giêng là họ Đầu Nước vì tinh thần đạo đức của giáo dân trổi vượt hơn các họ đạo khác ở vùng miền tây (4). Hơn nữa, vì ở đầu Cù Lao có giọt nước chảy rất mạnh đổ xuống biển, nên gọi là đầu giọt, đầu nước.

Họ đạo Cù Lao Giêng càng phát triển  mạnh hơn nữa nhất là từ sau khi ông Câu Phụng (Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng) và nhiều giáo dân khác đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Số giáo dân tăng lên khoảng 850 người và ai nấy đều an cư lạc nghiệp.

Chung quanh Cù Lao Giêng cũng có nhiều họ đạo nhỏ: Chợ Thủ, Cồn Phước, Rạch Sâu, Ông Chưởng. Ước tính tổng số giáo dân khoảng 2300 người.

Vì nhu cầu cần thiết cho đời sống thiêng liêng của giáo dân, nhiều cơ sở như : Chủng viện, dòng tu,… được xây dựng tại Cù Lao Giêng để đào tạo linh mục, tu sĩ phục vụ giáo dân.

III.  NHÀ THỜ VÀ CÁC CƠ SỞ KHÁC

Người có công đầu tiên được lưu danh sử sách phải kể đến gia đình Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng. Ông sinh năm 1796 tại họ Đầu Nước trong thời Giáo Hội Việt Nam bị bắt đạo gắt gao. Các Cố Tây bị ruồng bắt. Nhưng với tính cương trực dứt khoát cũng như lòng nhiệt thành với việc chung ông được bà con tín nhiệm đề bạt làm Trùm họ Đầu Nước. Đáp ứng lại sự tín nhiệm đó, ông Phụng đã góp sức tổ chức Giáo Họ thêm lớn mạnh ngay trong thời bách hại đạo triều vua Tự Đức. Nhờ tài đức của ông, họ đạo đã tái thiết ngôi Thánh Đường khang trang, cất nhà cho các Nữ tu và trở thành nơi cư ngụ an toàn cho các Giáo sĩ.

Ngôi nhà thờ đầu tiên được cất ngay trên phần đất của Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng mà hiện nay di tích còn lại là nơi đặt tượng đài Ông, bên cạnh là con cháu ông đang sinh sống quanh đó.

Thời gian đầu từ lúc mới thành lập năm 1779-1850, lúc đó Cù Lao Giêng đã được các nhà truyền giáo biết đến. Khi đó Cù Lao Giêng thuộc Giáo phận Đàng Trong. Năm 1844 thuộc Giáo phận Tây Đàng Trong. Năm 1850 thuộc Giáo phận Cao Miên.

Lúc bấy giờ, Cù Lao Giêng là một hạt trong số 12 giáo hạt của địa phận Đàng Trong. Trong thời gian này, khi các thừa sai phải sống cuộc đời hầm trú thì các linh mục Việt Nam làm việc mục vụ một cách can đảm tuyệt vời. Các ngài phục vụ trong 12 giáo hạt: Đất Đỏ, Tân Triều, Lái Thiêu, Thủ Đức, Thị Nghè, Chợ Lớn, Thủ Ngữ, Xoài Mút, Cái Nhum, Cái Mơn, Bãi Xan và hạt Đầu Nước (Cù Lao Giêng). Mỗi hạt có hai hoặc ba linh mục lưu động hết họ này sang họ khác, ban Bí tích cho bệnh nhân, giải tội và dâng Thánh lễ.

Mặc dù trong lúc Giáo Hội đang bị bách hại gắt gao, nhưng Cù Lao Giêng vẫn âm thầm phát triển, nhờ những vị Mục tử không quản ngại gian khổ đi gieo trồng hạt giống Đức tin và dùng chính máu mình để làm chứng niềm tin ấy.

Từ năm 1862, sau Hòa Ước Nhâm Tuất, người Công giáo được tự do sinh hoạt trở lại. Từ nay Cù Lao Giêng có linh mục chính thức ở lại với đoàn chiên. Họ đạo Cù Lao Giêng bắt đầu hồi sinh sau những năm sống trong bắt bớ, thử thách.

Năm 1870 Cha AUSSOLEIL (Cha Vĩnh) tái lập Chủng viện tại Cù Lao Giêng.

Năm 1875 (1879) Cha Gazignol khởi công xây dựng nhà thờ Đầu Nước. Đây là ngôi nhà thờ thứ hai của họ đạo thay cho ngôi nhà thờ gỗ đã cũ và xuống cấp. Cha chọn khu đất mới  làm nhà thờ, lấy đất phía sau làm gạch, thuê thợ Quảng Đông đến lo đúc gạch, và xây dựng trong thời gian 12 năm mới hoàn thành. Khi xây dựng nhà thờ có Cha  Đậu người Việt Nam lo việc trang trí : hoa văn nhà thờ, bàn thờ, tòa giảng, đắp ảnh tượng, . . .

Nhà thờ Cù Lao Giêng được xây cất khang trang đóng vai trò “nhà thờ lớn”của Địa phận Cao Miên (Campuchia) để quản lý giáo dân ở Campuchia và các tỉnh Miền Tây Nam Bộ(5).

Năm 1924 Thời cha sở Ma. HION nhà thờ được xây nối thêm phía sau thêm 3 căn,  2căn làm gian cung thánh và1 căn làm phòng thánh sử dụng đến bây giờ.

Ngày 3.2.1924 Giáo phận Cao Miên đổi là Giáo phận Nam Vang. Họ Đầu Nước đổi là họ Cù Lao Giêng.

Mùa thu năm 1945, giáo xứ Cùlaogiêng lại được Thiên Chúa thử thách Đức Tin một lần nữa. Các cơ sở củ Giáo hội, gồm : chủng viện, tu viện Chúa Quan Phòng, nhà Cha sở, nhà các nữ tu, trường học của họ đạo... cùng với một số nhà của giáo dân, bị tàn phá nặng nề, bị đốt cháy thiêu rụi.

Năm 1946 bị trận dịch tả hoành hành người dân chết khá nhiều. Chuông báo tử đổ mỗi ngày, có ngày đổ vài lần. Đến nỗi nhà thờ ngưng đánh chuông báo tử vì sợ tinh thần giáo dân hoảng loạn. Sau trận dịch tả lại bị bệnh trái rạ. Nhưng với ơn đức tin và lòng trông cậy Chúa, giáo dân tổ chức các buổi cầu nguyện rước kiệu Đức Mẹ đi khắp họ đạo. Anh em  lương dân cũng tham dự và mời đoàn kiệu Đức Mẹ đi qua nhà họ. Lạ lùng thay sau đó thì dịch bệnh không còn nữa. Có người kể rằng khi rước kiệu Đức Mẹ có người bên lương đạp đồng lên nói rằng: “Có một Bà lớn lắm, quỷ ma trông thấy hoảng sợ bỏ chạy rất nhiều”. Từ đó lương giáo đều sống bình an.

Thời cha sở Hóa đã tu sửa mái tròn trên đỉnh tháp chuông. Bầu tròn đỉnh tháp lúc mới xây được làm bằng thiết (loại thiết Cao Bằng) cắt từng tấm nhỏ ráp vào. Với thời gian mái thiết bị hư Cha Hóa đã cho sửa lại. Đúc bêtông cột và bầu tròn đỉnh tháp chuông.

Năm 1994 Cha Phaolô Võ Ngọc Tỏ đã trùng tu nhà thờ, gia cố tháp chuông, đúc bêtông giá chuông, đổ máng xối vòng quanh mái nhà thờ.

Năm 2003 Cha Louis G. Mai Hùng Dũng đã đại tu toàn toàn bộ nhà thờ đổi ngói cũ lợp lại ngói mới, sơn chống thấm bên ngoài nhà thờ. Nâng nền nhà thờ, thay gạch mới tu sửa gian cung thánh, sắp xếp lại nội thất nhà thờ, sơn lại bàn ghế.

Trải qua thời gian dài (hơn 1 thế kỷ), ngôi nhà thờ vẫn hiên ngang đứng vững với tòa tháp chuông vươn cao giữa hàng cây xanh mượt, trên đất cù lao được bao bọc chung quanh bởi dòng sông Tiền hiền hòa dịu mát. Tòa tháp chuông ấy vẫn là biểu tượng, là niềm tự hào của bao thế hệ trên đất cù lao. Thời gian đi qua, bao thế hệ đã qua nhưng tháp chuông vẫn còn đây ngày ngày vẫn chứng kiến bao thăng trầm đổi thay của cuộc sống.

Từ đây Giáo xứ Cù Lao Giêng tiếp tục vươn mình đứng lên cùng với những đổi thay của đất nước, dân tộc.

Năm 1957 Dòng Phan Sinh Việt Nam về Cù Lao Giêng lập Tu viện theo sự chấp thuận của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình. Dòng tiếp nhận cơ sở Chủng viện Cù Lao Giêng, tái lập Tu viện Dòng Phanxicô.

Năm 1967 Cha Bônaventura Trần Văn Mân lập trung tâm Hansen Cửu Long tại Cù Lao Giêng.

Năm 1876 các Nữ tu dòng Chúa Quan Phòng đến Cù Lao Giêng.

Năm 1879 lập một bệnh viện cho dân do các Nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng đảm trách.

Năm 1893 thụ phong Linh mục đầu tiên của họ đạo Cha Antôn Đinh Ngọc Sỏi.

Năm 1893 Nữ tu đầu tiên của họ đạo khấn dòng Soeur Stanislas Trương Thị Mung

IV. CÁC CHA SỞ PHỤC VỤ HỌ ĐẠO:

Kể từ khi hình thành họ đạo (năm 1779), cũng đã có các cha Thừa Sai tới lui, về sau có các cha người Việt. Nhưng chính thức được bổ nhiệm làm cha sở (ở thường trực tại họ đạo) thì bắt đầu từ năm 1850, cụ thể:

1.    Cha Pernot (1850 - 1858).

2.    Cha Phêrô Đoàn Công Quí (từ 27.12.1858 đến 07.01.1859).

3.    Cha Hương ( người Việt Nam) từ năm 1862.

4.    Cha AUSSOLEIL (1869-1870).

5.    Cha Hiền ( 1870).

6.    Cha Joannes Francis Victor LERAY (Cha Vẹn)( 1870-1872).

7.    Cha AUGUSTINUS BAPTISTA GAZIGNOL(Cha Nho) (1872-1908).

8.    Cha MARIE  ANGE  HION (1915 – 1926).

9.    Cha Phaolô Nguyễn Long Vân (1927 – 1956).

10. Cha Micae Lê Tấn Công (1956 – 1958).

11. Cha Phêrô Phan Thanh Hóa (1958 – 1966).

12. Cha Marcello Đặng Tuấn Anh (1966 – 1974).

13. Cha sở Phaolô Nguyễn Ngọc Thử (1974 – 1975).

14. Cha Phanxicô Nguyễn Văn Dương (6.1975 –11.1975).

15. Cha PhaoLô Võ Ngọc Tỏ (1975 – 1995).

16. Cha Phanxicô Nguyễn Văn Dương (1995 – 2000).

17. Cha Phêrô Lê Văn Kim (2000 – 2003).

18. Cha Louis Gonzaga Mai Hùng Dũng (từ năm 2003 -2014).

19. Cha Inhaxiô Mai Tấn Kiệt (2014)

Đặc biệt trong Giáo xứ, còn có 2 cơ sở lớn của Giáo Hội, Chủng viện Đầu Nước-Cù Lao Giêng (1850-1957) Cơ sở Nhà Mẹ Dòng Chúa Quan Phòng (1876-1945).

Vườn ươm này đã gầy dựng nên những mục tử cột trụ của Giáo Hội: Đức Hồng Y Gioanbaotixita Phạm Minh Mẫn (TGP. Tp. HCM), Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận (Gp Cần Thơ), Đức Cha Antôn Nguyễn Vãn Thiện (Gp Vĩnh Long), Đức Cha Louis Hà Kim Danh (Gp. Phú Cường), Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp đã xuất thân từ Chủng Viẹn Cù Lao Giêng.

          Với những thuận lợi của thiên nhiên, sự lao động cần mẫn, ý chí chăm chỉ, đức tính cần cù, lòng yêu chuộng sự thánh thiện, công bình, bác ái, biết quý trọng truyền thống đạo đức, cùng với những di sản vô giá mà các tiền nhân đã dày công gầy dựng nên con người Cù Lao Giêng luôn tự hào.

-         Là nơi sớm đón nhận Tin Mừng, là họ có đạo lâu đời.

-         Một họ đạo không khi nào thiếu vắng bóng linh mục

-         Một giáo xứ có ngôi nhà thờ cổ nhất còn lại của Giáo phận Long Xuyên.

-         Một mảnh đất từng là nơi đặt vườn ươm của Giáo Hội.

-         Một giáo xứ đã dâng hiến cho Thiên Chúa hai vị Thánh Tử Đạo

-         Đã cống hiến cho Giáo Hội 17 Linh Mục và hơn 80 Nữ Tu.

Hiện tại, Giáo xứ Cù Lao Giêng được phân chia thành 7 khu, tổng số giáo dân khoảng 4.000 người (700 hộ), mỗi khu có một tên thánh riêng.

Giáo xứ có Hội Đồng Mục Vụ, nhiều hội đoàn: Gia trưởng, Hiền mẫu, ca đoàn giới trẻ, ca đoàn thiếu nhi,…

Nhiều nhóm cầu nguyện: Nhóm cầu nguyện lòng chúa thương xót, nhóm huynh đệ chúa quan phòng, nhóm dòng ba phan sinh, nhóm giáo lý viên, nhóm sinh hoạt giới trẻ, nhóm dự tu và lễ sinh.

Trong năm các lớp giáo lý được tổ chức thường xuyên, các hoạt động từ thiện liôn được quan tâm: cất nhà tình thương, hỗ trợ cho người nghèo hằng tháng, học sinh nghèo, tủ thuốc từ thiện,…

 Phụ chú :

(1)  Cù Lao Giêng có nhiều tên gọi với hàng chục cách nói, cách viết. Tên gọi nào cũng có sự tích riêng của nó. Chẳng hạn như : Qua Qua; Doanh Châu; Bien; Ven; Cù Lao Riêng,…

     - Có truyền thuyết cho rằng: Dọc sông Cửu Long có nhiều cồn bãi, nhiều cù lao trong đó Cù Lao Giêng là nơi được hình thành trước tiên nên gọi “Giêng” (tính theo luật tháng giêng là tháng đầu tiên theo cách tính đơn giản của người xưa).

- Truyền thuyết khác : Cụ Ba Do miêu duệ của Thư Ngọc Hầu (phủ thờ ở Bình Phước Xuân) quả quyết rằng, hồi nhỏ, ông và cha của cụ thường dạy nói là Cù Lao Riêng, phải đánh lưỡi làm biếng đánh lưỡi thì thành Cù Lao Diên y như nói đớt. Cụ nhắc lại giải thích của người xưa “Riêng” là riêng rẽ hồi trước ai cũng sống ở đất liền không bị cách trở bởi sông nước chỉ có gia đình mình vì cần diệt cọp để trả thù cho anh cả và cũng để tránh chuyện có huông sau này cho con cháu, nên gia đình mới dời dọn sang đây – lúc bấy giờ cù lao này chưa có tên vì hầu như chưa có ai đến ở – coi như ra riêng, sống riêng. Vì vậy, trước hết nó có tên là Cù Lao Riêng.

(2) Vùng này ngày xưa thuộc Tân Châu đạo; là một trong những nơi cung cấp tơ tằm cho Tân Châu dệt lụa.

(3) Cù Lao Giêng lúc này còn hoang vu, rừng rậm có nhiều thú dữ cho nên phải làm chòi cao để tránh cọp, hùm hay đến ban đêm.

(4) Có các linh mục ở thường xuyên, các nơi khác thường đến đây để: rước cha khi có kẻ liệt - nghe giảng dạy - xưng tội, rước lễ - làm nhiều việc đạo đức khác.

(5) Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang của Nhà văn Sơn Nam. Trg 228.

 

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com