Thứ Sáu, 30 Tháng Năm, 2014 00:00
THÁNH EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG (1796-1859)

 

 

Emmanuel LÊ VĂN PHỤNG sinh năm 1796 tại một họ đạo kỳ cựu nhất của miền nam Việt Nam, là họ đạo Đầu Nước ở Cù Lao Giêng (thuộc Giáo phận Long Xuyên bây giờ), làng Tấn Đức, tổng An Bình, tỉnh An Giang, thuộc trấn Châu Đốc(1). Nhìn bề ngoài, ông Phụng không mấy hấp dẫn, vì vóc dáng có vẻ gân guốc của một người lao động cần cù. Nghề nghiệp chính của gia đình ông là trồng dâu nuôi tằm, kinh tế ổn định, ngoài ra bà Phụng (Anna Của) còn hành nghề lương y với những món thuốc gia truyền độc đáo đã giúp đỡ rất nhiều cho những bà con nghèo. Ông Phụng là một gia trưởng gương mẫu sống ơn gọi gia đình trong vai trò là “một người chồng trung thành và là người cha cần mẫn”. Ông  có  9 người con(2), tất cả đều được dưỡng dục nên người con Chúa và là con ngoan trong gia đình. Tuy trình độ văn hoá không cao, nhưng ông Phụng rất thông minh và luôn làm gương sáng cho con cái trong đời sống đức tin.

            Nhờ tính cương trực, sự dứt khoát và lòng nhiệt thành hoạt động tông đồ trong họ đạo, ông Phụng được bà con tín nhiệm đề bạt làm “Câu” (Trùm) của họ đạo Đầu Nước Cù Lao Giêng. Ông còn giữ chức Lý trưởng (là chức lớn thứ hai trong làng thời đó, về sau sửa lại là Cai xã), thiên hạ quen gọi ông là Lý Phụng. Ông được mọi người yêu kính, ngay cả những người bên lương.

            Ông Phụng luôn thao thức muốn họ đạo thường xuyên có những Thánh lễ công khai và muốn có linh mục ở thường trực trong họ đạo, nếu trong các dịp lễ mà vắng linh mục thì ông tìm cách mời linh mục ở họ đạo bên cạnh, có khi mời không được thì ông rất buồn đến chảy nước mắt. Ông Phụng có lòng thương người, đặc biệt là những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn về vật chất cũng như tinh thần, ông rất lo lắng cho những người đau bệnh, nhất là về phần linh hồn. Trong thời gian bệnh dịch hoành hành, ông sắm một chiếc ghe riêng dành để đưa linh mục đi các họ đạo ban bí tích cho những người hấp hối. Một hôm ông đến Bò Ót có một người Công giáo rất giàu có vì cho vay nặng lãi, người này đang rất đau đớn vì cơn bệnh hành hạ. Ông đã khuyên bệnh nhân: “Nếu ông muốn hối cải thì phải xé các giấy nợ đi, rồi tôi sẽ mời cha đến ban Bí Tích tha tội giao hoà với Thiên Chúa”. Người bệnh đã nghe theo và làm như lời khuyên của ông, sau đó chết cách êm ái.

            Nhờ có đức tin sâu sắc và lòng nhiệt thành, tận tuỵ dạy giáo lý cho trẻ em và những người dự tòng, Đức Cha Lefebvre (tức Đức cha Ngãi) đã đặt ông làm giảng viên giáo lý, không chỉ riêng cho họ đạo Cù Lao Giêng, mà còn cho cả vùng Châu Đốc.

Ngay giữa thời bách hại đạo đang dữ dội nhất (thời vua Tự Đức), ông Phụng vẫn bạo dạn ngấm ngầm xây dựng nhà thờ, nhà xứ, nhà dòng con cái Đức Bà Maria, chủng viện,…  Chính đức tin và lòng yêu Chúa nồng nàn đã thúc đẩy ông cộng tác trong việc che chở cho các linh mục và giáo dân, mà không sợ nguy hiểm. Để giúp cho các vị thừa sai được yên tâm hoạt động phục vụ họ đạo, ông đã mời  các ngài trú ngụ ngay tại nhà mình; và không đêm nào ông ngủ, mà không canh chừng, hay đi tuần tra kỹ lưỡng trước. Bao giờ ông Phụng cũng chỉ ngủ sau khi cảm thấy tình hình đã thực sự an toàn. Đặc biệt, ông là một người rất bình tĩnh. Dù có những tin đồn thất thiệt làm cho nhiều người hoang mang, nhưng chưa bao giờ ông Phụng hoảng hốt báo động sai lầm. Cả 5 vị thừa sai (có cả linh mục người Việt Nam) trú ngụ tại nhà ông suốt 3 năm trời, trong nhiều thời kỳ khác nhau, đều công nhận điều này, và thường gọi ông là “bánh nuôi sống hằng ngày”.

Những việc làm của ông Phụng đã quá rõ ràng, khiến nhiều người không thích đạo Kitô đã bàn tán; thậm chí, còn tố giác với quan; thế nhưng, ông đã khéo léo thu xếp với quan huyện. Vì thế, mỗi lần có cuộc lùng xét, thì đều được báo trước, để kịp thời cất giấu các đồ lễ, đồ thờ tự; khi quan quân đến khám xét, được tiếp đãi ân cần; khi không thấy dấu vết, không thấy đồ đạo, thì làm báo cáo: dân ở Cù Lao Giêng tuân giữ tốt luật pháp nhà nước. Nhờ đó, trong thời kỳ cấm đạo rất nghiêm ngặt, họ đạo vẫn có thể tổ chức lễ nghi rầm rộ, với đuốc sáng ban đêm.

Một phần cũng nhờ địa thế của họ đạo Cù Lao Giêng thuận tiện cho việc ẩn giấu. Vì là một cù lao, ngăn cách bởi hai con sông lớn. Từ Châu Đốc đến Cù Lao Giêng, phải đi qua hai khúc sông rộng là An Hoà và Mỹ Luông. Vì thế, ông Phụng đã bố trí người trong họ đạo canh phòng và báo động kịp thời, khi có quân của triều đình đột nhập. Phần khác, viên quan huyện địa phương, một phần vẫn thường xuyên nhận tài trợ của ông; đồng thời, cũng thấy rõ sinh hoạt tôn giáo không có gì nguy hiểm; nên bao giờ cũng cho người báo tin trước, khi phải kiểm tra theo lệnh cấp trên.

Từ năm 1855, ông Phụng đã đón Cha Pernot Định, vị Thừa Sai ngoại quốc, về trú ngụ tại nhà, để giúp ban các bí tích cho giáo dân. Ông cũng rất quan tâm, lo trùng tu nhà thờ, sửa sang lại các phòng học. Có hai anh em bên lương chuyên đánh bạc và hút sách, tên là Trần Văn Mưu và Trần Văn Nén, muốn lợi dụng cơ hội làm tiền, đã đến đe doạ những người đang làm nhà thờ rằng: họ đã vi phạm luật nước. Ông Phụng, vì được quan huyện bao che, nên chẳng để ý đến những lời đe doạ của hai tên này. Vì không ai quan tâm, chúng rất bực tức đi tố cáo với quan huyện và cả với quan tỉnh nữa. Đã mấy lần quan tỉnh sai quan huyện điều tra, nhưng mọi việc vẫn êm xuôi.

Thua keo này, bày keo khác. Hai tên bất lương lại rình rập, tìm cơ hội khác. Chúng nghi ngờ trong nhà ông câu Phụng có chứa chấp đạo trưởng người ngoại quốc, nên hằng đêm chúng leo lên cây xoài ngoài vườn gần nhà ông để rình; chúng chọn địa điểm kín đáo để dễ quan sát, dò xét. Vào một đêm sáng trăng, cha Pernot ra khỏi hầm trú để đi bách bộ ngoài vườn hít thở không khí trong lành, và cầu nguyện. Đêm trăng thanh như có phép mầu làm tiêu tan đi những mệt nhọc ban ngày, và giúp cha hướng về Đấng Tạo Hoá cao thẳm; cha thầm ước mong các tín hữu Việt Nam sẽ đông đúc như sao trên trời. Cha không ngờ mình đang bị theo dõi. Trước khi khép cửa để vào nhà ẩn nấp, cha còn nói vói lại: “Thật là tồi tệ cho những ai bắt tôi phải sống thế này!” Hai tên bất lương rình rập đêm đó thật mừng rỡ, khi phát hiện cha Pernot trong nhà ông Phụng; chúng liền bàn bạc với nhau để đi tố cáo. Ngay sáng hôm sau, chúng vội vã kéo nhau đi báo cho quan trấn phủ Châu Đốc(3). Chúng tố giác nhà ông câu Phụng có chứa chấp Tây Dương Đạo Trưởng, có nhà thờ, nhà dòng và chủng viện,… chúng không quên xin phái quan lãnh binh đi bắt, chứ đừng báo cho quan huyện, vì ông này thông đồng với Công giáo.

Quan tỉnh liền sai lãnh binh mang 300 lính với 15 chiếc thuyền (ghe Ngo) đi đến họ đầu nước Cù Lao Giêng để bắt Tây Dương Đạo Trưởng. Khi đoàn thuyền đi đến Thuận Vàm, quan lãnh binh truyền lệnh cho quân lính nghỉ mệt, và bàn tính kế hoạc, phân chia các cánh quân, để có thể bao vây Cù Lao Giêng, không cho Đạo Trưởng thoát ra được. Sau đó, truyền lệnh cho các thuyền chèo chậm lại cho đến Chợ Thủ (cách nhà ông Phụng khoảng 6 km) vào lúc trời tối; đoàn thuyền đi thật chậm, để không ai có thể phát hiện; rồi dừng lại cho một toán quân lên bờ (bờ phía Cù Lao Giêng), đổ bộ xuống, lúc trời chưa sáng; toán quân còn lại tiếp tục theo đường sông bọc xuống phía dưới nhà ông Phụng, tiến lên bờ.

Sáng ngày 07.01.1859, ông Phụng chưa hay biết gì cả. Đang trọ tại nhà ông, ngoài Cha Thừa Sai Pernot, còn có Cha Phêrô Đoàn Công Quí (một linh mục trẻ người Việt Nam, cha sở mới của họ Đầu Nước). Hai linh mục vẫn dâng lễ như thường; có một số đông giáo dân tham dự. Sau đó, có người chạy về báo tin cho ông Phụng(4) hay là, quan quân Châu Đốc, một tốp đi thuyền, một tốp đi bộ đang tiến đến nhà ông. Vì quá bất ngờ, không kịp cất giấu đồ lễ, ông Phụng chỉ kịp cử ông biện Vi (lúc ấy các viên chức trong họ đạo đang họp) đưa hai cha lánh đi nơi khác. Nhưng cha Quí nhất định ở lại, vì nghĩ mình có thể trà trộn vào dân được, và tìm chỗ ẩn núp ngay trong nhà.

Quan lãnh binh bước vào nhà ông Phụng với mấy tên lính, còn đa số lính thì bao vây chung quanh nhà.

Quan hỏi: “Ai là Lê Văn Phụng?”

Ông Phụng đứng ra nói: “Chính tôi đây!”

-          “Người Tây Dương, Đạo Trưởng Giatô đâu?”

-          “Làm gì có Đạo Trưởng Tây ở đây!”

-          “Tôi biết chắc chắn ông chứa chấp Đạo Trưởng, mau đưa ra đây!”

-          “Thưa quan, quan có đông lính thì cứ việc cho họ đi lùng xét, chứ làm gì có Đạo Trưởng Tây!”.

-          Quan đưa tay nắm cổ ông Phụng kéo về phía mình, tát vào mặt ông, và quát lớn tiếng: “Đạo Trưởng ở đâu?”

-          Cha Quí đang ở trong hầm trú nhìn qua khe hở thấy quan quân hành hạ chủ nhà và một số giáo dân đang còn ở đó, liền bước ra, mạnh dạn xưng mình chính là Đạo Trưởng, chứ không có Đạo Tưởng Tây nào ở đây.

-          Quan không tin, nhìn cha Quí và hỏi lần nữa: “Đạo Trưởng ở đâu?”

-          Cha Quí trả lời ngay: “Tôi đây, tôi là Đạo Trưởng!”

-          “Không phải mày ! Hãy nạp cho tao Tây Dương Đạo Trưởng!.”

-          “Không có Tây Dương Đạo Trưởng nào ở đây cả! Chính tôi là Đạo trưởng! Tôi lấy làm hân hạnh giảng đạo cho những người muốn nghe tôi.”

Vì thấy cha Quí còn thanh niên trai trẻ, nên quan không nghe lời khai của cha. Quan mới cho gọi một đứa nhỏ lại (con nuôi của ông Phụng), hăm doạ và đánh cho nó mấy roi, bắt nó chỉ Tây Dương Đạo Trưởng ở đâu.

Bị đánh đau quá, đứa nhỏ chỉ vào cha Quí và nói: “Chính ông ấy!”

Không nghi ngờ gì nữa, quan liền ra lệnh trói cha Quí, ông câu Phụng và 32 người giáo dân trong họ đạo (đang có mặt ở nhà ông Phụng), áp giải về Châu Đốc.

Tại Châu Đốc, ông bị điệu ra trước mặt quan, bắt đầu cuộc tra vấn :

-          “Ông có phải là người Công giáo không?”

-          “Thưa phải!”

-          “Ông có phải là trùm trưởng không?”

-          “Thưa phải!”

-          “Ông có nghe theo lệnh vua truyền mà bỏ đạo để được trả tự do không ?”

-          “Bẩm quan, tôi giữ đạo Đức Chúa Trời từ nhỏ. Nếu quan thương, thì tôi được nhờ; nhưng, tôi không bao giờ chối đạo.”

-          Quan không hỏi thêm, truyền lệnh đóng gông và xích rồi đưa ông vào trại giam. Tất cả những lần tra vấn về sau ông Phụng đều một lòng can đảm thưa lại: “Tôi không bao giờ bỏ đạo, tôi nhất quyết theo gương đạo trưởng.”

-          Quan dụ dỗ ông Phụng nhiều lần, có lần quan nói: “Tôi trông mặt ông biết ông thuộc gia đình quyền quí và có khả năng lãnh đạo. Vậy, hãy đạp ảnh thập tự! Ta sẽ trả tự do và phong tước cho.”

-          Thưa quan lớn, tôi đội ơn lòng tốt của quan. Nhưng, tôi nhất quyết giữ đạo cha ông truyền lại. Tôi thà chết hơn là chối đạo.”

Khi quan Tổng đốc và các thanh tra thấy ông Phụng vẫn cương quyết một lòng, không thể nào ép buộc ông bỏ đạo được nữa, liền hội ý với nhau, kết án “bá đao” cho ông, vì tội chứa chấp đạo trưởng.

Sau khi bộ hình làm bản án xong, người ta đọc cho ông Phụng nghe, hy vọng ông sẽ xiêu lòng. Nhưng ông vẫn bình tĩnh, không có một dấu hiệu sợ hãi nào. Quan đành phải ký tên, và truyền đem bản án về kinh cho vua châu phê.

Số giáo dân bị bắt chung với ông Phụng, người nào chịu bước qua thập tự thì quan trả tự do về quê; còn người nào vững lòng không bước qua thập tự, không chịu bỏ đạo thì quan kết án lưu đày.

Trong lúc chờ đợi bản án ở kinh đô trở về, ông Phụng phải bị giam trong ngục hơn 6 tháng. Ông vẫn luôn luôn giữ sự bình tĩnh; thậm chí, bọn lính còn phải lấy làm la, khi thấy ông vẫn vui cười bình thường, như không có chuyện gì xảy ra. Trong ngục thất, ông vẫn phân phát mấy quan tiền, trầu, cau, thuốc, gạo, . . . những đồ dùng mà gia đình ông tiếp tế. Ai đến thăm ông cũng đều được khuyên :

- “Anh em hãy giữ đạo Chúa siêng năng, sốt sắng. Hãy thương yêu mọi người, dù kẻ nghịch với mình! Anh em đừng trả thù những kẻ làm khốn cho tôi! Chúa đã gửi những sự khốn khó này cho tôi, tôi bằng lòng chịu về Người. Anh em hãy để tôi chịu cho vui lòng Người”.

Có lần, hai người tố cáo ông Phụng đến xin tiền bà Phụng, bị bà mắng: “Tụi bay tố cáo, làm cho quan quân bắt bớ chồng con tao, làm tan nát gia đình tao, vậy mà còn đến đây xin xỏ!”. Ông Phụng nghe biết chuyện, thì nói với bà Phụng rằng: “Thôi bà! Bà cũng phải vui lòng chịu khó vì Chúa và làm ơn cho kẻ làm khốn mình. Xin bà đừng mắng nhiếc chúng”. Bà Phụng nghe chồng bảo như vậy, thì làm thinh, rồi lấy hai quan tiền đưa cho chúng.

Bản án đã gửi về kinh rất lâu chưa thấy trở về. Ông Phụng hy vọng mình được tha. Lần nọ, khi đi tắm sông, ngang qua cổng thành, ông chỉ cây cột lớn ở cổng, và nói với người bạn là Gioakim Nguyễn Văn Thủ: “Nếu may mà tôi được tha, tôi sẽ cất lại nhà thờ với cột lớn bằng cột cổng đó!”.

Trong thời gian ông Phụng đang bị giam, bà vợ đậu ghe ở bờ sông gần đó. Con cháu ông Phụng thường xuyên lên xuống, để thăm viếng và tiếp tế cho ông. Bà Phụng có một thứ thuốc rượu gia truyền trị bệnh đau nhức rất hay, nhất là trị được bệnh bại xụi. Bà đã chữa cho rất nhiều người, trong cũng như ngoài làng, được khỏi bệnh. Người ta khen ngợi và đồn đại về tài phục dược của bà khắp nơi. Lúc ấy quan Thượng cũng đang mắc chứng bệnh đau nhức, bị bại một cánh tay. Nhiều thầy thuốc đến chữa cho quan với những thứ thuốc đặc trị, mà bệnh tình không có dấu hiệu gì thuyên giảm. Được mấy tên lính báo cho biết: thuốc của bà Phụng rất hay, quan Thượng mới mua uống thử. Bà Phụng dâng thuốc, không lấy tiền. Quan uống thuốc của bà, thấy bệnh có giảm, nên mua thêm. Bà cứ dâng thuốc cho đến khi quan hết bệnh. Quan Thượng nhớ ơn bà, muốn giúp đỡ bà bằng cách tha cho ông Phụng. Quan cho gọi bà đến và nói: “Bệnh tôi cửu tử nhất sanh. May nhờ thuốc của bà, tôi được chữa khỏi. Tôi kể như được cải tử hoàn sanh. Vậy tôi muốn đền ơn mà tha cho ông Lý, nhưng bà phải chịu cho tôi 80 quan tiền, để tôi cho bọn lính, để chúng làm thinh”. Nhưng bà Phụng đáp lại:

- “Quan lớn thương, tôi hết lòng cám ơn; nhưng, xin phép quan để tôi báo lại với nhà tôi, xem ông ấy tính thế nào”. Khi bà Phụng kể cho ông Phụng nghe biết chuyện này, ông lên tiếng:

- “Để mặc quan trên tha hay giết; còn ta vẫn cứ một lòng trung thành với Chúa. Không cần phải mua mạng sống tạm này làm chi. Nếu may mắn, Chúa cho tôi được chịu tử hình vì Chúa, mà về cõi vĩnh hằng, thì ơn ấy còn quí trọng hơn mạng sống và mọi của cải trần thế”. Bà Phụng nghe vậy thì thinh lặng, không dám cãi lại.

Kể từ đó, Quan Thượng càng thêm quan tâm, thương cảm ông Phụng. Quan tạo điều kiện cho ông được thong thả hơn, và lúc nào quan cũng suy nghĩ, tìm cách để đền đáp công ơn của bà Phụng. Nhờ vậy mà con cháu cũng như những người thân quen thăm viếng ông Phụng, Cha Quí và những người giáo dân bị giam, được dễ dãi và thường xuyên hơn; trong số đó, có các linh mục bản quốc, cụ thể như: Cha Vọng thường xuyên thăm và đem Mình Thánh Chúa cho các ngài.

Sau hơn 6 tháng bản án đã đưa về kinh đô, thì lúc 7.00 giờ tối ngày 30 tháng 7 năm 1859, án lệnh của vua Tự Đức đã về tới Châu Đốc. Vua châu phê y án bộ hình Châu Đốc. Bấy giờ quan Thượng muốn trả ơn cho ông bà Lý Phụng, nên mời các quan Bố án lại và đề nghị rằng: “Xử cách nào người ta cũng phải chết. Xử án bá đao thì rất tội nghiệp.  Ai nỡ ra tay làm điều độc ác như vậy. Tôi xin các quan đổi thành án xử giảo cho gọn, cho mau”. Các quan quân đều đồng thuận theo lời đề nghị của quan Thượng là, đổi án “bá đao” thành “giảo quyết”.

Ngay khuya đêm 30 tháng 7 năm 1859, ông Phụng đã hay tin án của trều đình đã về đến Châu Đốc, và quan quyết định thi hành án của ông và cha Quí ngay ngày hôm sau. Nhưng, ông không tỏ vẻ gì sợ hãi, mà trái lại, rất bình tĩnh, chuẩn bị tâm hồn, lãnh nhận bí tích giải tội, và cầu xin Chúa cho mình được xứng đáng lãnh nhận ơn Chúa.

Mọi sự đã được sắp đặt sẵn đêm hôm đó. Sáng sớm ngày 31 tháng 7 năm 1859, binh lính xếp thành hai hàng đứng nghiêm trước cửa trại giam. Quan cho đòi Lê Văn Phụng và Đoàn Công Quí. Hai người được dẫn ra khỏi ngục. Trước của ngục, quan còn dụ dỗ lần sau cùng. Ông Phụng cương quyết trả lời:

-          “Tôi dốc lòng giữ đạo của tôi trọn đời, tha hay giết mặc ý quan”.

Thấy không thể dụ dỗ được nữa, quan nói : “Vậy thì hãy đi đến pháp trường!”. Quan truyền cho lính dẫn hai người ra khỏi thành phía cửa tả và đi đến pháp trường “ Cây Mét”(5) (Pháp trường Chà Và), cách thành không xa lắm, khoảng 1800 m. Một người lính dẫn đầu cầm tấm thẻ bài ghi như sau:

“Lê Văn Phụng, trước đây làm đầu trong làng, theo đạo Giatô, ẩn lậu sách vở đồ đạo trong nhà, đã xây nhà thờ để giảng đạo và đọc kinh, đã chứa chấp các đạo trưởng và cố chấp không chịu bỏ đạo. Vì vậy, lệnh truyền phải coi Lê Văn Phụng như phản nghịch và phải thắt cổ cho chết”(6). Cứ đi một khoảng thì tên lính cầm thẻ đọc lớn lên nội dung đó, cho đến khi tới pháp trường.

Trên đường đi ra pháp trường được một khoảng, ông Phụng gặp một đứa con đến thăm nuôi (người này chưa hay tin cha mình bị đem đi xử); ông gọi con lại bảo rằng:

-          “Con hãy về báo cho mẹ con hay, hôm nay cha bị đem đi xử tử hình”.

-          Một số người bà con, bạn bè chứng kiến, không cầm được nước mắt. Ông Phụng an ủi họ:

-          “Anh em đừng buồn khóc làm chi, hãy ở lại bình an,hãy tuân giữ các lề luật Giáo hội, hãy siêng năng cầu nguyện sáng tối và hãy sống hoà thuận với nhau!”.

Khi đã đến nơi pháp trường, cha Quí xin phép quan cho nghỉ một chút để lo việc riêng của mình. Bấy giờ ông Phụng mới cởi ảnh chuộc tội và ảnh Đức Mẹ (áo Đức Bà) đang đeo trên ngực, cung kính hôn, rồi trao cho đứa cháu nội là Anna Nhiên (con gái của Lý Quới), và nói:

-          “Cháu ơi! Ông không thể cho cháu vàng bạc của cải gì quí hơn ảnh Chúa Kitô là Chúa chúng ta. Cháu hãy mang luôn trên cổ ảnh này và ảnh Đức Mẹ đây. Cha cháu hay đi lo việc làng, xã, nên cháu phải ở với bà nội, kẻo cháu chẳng đọc kinh hôm mai. Cháu đừng lười biếng mà lỗi nghĩa với Chúa!”.

            Ông cũng căn dặn Phaolô Sang (đứa con trai thứ ba):

 - “Con phải lo lắng cho hai đứa em nuôi của con! Phải thương chúng nó, kẻo chúng bỏ đạo!. Còn con và mấy anh em con phải trung thành giữ đạo Chúa cho đến chết!”.

Sau đó, cha Quí bảo ông Phụng dọn mình chịu phép giải tội lần sau hết. Ông quì gối xuống, ăn năn tội, và cha Quí ban phép giải tội cho ông. Lãnh phép giải tội xong, ông Phụng căn dặn các con đang quì trước mặt ông rằng:

“Các con hãy noi gương cha! Đừng thù oán hay kiện cáo những kẻ đã tố giác cha! Các con hãy mang xác cha về Đầu Nước mà chôn cùng với xác cha Quí! Nhưng, đừng có làm gì trọng thể”.

Khi cha con đã từ biệt nhau xong, lý hình bắt ông Phụng nằm sấp xuống. Chúng đóng 6 cây cọc, rồi cột tay chân ông vào 4 cọc, còn lại 2 cọc kềm hai bên hông; một tên lấy dây luộc tròng vào cổ ông. Sau đó 6 tên lính tiến lại gần, người giữ đầu, người giữ lưng cho khỏi nhúc nhích, 4 người cầm hai đầu dây luộc trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh là xiết chặt. Khi đã kiểm tra cẩn thận, quan giám sát truyền lệnh: hễ dứt 3 tiếng chiêng, thì mọi sự hoàn tất. Tiếng chiêng thứ ba vừa dứt, những tên lý hình nắm đầu dây, xiết cổ; sau đó chúng vặn cổ vị tử đạo mặt quay lại sau lưng. Linh hồn ngài lìa khỏi xác, trở về với Chúa. Bấy giờ là 10.00 giờ sáng, ngày Chúa Nhật lễ Ba Vua, 31 tháng 7 năm 1859, (nhằm ngày 2 tháng bảy năm kỷ vị).

Chứng kiến cảnh xử tử ông Phụng có bà Phụng, các con cháu, bạn bè thân hữu và rất nhiều người khác. Ai nấy đều xúc động, tỏ ra thương tiếc ông, một người môn đệ trung tín của Chúa: “Chưa từng thấy ai chịu tử hình mạnh mẽ như vậy”.

Ngay sau đó, con cháu ông Phụng đến lạy quan để xin xác ông về chôn cất; nhưng vì nghe đồn rằng: “Giatô có phép thần linh”, nên quan dần dừ, hẹn đến chiều; và còn ra lệnh cho một đội quân ở lại pháp trường để canh giữ cẩn thận xác hai vị tử đạo.

Đến chiều tối quan mới cho phép đem xác hai vị tử đạo khỏi pháp trườn. Thi hài cha Quí được đưa về Nhà thờ Năng Gù. Thi hài ông câu Phụng thì đưa về họ Đầu Nước Cù Lao Giêng(7) và còn quàng lại một ngày để cho bà con giáo dân kính viếng. Chiều ngày hôm sau mới chôn cất trên nền Nhà thờ(8).

Ngày 02.05.1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước (Á Thánh).

Ngày 19.06.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong ngài lên bận Hiển Thánh (Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng được đứng trong số 6 vị đứng đầu danh sách 117 vị Thánh Tử Đạo Việt Nam).

PHỤ CHÚ:

(1)     Tương truyền: ông nội của Câu Phụng, không ai rõ tên thật là gì? Người ta gọi ông bằng tên của người con trai cả của ông là Lê Văn Sanh. Ông này từ Đồng Nai đến Cù Lao Giêng khoảng năm 1783, ông có 4 người con, người ta chỉ biết có hai người đó là con cả tên Sanh và con út tên Khả ( sau này làm trùm thứ II của họ Đầu Nước). Không rõgia đình  ông Câu Phụng có bao nhiêu anh chị em; người ta chỉ biết ông có một người em ruột tên là Cảnh đã chết sớm.

(2)     9 người con của Ông Câu Phụng: Phêrô Quí; Maria Hữu; Phaolô Sáng; Anna Trọng; Phêrô Thế; Maria Vọng; Phêrô Quờn; Anna Chức và Phêrô Hiển. Ông còn có hai người con nuôi là Phêrô Hậu và Phaolô Xoay.

(3)    Hai tên Mưu và Nén (có tài liệu ghi là Miêu và Nên) là thành phần bất hảo, không đủ tư cách để gặp gỡ quan Tổng Đốc. Chúng tìm cách liên lạc với Thủ Phụng (một quan tham đang làm việc trong dinh), nhờ ông này giới thiệu với quan Tổng Đốc.

(4)    Người đi báo tin là Phan Văn Vĩnh, ông biện của ho đạo nhỏ ở Chợ Thủ (họ lẻ của Cù Lao Giêng). Ong Vĩnh tới nhà ông Câu Phụng trình bày những gì ông thấy. Nhưng ông Câu không tin, vì từ trước tới nay, hễ có động tịnh gì, thì quan huyện cũng báo cho ông biết trước.

(5)    Nơi xử tử là một bãi đất bồi có một cây “mét” rất lớn. Nơi này còn gọi là xóm Chà Và (xóm người dân tộc Chăm), những người Chăm hay tắm ở bãi này. Bãi này hiện nay bị sạt lở mất. Vị trí hiện nay theo nhiều người dự đoán là ngang công viên có đài “cá basa” ở phía dưới chợ Thị xã Châu Đốc. Tương truyền rằng: Khi bãi đất ấy thắm máu Thánh Tử Đạo, thì mỗi đêm có ánh sáng chói loà; những người Chăm sợ, nên dời chỗ đi nới khác. Hiện nay người Chăm ở tập trung tại xóm Châu Giang (ngang phà Châu Đốc bờ Tân Châu) thuộc huyện Tân Châu.

(6)     Bản gốc ghi rằng: “Tự Đức thập tam: Kỷ vị niên, thất ngoạt, sơ nhị nhựt. Nhất thẻ phượng chi: Lê Văn Phụng vi câu cả, thiết lập đạo trường, hoa tàng đạo trưởng, đạo đồ, đạo chúng, đạo khí, đạo thơ, bất khẳng xuất giáo, giảo quyết. Tư Thẻ”.

(7)    Truyền thuyết nói rằng, khi hai vị tử đạo xong, giáo dân đem xuồng đến đưa xác hai vị về Cù Lao Giêng an táng, mỗi xác được đặt trên một chiếc xuồng, bơi về dọc theo dòng sông Hậu. Khi đến sông Vàm Nao, rẽ qua sông Tiền, thì chỉ có xuồng chở xác Ông Câu Phụng bơi qua được; còn xuồng chở xác Cha Quý bị gió thổi trôi dạt về hướng sông Hậu; bơi qua nửa sông, lại bị gió thổi tạt về sông Hậu. Cố gắng mấy lần đều không được, nên những người đưa xác mới khấn cùng Cha rằng: Cha có linh thiêng thì cho điềm báo để chúng con biết nơi an táng Cha. Sau đó thì xuồng chở xác Cha Quý  xuôi dòng Sông Hậu về tới Năng Gù. Và Cha được An táng tại Nhà Thờ Năng Gù.

(8)    Cũng có truyền thuyết kể rằng: giáo dân họ đạo Cù Lao Giêng đều không ai biết ngày xử tử hai vị. Nhờ có một người đi đánh bài về khuya, giữa đêm tối, khi đi ngang qua nhà ông Trùm Phụng, thấy ngôi nhà ông rực sáng như trăng rằm, liền la lớn tiếng: “Bà con ơi Ông Phụng thành Thánh rồi!”. Gia đình và lối xóm đang yên giấc, nghe tiếng la inh ỏi, tất cả đều thức dậy, chạy tới thấy hiện tượng ấy rõ ràng, liền nói: “Ông làm Thánh rồi! Ông về làm phép lạ đó!”. Sau đó, họ báo tin cho bà con trong họ đạo hay. Bà con chung góp tiền đem theo để đút lót cho lính, xin mua xác hai vị. Sáng sớm, ghe đến Châu Đốc, gặp quan lính, thương lượng mua được xác hai vị, rồi mua hai áo quan, khâm liệm xong, đưa xuống ghe, dùng cà rèm che kín, chờ trời tối mới rời bến; vì sợ dọc đường bị quan lính gây khó dễ, nên mới chờ đêm tối. Trong ghe ước độ chừng bảy người chèo; trong lúc chèo, họ bàn tính với nhau rằng: Mình đem về chôn lén! Sợ làng biết được, họ nói mình đem hai con ma: con ma đứt đầu và con ma thắt họng về, rồi họ làm khó dễ nữa thì sao? Hay là mình ghé Năng Gù bàn với Quới chức Năng Gù, xin giúp chôn xác Cha Quý, vì Cha không ở làng Tấn Đức; hơn nữa, Cha Quí cũng kiêm Cha sở Năng Gù. Như vậy vừa được kín đáo, vừa gọn nhẹ hơn. Tất cả đều đồng ý. Chẳng bao lâu thì tới nhà thờ Năng Gù, vào  khoảng 10 giờ đêm. Giáo dân họ đạo Năng Gù đã hay tin trước, nên đón rước khá đông. Hai quan tài được rước lên để trong nhà thờ cho giáo dân kính viếng, cầu nguyện. Bà con bên Cù Lao Giêng bày tỏ cùng quới chức Năng Gù, muốn nhờ giúp an táng Cha Quí tại Năng Gù. Quới chức Năng Gù vui mừng đón nhận trách nhiệm lo hậu sự cho Cha Quí. Còn Ông Trùm Phụng thì thân nhân đưa xuống ghe, đậy kín, rồi gấp rút chèo về Cù Lao Giêng, để kịp an táng trong đêm. Chèo ra một đỗi khoảng 200 mét, chèo hoài, ghe không đi. Một người trên ghe mới nói: chắc hai vị không chịu rời xa; lập tức, quay ghe trở lại nhà thờ. Một người đại diện đứng trước linh cửu Cha Qui, khấn với Cha rằng:” Cha ơi! Chúng con không muốn để Cha ở đây. Nhưng vì chúng con sợ làng làm khó dễ họ đạo. Xin Cha vui lòng cho chúng con ra về, để kịp an táng Ông Trùm trong đêm”. Bái biệt Cha Qui, bà con xuống ghe. Lạ thay chiếc ghe rẽ nước, lướt đi rất nhanh, về tới Cù Lao Giêng khoảng 2.00 giờ sáng. Một số bà con giáo dân đã trực sẵn ở đó, rước linh cửu ông Trùm Phụng lên, rồi thay áo quan mới tốt hơn cho Ông. Hòm tạm trước đó chôn ở đám dâu cạnh mé sông. Qua đám dâu, tới con lộ, qua đường lộ, thêm khoảng 10 mét, là nơi an táng Ông Trùm Phụng, bên hông nhà của Ông. (có người nói nơi an táng Ông Trùm Phụng từ mé sông vô 32 mét.)

(*) Tương truyền rằng: ngay buổi tối  chôn xác ông Câu Phụng (khoảng 8.00 giờ tối), thì có đứa nhỏ tên Lâm, khoảng 11 tuổi nhìn thấy trên trính Nhà thờ có một người đứng mặc áo trắng, có cánh trắng, khuôn mặt sáng láng rực rỡ. Cũng có một người tên Lừa, nhà ở gần Nhà thờ. Đêm thức giấc bước ra ngoài nhìn thấy cả Nhà thờ sáng rực.

(*) Đài kính Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng ở Giáo xứ Cù Lao Giêng nằm phía dưới Nhà thờ khoảng 100m.

Tài liệu tham khảo

-          Hạnh “Cha Quí và Lý Phụng” của Linh mục Phaolô Vân (Cha Sở họ đạo Cù Lao Giêng) viết vào năm 1909.

-          Phan Phát Huồn C.ssr, “Việt Nam Giáo Sử”, quyển 1, Cứu Thế Tùng Thư, Sài gòn, 1965, Trg 470-472;

-          Lm. Dũng Lạc Trần Cao Tường, “ Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng” 

-          Bài tường thuật của cha Borelle (người rất quen biết ông Câu Phụng), đăng trong tập san của hội Truyền Bá Đức Tin số 33 năm 1860.

Lời kể của một số giáo dân ở Giáo xứ Cù Lao Giêng.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com