Thứ Hai, 31 Tháng Bảy, 2017 00:00
Chia sẻ trong thánh lễ Đêm Canh Thức, 30-7-2017

Nên Thánh Trong Gia Đình

Chúng ta long trọng mừng lễ hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng trong Năm Mục Vụ Gia Đình. Sự trùng hợp rất có ý nghĩa này muốn nhắc chúng ta nhớ: hai vị thánh đã nên  thánh, trong Gia Đình, nhờ Gia Đình và với Gia Đình.

Thật vậy, Cha thánh Phêrô, ngay từ khi còn bé, sớm có ý thức và ước nguyện dâng mình cho Chúa, theo đuổi Ơn Gọi làm linh mục. Sau đó, nhập vào đại chủng viên thánh Giuse; rồi, du học bên Mãlai trong 7 năm, trở về nước giữa cơn bách hại đang dâng cao; nhiệt tình rao giảng Tin Mừng Phúc Am, lãnh nhận thánh chức linh mục trong hoàn cảnh thật khó khăn. Trở thành linh mục chánh xứ đạo đức và thánh thiện của họ đạo Đầu Nước, Cha tận tâm chăm sóc đời sống thiêng liêng cho giáo dân; sau cùng, đã can đảm và hiên ngang hiến dâng mạng sống, để làm chứng cho niềm tin kiên vững vào Đức Kitô và Ơn Cứu Độ của ngài dành cho muôn người, tại Bến Chà Và ( Châu Đốc ) vào ngày  31-7-1859..

Còn Ong Câu Emmanuel. Ai ai cũng biết, ông là một gia trưởng gương mẫu, nuôi dạy 9 người con và 2 người con nuôi nên những người công giáo đạo đức tốt lành; với lòng bác ái cao cả, ông hết lòng phục vụ bà con có đạo tại Cùlaogiêng. Gia đình khá giả, ông biết chia sẻ giúp đỡ những người túng thiếu, bất hạnh, đau bệnh; ngay cả khi bị giam tù tại Châu Đốc, ông cũng dùng tiền của mình giúp đỡ các bạn tù và những người chung quanh một cách tốt đẹp. Khôn ngoan, khéo léo và thông minh, ông tạo mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền địa phương; nhờ đó, ông đã giúp cho sinh hoạt đạo đức của giáo xứ được trôi chảy suôn sẻ; thường xuyên đón tiếp các linh mục trú ngụ tại nhà mình, kể cả các linh mục thừa sai nước ngoài, để giúp đỡ giáo dân trong đời sống đức tin, trong thời buổi cấm cách khốc liệt. Sau cùng, cùng với Cha Sở Phêrô thân yêu, ông đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin, và nêu gương chứng nhân trung tín, lãnh nhận triều thiên tử đạo, cũng tại Bến Chà Và vào ngày 31-7-1859.

Cuộc đời, Ơn Gọi và sự hy sinh dâng hiến của các ngài cho thấy: hai vị thánh đã trở thành thánh, trong Gia Đình, nhờ Gia Đình và với Gia Đình.

Chính trong Gia Đình mà các ngài đã đón nhận đức tin, trở thành con của Chúa và là con của Giáo Hội. Gia Đình thực là cái nôi và là môi trường thuận lợi cho hạt giống đức tin được gieo vãi, bám rễ và lớn lên trong xã hội. Những đức tính nhân bản, như: nhân, lễ, nghĩa, trí tín, nhất là đức bác ái yêu thương được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, cũng đã được thành hình từ trong Gia Đình, qua những lời dạy dỗ, những gương sáng về tình yêu thương hiệp nhất giữa cha mẹ, chồng vợ và con cái và qua những chia sẻ, hỗ trợ, tương thân tương ái.

Chính nhờ Gia Đình mà hạt giống Đức Tin của các ngài được nuôi dưỡng, vun trồng, bảo vệ, phát triển và trưởng thành, để có thể làm chứng nhân cho Đức Kitô trong cuộc sống, và sẵn sàng hy sinh ngay chính bản thân mình, giữ trọn niềm tin, tình yêu và lòng trung tín. Những giờ kinh sáng tối, những gương sáng của các thánh được truyền đạt, những lời chia sẻ mộc mạc, đơn sơ và thực tế, về Tin Mừng Phúc Am, về giáo huấn của Hội Thánh, về những truyền thống đạo lý dân tộc, về tình làng nghĩa xóm… tất cả đã đào tạo, khuôn đúc các ngài trở nên những môn đệ đích thực của Đức Kitô.

Chính cùng với Gia Đình mà các ngài đã sống đạo một cách thiết thực, cụ thể, sinh động và hiệu quả; nhờ đó, đã đem lại bình an, niềm vui và hạnh phúc cho những người chung quanh, trong bất cứ hoàn cảnh nào; và nhờ đó, các ngài đã loan báo Tin Mừng tinh yêu và ơn cứu độ cho rất nhiều người các ngài gặp gỡ. Phục vụ và hy sinh trong đời thường là cuộc sống hằng ngày, là cái nếp có sức hấp dẫn các thành viên trong gia đình noi theo, bắt chước, là hoa trái của lòng bác ái quảng đại lan tỏa hương thơm Tin Mừng Tình Yêu.

** Phải thành thực nhìn nhận rằng, hiện nay có nhiều mãnh lực đang chống lại sự thánh thiện và tính bền vững của những giá trị cao quý trong đời sống gia đình. Điển hình là:

* Chủ nghĩa cá nhân: Hoàn cảnh xã hội càng ngày càng làm mỗi người trong gia đình sống trong một thế giới riêng, với những sinh hoạt riêng, thú vui riêng, lo âu riêng của mình. Do đó, người ta ít cảm thông với nhau, ít quan tâm đến nhau, mà chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo cho mình. Những sinh hoạt chung trong gia đình càng trở nên hiếm hoi, cụ thể là các bữa ăn chung mỗi ngày càng ít, những giờ kinh tối sáng trong nhà càng ngày càng hiếm. Điều nầy rất bất lợi cho sự hiệp nhất và tình gia đình giữa các thành viên với nhau.

* Kế đến là chủ nghĩa hưởng thụ. Đời sống càng ngày càng trở nên tiện nghi, phong phú về vật chất. Nền kinh tế thị trường và cạnh tranh kinh tế luôn luôn tạo ra những nhu cầu giả tạo, thúc đẩy con người tìm những tiện nghi, hưởng thụ những thoải mái do vật chất và kỹ thuật đem lại. Để thỏa mãn những nhu cầu giả tạo nầy, người ta phải chạy theo đồng tiền, tìm kiếm và coi trọng đồng tiền một cách thái quá, mà coi nhẹ tình nghĩa, xao lãng việc hy sinh, không nhiệt tình trong việc phục vụ, là những cái cốt tủy tạo nên những tương quan tốt đẹp trong gia đình.

* Sau đó là chủ nghĩa khóai lạc. Trong số những nhu cầu giả tạo, thì những  nhu cầu thuộc bản năng con người cũng được khai thác triệt để: các quán nhậu, bia ôm, những tụ điểm giải trí mọc lên khắp nơi, trong đó, có những hình thái thiếu lành mạnh, nhưng lại rất lôi cuốn. Vì thế, rất nhiều người bị cám dỗ, mải mê tìm kiếm và hưởng thụ những lạc thú xác thịt bất chính. Điều nầy đã gây nên bao tang thương, đổ vỡ cho các gia đình.

* Ngoài ra, còn phải kể đến sự nghèo đói, thiếu thốn, thiếu trình độ, do thiếu công ăn việc làm, do kinh tế không ổn định, phải đi làm ăn xa, rời bỏ mái ấm, không quan tâm, chăm sóc con cái. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nên khó khăn cho biết bao gia đình, tạo ra những bất hòa giữa vợ chồng, cũng như những bất hạnh cho con cái.

* Sau cùng, phải nhắc đến môi trường xấu của xã hội chung quanh, như chủ nghĩa vô thần, không tin Đấng Tạo Hóa, tôn thờ của cải vật chất, không tôn trọng lương tâm, không chấp nhận sự thưởng phạt đời sau, coi thường nhân phẩm của con người.. từ đó gây ra bao cảnh bất công, tham nhũng, bóc lột, áp bức…

Tất cả đã góp phần làm cho gia đình bị cuốn hút theo chiều đi xuống.

Trong hoàn cảnh đầy khó khăn, thử thách, với nhiều nguy cơ đối với các gia đình, cũng như đối với mỗi thành viên trong mái ấm, trong thời buổi hiện tại, thiết tưởng gia đình của hai thánh Phêrô-Emmanuel là một điển hình gương sáng cho tất cả chúng ta.

Tuy nhiên, trước hết và trên hết, Thánh Gia Thất Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse chính là gương mẫu tuyệt hảo của mọi gia đình. Trong cuộc sống, các ngài cũng đã trải qua những khó khăn, thử thách, đau khổ, kể cả những bế tắc và dường như thất bại. Thế nhưng, nhờ biết lắng nghe và làm theo thánh ý Thiên Chúa, trong bầu khí ấm cúng gia đình, với tình yêu thương hiệp nhất, sẵn sáng phục vụ và vui lòng hy sinh, mà các ngài đã thực hiện chương trình cứu độ một cách tuyệt hảo. Cho mọi người.

Nhờ lời cầu bầu của Đức Maria và hai thánh tử đạo Phêrô-Emmanuel, xin Chúa thương giúp mỗi người chúng ta luôn biết sống và nên thánh trong Gia Đình chúng ta.

Xin Chúa thương nhậm lời chúng ta.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com