Chúng ta long trọng mừng ngày Sinh Nhật Nước Trời lần thứ 157 của hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Chúng ta khao khát đón nhận Lòng Chúa Thương Xót, để được yêu thương, tha thứ và lãnh nhận Ơn Cứu Độ. Đồng thời, Chúa cũng mời gọi mỗi người hãy thực thi Lòng Thương Xót cho Anh Em chung quanh, để xứng đáng là con cái của Cha Trên Trời và là môn đệ của Đức Kitô. Thế nhưng, thế nào là Lòng Thương Xót ?- Hai vị thánh đã sống Lòng Thương Xót ra sao ?- Các ngài đã trở nên chứng nhân của Lòng Thương Xót như thế nào ?-
Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe có thể hé mở một phần nào cho chúng ta nét đặc trưng, cũng như ý nghĩa và giá trị của Lòng Thương Xót.
“ Ai là người thân cận của tôi ?-“. Đó là câu hỏi mà người thông luật đã đặt ra với Chúa Giêsu, để qua đó, có thể có được cách ứng xử thích hợp, bảo đảm được sự sống đời đời.
Mà, đối với thầy tư tế và trợ tế, trung thành với Lề Luật cũ, thì “người thân cận ” là gia đình, hàng xóm láng giềng, là bạn bè thân thích, người đồng đạo... Tuyệt nhiên không phải là những người xa lạ, càng không phải là những kẻ thù địch. Vì thế, họ đã tránh qua một bên, tiếp tục bước đi, mà không quan tâm gì đến người bị nạn đang nửa sống nửa chết bên đường.
Nhưng, đối với Chúa Giêsu, câu hỏi trên đây lại trở thành câu hỏi ngược lại:“ Ai đã tỏ ra là người thân cận, là anh em với kẻ bị rơi vào tay bọn cướp ?-“. Phải chăng chính là người đã thực lòng cảm nhận cái đau khổ, nỗi bất hạnh của người bị nạn ?- Phải chăng chính là người thực sự xót xa, đau thắt con tim, khi nhìn thấy người bị cướp đang thoi thóp bên đường ?- Phải chăng chính là người đã trở nên gần gũi, quan tâm, chia sẻ thực sự với người đang cần được giúp đỡ ?- Phải chăng chính là người đã ra tay cứu giúp, nâng đỡ nạn nhân đang gặp khó khăn, khốn khổ ?-
Điều đáng để ý chính là sự hy sinh cao quý của người Samaritanô. Chúng ta thử hình dung là, Ông đang trên đường đi làm ăn, đi công chuyện quan trọng. Khi dừng lại giúp đỡ người bị nạn, có thể Ông đã bỏ lỡ cơ hội may mắn, bị thiệt thòi lợi nhuận to lớn do sự chậm trễ. Cứu giúp người bị nạn, ông đã phải hy sinh thời gian quý báu của ông: một ngày một đêm ở quán trọ; rồi còn hứa khi trở về sẽ ghé qua thăm, hoàn tất việc cứu giúp. Đàng khác, ông cũng tự nguyện bỏ ra một số tiền không nhỏ cho thuốc thang, cho quán trọ và những chi phí cần thiết khác của con người đáng thương này.
Ngoài ra, ở đây còn có một sự sáng suốt và một sự tế nhị tinh tế. Bởi vì, cứu giúp, chứ không phải là ban ơn. Chia sẻ, chứ không phải là bố thí. Tấm lòng, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Điều đẹp đẽ nhất trong cử chỉ của người Samaritanô là tính vô vị lợi của ông. Ong không màng tới một lời cám ơn. Ong đã làm những gì cần phải làm của một con người đối với người bất hạnh theo tiếng lương tâm, theo tiếng gọi của đức ái.
Tất cả đã nói lên tình yêu và lòng thương xót của ông.
* Theo nguyên ngữ, Lòng Thương Xót, trong tiếng Latinh Misericordia, có nghĩa là một trái tim ( cor ) gần gũi với những người đau khổ ( miseri ). Đó là, người có một trái tim biết rung động trước những đau khổ, biết xúc cảm trước cảnh thương tâm, biết hành động để làm vơi nhẹ những gánh nặng của người khác, biết thực hiện đức ái, để đem lại hạnh phúc cho đồng loại.
Người Samaritanô trên đây là hình ảnh của Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, hiện thân nơi con người của Chúa Giêsu.
Như chúng ta đã biết, vì yêu thương, Thiên Chúa đã sinh dựng nên chúng ta. Vì yêu thương, Chúa luôn luôn mong muốn và luôn ban mọi sự lành cho chúng ta. Khi sinh dựng nên con người, ngài dọn sẵn một “bàn tiệc thiên nhiên dồi dào, phong phú” làm lương thực; ngài trao ban những điều kiện cần thiết và quý báu, để giúp chúng ta sinh sống, tồn tại và phát triển…
Tuy nhiên, trước hết và trên hết, vẫn là hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn trong Nước Trời. Chính vì chạnh lòng thương con người tội lỗi, Chúa đã cứu chuộc. Ngài không cứu chuộc từ xa. Ngài sai Con Một của ngài nhập thể làm người, để có thể cảm nhận và chia sẻ thân phận con người, với những yếu đuối, những giới hạn, đau khổ và cả cái chết của con người. Đấng Cứu Thế đã vui lòng dâng hiến lễ hy tế trên thập giá, để giải thoát con người khỏi sự chết, tội lỗi và ma quỷ… Bởi vì, như Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “ Không có tình yêu nào cao quý bằng tình yêu của người thí mạng sống vì người mình yêu”.
Trong khi rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, với những con người gặp gỡ, nhất là những người bất hạnh, đau khổ, tội lỗi, bị loại trừ, như: Matthêu người thu thuế, những người phong cùi, người đàn bà phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang, người trộm lành…, hoặc qua những dụ ngôn, như: Đứa Con Hoang Đàng, Đồng Bạc Bị Mất, Con Chiên Thất Lạc…, hay với những dấu chỉ và phép lạ, như: chữa bệnh, xua trừ ma quỷ, làm cho kẻ chết sống lại v.v. Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho biết Thiên Chúa là Cha nhân lành, hằng yêu thương, cảm thông, xót xa, tha thứ và ban ơn cứu độ. Cho tất cả mọi người. Không trừ ai. Tất cả là những bằng chứng hùng hồn và đầy thuyết phục của Tình Yêu và Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Tất cả là mẫu gương tuyệt vời của Cha trên trời toàn năng, thương yêu và giải thoát.
Kết thúc bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi: “ Hãy đi và làm như vậy!”. Hãy làm như người Samaritanô ! Hãy biết thương cảm, và cứu giúp ! Thì sẽ được sự sống đời đời.
Noi gương Chúa Giêsu, trong tình yêu và lòng thương xót, trong hơn hai ngàn năm qua, biết bao người đã sống và làm chứng Lòng Thương Xót Chúa, đỉnh điểm cao quý của Tình yêu, một cách anh hùng. Trong số đó, thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng mà chúng ta long trọng mừng kính hôm nay, là những vị tiêu biểu.
Một vị là linh mục và là Cha sở hết lòng với giáo xứ. Một vị là một giáo dân và là Ban Hành Giáo, cộng tác nhiệt tình với Chủ chăn và bà con giáo dân của mình. Cả hai đã cảm nhận được tình yêu cao vời và lòng thương xót bao la của Thiên Chúa, hiện thân nơi Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Sống Lại của Chúa Giêsu, một cách xác tín và chắc chắn. Cả hai đã nhận ra tấm lòng ưu ái đặc biệt và sự âu yếm dịu dàng của Thiên Chúa thấm đậm sâu thẩm và trọn vẹn, trong cuộc đời và ơn gọi của riêng mình. Cả hai đã đón nhận hoàn toàn sự sống thần thiêng và sức mạnh siêu nhiên của Thầy Chí Thánh, trong từng giây phút sống của người môn đệ can đảm, trung tín và kiên trì. Lời Chúa mời gọi: Hãy đi và làm như vậy !, đã được các ngài thể hiện một cách tuyệt hảo, cách đặc biệt qua sự hiến dâng mạng sống, để làm chứng nhân.
Thật vậy, nhìn lại cuộc đời, ơn gọi và sự hy sinh dâng hiến của các ngài, chúng ta thấy rất rõ những nét nổi bật của đỉnh điểm Tình Yêu siêu việt này.
Đáp lại lời mời gọi của Chúa, Cha thánh Phêrô đã sớm có lòng ước ao dâng mình cho Chúa. Có trí thông minh vượt bực, dấu chỉ của một tương lai xán lạn trong đường công danh, sự nghiệp, hứa hẹn một cuộc sống sung túc, an nhàn. Thế nhưng, anh mắt nhân từ, da diết, và khát vọng cứu chuộc bừng cháy của Đấng Cứu Thế đã dần dần thúc đẩy Cha lên đường dấn thân, trên cánh đồng truyền giáo bao la đang thiếu thợ gặt, cách riêng là trong thời điểm bách hại, khó khăn của Hội Thánh tại Việt Nam thân yêu này.
Thứ đến, Cha Phêrô có lòng yêu mến Đức Maria một cách đặc biệt. Biết rằng, qua biến cố Truyền Tin, qua việc thăm viếng bà Elisabeth, qua sự can thiệp hiệu quả tại tiệc cưới Cana, qua việc tháp tùng Con Yêu Dấu trên đường rao giảng, nhất là với sự hiện diện đau thương dưới chân thập giá, Đức Maria đã đón nhận, cưu mang, và trao ban Đấng Giàu Lòng Thương Xót cho nhân loại. Qua Đức Maria, Cha Phêrô đã cảm nghiệm sâu sắc Lòng Thương Xót Chúa, dành cho mình và cho mọi người. Cha đã nhiệt tình phổ biến lòng mến yêu sùng kính này. Khi chịu tử đạo, trong tay Cha còn nắm chặt mẫu ảnh Đức Bà, xâu chuỗi và cây thánh giá.
Ngoài ra, tinh thần tông đồ nung nấu nhiệt huyết, tâm can. Cuộc bách hại đang diễn ra khốc liệt. Thế nhưng, bất cứ chỗ nào có bổn đạo, có giáo dân, bất cứ lúc nào cần thiết, thì Thầy Quí, Cha Quí đều lăn xả đến giúp đỡ, dạy giáo lý, hay ban các bí tích thánh thiêng, để chuyển thông ơn Chúa cho những người đang chờ đợi, mong mỏi Ơn Cứu Độ.
Sau cùng, là khao khát tử đạo, để làm chứng cho Chúa. Ước ao dâng hiến mạng sống, để làm chứng, trao ban và chia sẻ Lòng Thương Xót Chúa, cho mọi người. Đó là tâm tư, nguyện vọng, tuy âm thầm, nhưng sâu sắc, Cha hằng ấp ủ, nuôi dưỡng, cho đến khi đạt được, tại Châu Đốc.
** Với thánh Emmanuel. Là một gia trưởng gương mẫu, là Ong Câu trong họ đạo, thấm nhuần lời dạy của Chúa, trong sứ mạng truyền giáo cao quý, Ong đã nhiệt tình cộng tác với các linh mục, với Cha Sở thân yêu, giúp đỡ mọi người, không phân biệt lương giáo. Người vợ hiền lành, đảm đang, đạo đức, những đứa con ngoan ngoãn, chơn chất, chân thật và sốt sắng, là những gì mà mọi người đều nhân thấy rõ nơi gia đình của Ong.
Điểm đặc biệt là lòng bác ái. Gia đình khá giả. Ong biết chia sẻ tiền bạc, của cải, hỗ trợ những người đang gặp khó khăn, túng thiếu. Gặp thời dịch bệnh, Ong đích thân bỏ tiền, mua thuốc, thăm viếng, chữa bệnh cho bà con chòm xóm láng giềng. Thể hiện lòng thương xót của tình bác ái
Kế đến là tinh thần tông đồ. Trong hoàn cảnh khó khăn của đạo giáo, mặc cho những sắc lệnh nghêm khắc của các vua triều Nguyễn, Ong vẫn dâng đất cất nhà thờ, cất chủng viện và nhà các dì phước. Trong mái nhà của Ông, hầu như không lúc nào vắng bóng linh mục, có lúc có 5 linh mục ở chung với nhau. Trong số đó, có cả các linh mục thừa sai nước ngoài. Nhờ đó, đã đem lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho bà con giáo dân.
Ngoài ra, Ong còn biết dùng tài ngoại giao của mình, để giao thiệp với Chính quyền, cụ thể là Chính quyền địa phương là Ong Quan Huyện; nhờ đó, Ong giúp bà con giáo dân có thể giữ đạo và sống đạo một cách tốt đẹp, giữa những khó khăn, thử thách, gian khổ. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của Ong đối với những người mà Chúa trao phó cho Ong.
Điểm nổi bật nhất và cao quý nhất, là phúc tử đạo. Sau khi vui lòng chịu nhiều đau khổ, sỉ nhục, tra tấn, Cha Phêrô và Ong Câu Emmanuel đã hiên ngang dâng hiến lễ tế cuối cùng là chính mạng sống của mình, vào ngày 31-7-1859. Để bày tỏ niềm tin kiên vững và tình yêu sâu sắc vào Đức Kitô. Hy sinh tất cả, các ngài đã trở nên Chứng Nhân của Lòng Thương Xót Chúa. Các ngài đã thực hiện trọn vẹn lời mời gọi của Chúa: “ Hãy đi và làm như vậy !”. Các ngài đã được tôn phong hiển thánh và chung hưởng vinh quang Thiên Quốc.
** Hôm nay, long trọng mừng kính hai thánh tử đạo Phêrô-Emmanuel, Chúa cũng lặp lại với mỗi người chúng ta lời mời gọi: “ Hãy đi và làm như vậy !” Hãy biết thương cảm, và cứu giúp thì sẽ được sự sống đời đời.
Điều đó có nghĩa là, theo lời dạy của Chúa Giêsu, theo gương lành của hai thánh Phêrô-Emmanuel, hãy có một trái tim biết rung động trước những đau khổ; hãy biết xúc cảm trước cảnh thương tâm; hãy biết hành động để làm vơi nhẹ những gánh nặng của người khác; hãy biết thực hiện đức ái, để đem lại bình an và niềm vui cho anh em; hãy biết chia sẻ Tin Mừng Cứu Độ, để chuyển thông hạnh phúc đích thực sung mãn và vĩnh viễn cho đồng loại.
Sau khi đã đón nhận Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta hãy là những Chứng Nhân Của Lòng Thương Xót Chúa cho anh em chung quanh chúng ta.
Xin hai thánh tử đạo Phêrô-Emmanuel luôn cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta. Xin Chúa Giàu Lòng Thương Xót luôn nhậm lời chúng ta.
( Bài chia sẻ trong thánh lễ Khai mạc Đêm Canh Thức, mừng Sinh Nhật Nước Trời lần thứ 157 của hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí-Emmanuel Lê Văn Phụng, ngày 30-7-2016, tại Châu Đốc của Cha Phêrô Nguyễn Tấn Khoa ).