Thứ Bảy, 01 Tháng Tám, 2015 00:00
Bài chia sẻ trong thánh lễ khai mạc Đêm Canh Thức chiều 30-7-2015

Bài chia sẻ trong thánh lễ khai mạc Đêm Canh Thức mừng kỷ niệm Ngày Sinh Nước Trời lần thứ 156 của hai thánh tử đạo Phêrô Đòan Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng, chiều 30-7-2015

Họp nhau nơi đây, trong bầu khí ấm cúng, thân mật, nhưng cũng rất long trọng, linh thiêng, chúng ta cùng chuẩn bị cử hành lễ Bế Mạc Năm Thánh, kỷ niệm 155 năm tử đạo của hai thánh Phêrô và Emmanuel, đồng thời là nghi thức Đặt Viên Đá Đầu Tiên của Hội Trường Trung Tâm Hành Hương, và cũng là ngày mừng lễ Giỗ lần thứ 156 của các ngài.

Thông thường, khi nói đến lễ giỗ là nói đến người chết, kỷ niệm ngày qua đời,  nhắc nhớ những tâm tư, tình cảm, ước vọng của người đã mất, cũng như những việc lành, gương sáng được để lại. Thế nhưng, những người được kính nhớ ở đây không phải là những người thường, mà là hai vị thánh. Các ngài đã được toàn thể Giáo Hội tôn kính như là những gương mẫu thánh thiện, đạo đức và nhân ái.

Cuộc đời và hạnh thánh của các ngài là những nhân tố tích cực, khuyến khích và thúc đẩy chúng ta luôn sống ơn gọi làm Con Chúa, luôn tin tưởng, đáp lại lời mời gọi của Chúa, loan báo Tin Mừng Tình Yêu và ơn cứu độ cho mọi người chung quanh.

Nhìn lại cuộc đời, ơn gọi và sự hy sinh dâng hiến của hai vị thánh tử đạo Phêrô-Emmauel, chúng ta thấy những mẫu gương xán lạn, tiêu biểu và lôi cuốn mà mỗi người có thể học hỏi và áp dụng trong cuộc sống đời thường, xứng đáng là Con Chúa.

A- Cha thánh Phêrô Đoàn Công Quí, là con của Ong Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anna Nguyễn Thị Trường, sinh năm 1826, tại họ Búng, Thủ Dầu Một, Bình Dương, trong gia đình có 6 người con. Cha là con út.

Trước hết, gay từ nhỏ, cậu Phêrô đã có lòng ước ao dâng mình cho Chúa. Từ khi còn bé, thường lui tới với các Cha, có ý muốn đi tu. Sau khi nhập vào Đại chủng viện thánh Giuse ( Thị Nghè ), thầy Phêrô được gởi đi tu học tại Đại chủng viện Thừa Sai Paris, ở Pénăng, Malaysia, trong 7 năm. Hoàn tất chương trình đào tạo, trở về quê hương vào năm 1855. Lúc bấy giờ, các vua triều Nguyễn, nhất là vua Tự Đức, đang cấm đạo rất gắt gao. Vào tháng 9 năm 1858, thầy được chịu chức linh mục một cách âm thầm tại Thủ Dầu Một. Sau đó, được cử đi phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia định, Kiến hoà; rồi làm Cha Phó họ đạo Cái Mơn ( Vĩnh Long ), và là Cha sở họ Đầu Nước ( Cù lao giêng ), từ ngày 27-12-1858, trú ngụ tại nhà Ong Câu Emmanuel Lê Văn Phụng.

Đồng thời, cùng với lòng nhiệt thành tông đồ, hăng hái phục vụ bổn đạo, Cha còn có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt. Nhờ có tài hát xướng, Cha đã sáng tác những bài thánh ca để phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ nơi bổn đạo, rất được mộ mến. Còn nhớ là khi chịu tử đạo tại Châu Đốc, trong tay Cha còn cầm Mẫu Anh Đức Bà, Cây Thánh Giá và Tràng Chuỗi Mân Côi.

Ngòai ra, một trong những nét nỗi bật trong ơn gọi của Cha là, Cha luôn luôn khao khát tử đạo để làm chứng cho Chúa. Cha có lòng ước ao dâng hiến mạng sống để làm chứng Niềm Tin vào Đức Kitô. Và Cha đã thực hiện được ý nguyện, khi được Bề Trên cử về Cù lao giêng làm Cha sở. Về nhiệm sở được 10 ngày, thì vào ngày mồng 7 tháng giêng năm 1859, nhằm ngày lễ Hiển Linh, Cha bị bắt cùng với Ong Câu Emmanuel Lê Văn Phụng và 32 giáo dân khác.

B- Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, sinh năm 1796, tại Cù lao giêng, là Ong Câu trong họ đạo. Ngoài ra, ngài còn giữ chức Lý trưởng, là một chức khá lớn trong làng, tức là người có uy tín.

Là một gia trưởng gương mẫu, cùng với vợ là bà Anna Của, Ong Câu đã nuôi dạy 9 người con và 2 người con nuôi nên những người công giáo đạo đức, tốt lành. Điều đó ai ai cũng nhận thấy.

Với lòng bác ái quảng đại, Ong thường chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khó, túng thiếu… nhất là trong thời dịch bệnh, ông bỏ tiền ra mua thuốc, phân phát, giúp đỡ bà con. Và ngay cả khi bị giam tù ở Châu Đốc, Ong cũng dùng tiền của mình để giúp đỡ các bạn tù và những người chung quanh rất tốt đẹp.

Thấm nhuẩn tinh thần tông đồ cao độ, Ong hăng say hy sinh, phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Trong thời gian cấm đạo rất gắt gao, Ong vẫn âm thầm dâng đất cất nhà thờ, cất chủng viện và nhà các dì phước. Khi cấm đạo, các vua rất căm ghét các linh mục, gọi là Đạo trưởng, nhất là các linh mục thừa sai nước ngoài, gọi là Tây dương đạo trưởng. Vì thế, đã ra những án lệnh rất nghiêm khắc dành cho những ai liên hệ, chứa chấp. Ay thế mà, trong nhà Ong, hầu như lúc nào cũng có linh mục trú ngụ. Có lúc, có 5 linh mục cùng ở chung với nhau; trong đó, có cả các linh mục thừa sai nước ngoài.

Thêm vào đó, Ong còn có tài ngoại giao rất đặc biệt. Ong có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương, cụ thể là Quan huyện. Nhờ đó, mà giáo dân Cù lao giêng vẫn được an bình trong thời điểm cấm đạo rất khó khăn.

Vì có người tố cáo, ngày 07 tháng giêng năm 1859, Ong bị bắt cùng với Cha Phêrô Đoàn Công Quí, và 32 giáo dân khác.

* Các ngài bị điệu về Châu Đốc giam giữ. Trong suốt 7 tháng trời, Tổng trấn và Quan quân triều đình ra sức dụ dỗ, thuyết phục Cha Phêrô và Ong Câu Emmanuel bỏ đạo, để được thăng quan, tiến chức và tưởng thưởng. Nhưng các ngài vẫn một mực trung tín với tình yêu Đức Kitô, với Tin Mừng Phúc Am và với Giáo Hội. Các ngài đã từng khẳng khái nói với quan Tổng Trấn: “ Chúng tôi là người giảng đạo. Chúng tôi không thể bỏ đạo. Hơn nữa, đây là Đạo Thật do Thiên Chúa lập nên, để đem lại Ơn Cứu Độ cho mọi người”.

Không thuyết phục được, tổng trấn gởi sớ về triều đình xin án lệnh. Vua Tự đức châu phê và gởi về Châu Đốc ngày 30-7-1859. Ngày hôm sau, 31-7-1859, tại bến Chà Và                                                      ( Bến Cây Mét ), các ngài đã hiên ngang hiến dâng mạng sống, để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng Phúc Am.

Để tuyên dương công trạng, nhân đức và tinh thần tông đồ đầy nhiệt huyết, vào ngày 02-5-1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong các ngài lên bậc Chân phước ( Á thánh ). Sau đó, vào ngày 19-6-1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng các ngài lên bậc Hiển thánh, cùng với 115 vị tử đạo khác tại Việt Nam.

 ** Theo nguyên nghĩa, Tử đạo là người làm chứng. Tử vì Đạo là người chịu chết để làm chứng niềm tin và sự gắn bó của mình với Đức Kitô. Đó là người sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình, để trung thành với tình yêu Con Thiên Chúa. Các ngài đã phải chịu đủ mọi thứ cực hình, cả tinh thần lẫn thân xác, chỉ vì muốn trung thành với niềm tin sắt đá vào Đấng Cứu Độ trần gian. Các ngài bị chống đối, hành hạ, và giêt chết, chỉ vì đã can đảm sống tinh thần yêu thương, bác ái và vị tha của Đức Kitô. Các ngài bị cản trở, cấm cách, và thủ tiêu, chỉ vì muốn loan báo Tin Mừng Tình Yêu của Chúa cho tất cả mọi người.

Hai thánh Phêrô và Emmanuel đã nêu gương sáng về Đức Tin kiên vững, Đức Mến nồng nàn, Đức Cậy vững vàng, nhất là lòng nhiệt thành loan báo cho mọi người Tin Mừng Tình Yêu và Ơn cưu độ của Thiên Chúa. Đây còn là mẫu gương sống động về tình nghĩa mục vụ, mối dây liên kết thiêng liêng giữa linh mục và giáo dân, giữa Cha sở và Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ, ở mọi thời và khắp mọi nơi.

Thông điệp mà các ngài muốn gởi gắm cho chúng ta hôm nay, đó là:

Làm chứng nhân của Đức Kitô và loan truyền Tin Mừng Tình Yêu của Chúa cho tất cả mọi người, đó là sứ mạng cao quý được trao ban cho mỗi người.

Do đó, chúng ta phải nỗ lực thực hiện sứ mạng đó trong cuộc sống hằng ngày, dù gặp thời thuận lợi hay không. Hoàn cảnh, thời thế và não trạng bây giờ đã khác. Người ta không còn cấm cách, bách hại và tiêu diệt những người tin Chúa một cách lộ liễu, công khai, trắng trợn. Tuy nhiên, người sứ giả vẫn phải nỗ lực, phấn đấu và kiên cường để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua đời sống gương mẫu của người Công dân Công giáo trong cuộc sống tốt đời, đẹp đạo tại môi trường sống. Qua những mối tương quan, giao hảo, lương thiện với những người chung quanh. Qua những sự cộng tác tích cực, những nỗ lực góp phần làm cho cuộc sống gia đình, Đất Nước và xã hội càng ngày càng được thăng tiến hơn, nhân bản hơn, tự do, và hạnh phúc hơn. Qua những đấu tranh miệt mài để đẩy lùi cái xấu và cái ác ra khỏi xã hội, cũng như những góp phần để gầy dựng, củng cố và làm phát triển những giá trị chân, thiện, mỹ, như: công bình, bác ái, huynh đệ, chia sẻ, tương thân tương ái...

Tất cả đều làm hao mòn thân xác, suy giảm sức khỏe, chi phối tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân. Thế nhưng, tất cả là những hy sinh dâng hiến bày tỏ lòng yêu mến, biết ơn đối với Thiên Chúa là Cha. Tất cả là những của lễ rất đáng trân trọng và giá trị vô song, đầy ý nghĩa, để đền đáp biết bao ơn lành được trao ban. Tất cả sẽ là phương cách giới thiệu có hiệu quả hình ảnh dịu hiền, thân thương của Chúa cho mọi người, để nhờ đó, tất cả sẽ nhận ra Chúa, yêu mến Chúa, tin Chúa, đến với Chúa và chung hưởng hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn trong Nước Chúa.

Nhờ lời cầu bầu rất có hiệu lực của Đức Maria và hai thánh tử đạo Phêrô-Emmanuel, xin Chúa thương giúp chúng ta luôn biết sống đời chứng nhân gương mẫu, nhờ đó có thể đem lại bình an, niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com