1. Đã từ lâu rồi, tôi vẫn hằng cầu nguyện với các thánh tử đạo tại Việt Nam. Điều tôi xin các ngài nhiều nhất là: Xin hãy cầu bầu cùng Chúa cho tôi được ơn làm chứng cho Chúa, cách thích hợp nhất theo thánh ý Chúa, trong tình hình cụ thể đang diễn tiến trên quê hương Việt Nam yêu dấu của tôi lúc này.
2. Tôi đã được trả lời. Bằng nhiều cách, Chúa soi sáng cho tôi biết: Nhờ lời cầu bầu của các thánh tử đạo tại Việt Nam, Chúa dạy tôi là chọn một cách làm chứng thích hợp nhất, quan trọng nhất về Chúa, đúng với thời điểm này là điều tốt. Cách đó là làm chứng Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.
Tôi xác tín điều đó. Vì nhiều lý do, như:
Các Đức Giáo Hoàng cận đại và đương thời dạy như vậy.
Xu hướng đạo đức mạnh nhất hiện nay khuyến khích như vậy.
Tâm lý đồng bào Việt Nam hiện nay rất nhạy bén với cách làm chứng như vậy.
Tôi an tâm tin tưởng: Thời nay, làm chứng Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót chính là điều Chúa muốn tôi thực hiện một cách triệt để trong chức vụ của tôi.
3. Làm chứng bằng cách nào? Tôi hết sức cầu nguyện. Và Chúa đã thương cho tôi một nền tảng gợi ý vắn tắt rõ rệt và dễ hiểu. Đó là Thánh Vịnh 103 (102).
4. Vua David nêu lên 7 việc cụ thể Chúa đã làm cho ngài. Đó là những lý do ngài nên nhìn lại, để ca tụng Chúa là tình yêu thương xót:
“Chúa tha cho ngươi muôn vàn tội lỗi.
Chúa thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Chúa cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt.
Chúa bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.
Chúa ban cho đời ngươi biết bao hạnh phúc.
Chúa khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng.
Chúa phân xử công minh, bênh quyền lợi những ai bị áp bức”.
Tôi áp dụng mỗi việc trên đây vào cuộc đời của tôi, tôi còn thấy nhiều việc khác nữa. Tôi nhận ra tình yêu Chúa dành cho tôi thực là đặc biệt sống động, đặc biệt riêng tư.
5. Tôi tiếp tục đọc tâm tình của vua David. Ngài nhìn Chúa thế nào, khi Chúa đã thương ngài như thế.
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
Chẳng trách cứ luôn mãi.
Không oán hờn mãi mãi.
Người không cứ tội ta mà xét cử.
Không trả báo ta xứng với lỗi lầm”.
Thánh vịnh ca tụng Chúa đã là như thế, và luôn luôn sẽ mãi là như thế. Tôi thấy rất đúng. Chúa đã đối xử với tôi như vậy.
Tôi rất xúc động cách riêng với hai câu này:
“Chúa không cứ tội ta mà xét xử.
Chúa không trả báo ta xứng với lỗi lầm của ta”.
Thực vậy, nếu không như thế, thì tôi đâu có ngày hôm nay.
6. Tình Chúa xót thương thực khó tả. Thánh Vịnh đưa ra 3 hình ảnh:
“Như trời cao trổi cao hơn mặt đất,
Tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.
Như đông tây cách xa nhau ngàn dặm
Tội ta phạm, Chúa cũng ném xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái.
Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn”.
Riêng tôi, tôi thích nhất hình ảnh người cha. Tất nhiên người cha nói đây là người cha nhân ái, mà Chúa Giêsu gọi là mục tử nhân lành:
“Tôi là mục tử nhân lành.
Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10,11).
Tôi nhìn Chúa và cảm tạ Chúa.
Chúa Giêsu trên thánh giá nhìn tôi. Người không nói gì, nhưng cái nhìn của Người đã đốt lên trong tôi lửa biết ơn đối với tình yêu mà Ngài dành cho tôi. Người đã hy sinh mạng sống vì tôi.
7. Mà tôi có đáng gì đâu! Thánh Vịnh gợi ý cho tôi thấy tôi là kẻ yếu đuối, hèn mọn. Đây là hai hình ảnh về tôi, theo Thánh Vịnh:
“Hẳn Chúa biết: Ta chỉ là cát bụi.
... Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
Một cơn gió thoảng là xong.
Chốn xưa mình ở cũng không biết mình”.
Tuy vậy, lòng Chúa xót thương vẫn âu yếu tôi một cách hết sức đặc biệt.
8. Cảm nhận được điều đó, tôi ca tụng Chúa hết lòng. Việc ca tụng, mà Chúa chờ đợi nơi tôi hơn cả, là hãy sám hối và bác ái.
Tôi sám hối vì đã hờ hững đối với những gì tình yêu thương xót Chúa đã dành cho tôi, tôi đã không đáp trả.
9. Một điều quan trọng Chúa muốn tôi thực hiện để đáp trả, là hãy xót thương người khác như Chúa đã xót thương tôi.
“Ai yêu mến Thiên Chúa,
Thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4,21).
“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì. Đó là Đức Kitô đã thí mạng sống vì chúng ta, như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng sống vì anh em.
Nếu ai có của cải thế gian, và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được” (1 Ga 3,16-17).
10. Như vậy, theo lời Chúa dạy thì ca tụng ngợi khen Thiên Chúa giàu lòng thương xót đòi tôi hãy sống bác ái đối với người khác. Bác ái đến mức sẵn sàng đổ máu, hy sinh vì anh em, và cũng sẵn sàng đổ mồ hôi, tình yêu và của cải ra để cứu anh em.
Chúa nói rất rõ giá trị của những việc bác ái tôi làm cho người khác: “Mỗi lần các con làm bác ái cho một người trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các con đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
11. Trên đây là vắn tắt những gì Chúa dạy tôi về sự phải làm chứng cho Chúa tại Việt Nam hôm nay.
Tôi coi những gì Chúa dạy tôi trên đây là một ân huệ rất cao quý Chúa ban cho tôi. Tôi quyết tâm thực hiện, cho dù phải từ bỏ mình rất nhiều.
Tôi hay hỏi ý hai thánh tử đạo của giáo phận Long Xuyên là Cha Phêrô Đoàn Công Quý và ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng về mục vụ của tôi tại địa phương này.
Luôn luôn tôi được các ngài khuyên bảo và khích lệ về từ thiện bác ái, trong đó hãy đặc biệt lo cho các gia đình được đạo đức, biết xây dựng cuộc sống vật chất và tinh thần sao cho tốt với đạo, với đời. Tôi xin hết lòng cảm ơn hai thánh thân yêu.
12. Xin lưu ý là: Cũng như nơi hai thánh, nơi tôi bác ái đối với người khác đã bắt nguồn từ lòng mến đối với Chúa. Tiến trình được diễn tả qua sự đến với Chúa. Thánh Vịnh 103 (102) là một gợi ý.
Nhờ lòng mến Chúa, tôi mới có sức vượt qua được biết bao khó khăn trên đường sống bác ái đối với người khác. Bởi vì, rất nhiều trường hợp, sống bác ái đối với người khác cũng là một thứ tử vì đạo không đổ máu.
Để kết, tôi mong muốn mỗi người chúng ta được luôn là bài ca bác ái của thánh Phanxicô:
“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa...”.
ĐGM.GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 30.7.2014