*« Các con đừng sợ !». Ba lần Chúa Giêsu lặp đi lặp lại để trấn an các môn đệ trước cái viễn tượng đầy khó khăn, thử thách của đời sống người tông đồ.
Thật vậy, trong khi sống đời sống người Kitô hữu, giống như Thầy Chí Thánh, người tông đồ sẽ gặp phải những chống đối và nguy hiểm. Để sống niềm tin vào Thiên Chúa là Cha chung, tất cả mọi người là anh em; để sống Tin Mừng tình yêu, sự tha thứ, biết chia sẻ với anh em đồng loại theo gương Chúa Giêsu; để loan báo Đấng Cứu Thế đã chịu Thương khó, chịu chết và sống lại để giải thoát mọi người khỏi tội lỗi, sự chết và ma quỷ... chắc chắn người môn đệ sẽ gặp phải những dửng dưng, thù địch, đe dọa, áp bức, bách hại...và có thể đi đến chỗ phải hy sinh mạng sống. Nhìn thấy trước những viễn tượng đó, Chúa Giêsu mời gọi và trấn an các môn đệ: « Hãy tin tưởng ! Đừng sợ ! ».
Hãy tin tường ! Đừng sợ những kẻ chỉ giết đưọc thân xác, nhưng không làm gì được linh hồn. Bởi vì không ai trên trần gian có thể hủy diệt được sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc đích thực đời sau của những người được Chúa chọn và chọn Chúa.
Hãy tin tưởng ! Đừng sợ, bởi vì Thiên Chúa là Cha, luôn luôn yêu mến và chăm sóc từng người một. Một con chim sẽ chỉ đáng giá một xu, thế mà không con nào rơi xuống đất ngoài thánh ý Thiên Chúa. Mà con người thì còn quý hơn chim sẻ gấp nhiều lần, huống hồ.là môn đệ, là tông đồ của Chúa,
Hãy tin tưởng ! Đừng sợ, bởi vì Chúa Giêsu luôn ở với các chứng nhân của ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời. Để đồng hành, bảo vệ, che chở, an ủi, nâng đỡ và hướng dẫn. Hãy tin tưởng ! Mọi sợi tóc trên đầu đã được đếm cả rồi. Vì thế, đừng sợ bước theo Chúa và làm chứng cho Chúa. Bởi vì, ngài cũng sẽ làm chứng cho các môn đệ trước mặt Cha ngài trên trời trong ngày sau hết, để ân thưởng Nước Trời vinh phúc viên mãn.
** Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta liên tưởng đến cuộc đời, ơn gọi và sự hy sinh dâng hiến của hai thánh Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng mà hôm nay chúng ta long trọng mừng kính Ngày Sinh Nước Trời Lần Thứ 159 tại Châu Đốc thân yêu này.
Luôn luôn tin tưởng và không sợ hãi, các ngài đã trở thành những chứng nhân anh dũng của Đức Kitô trong môi trường và hoàn cảnh sống thật khó khăn của thời đại.
Cha Quí được tuyển chọn vào cánh đồng truyền giáo trong một giai đoạn thữ thách cam go đặc biệt của Đất Nước. Trở về nước sau bảy năm tu học tại Penang Mã Lai, vào thời điểm các vua triều Nguyễn đang cấm đạo rất gắt gao, nhất là thời vua Tự Đức, Thầy Quí vẫn kiên trì theo đuổi Ơn Gọi cao quý của mình. Sau khi được chịu chức Linh mục một cách âm thầm tại Thủ Dầu Một, Cha Phêrô hết lòng phục vụ đàn chiên được trao phó. Ngay cả trong thời gian cấm cách khốc liệt, ở bất cứ chỗ nào có bổn đạo, thì Thầy Quí, Cha Quí vẫn xông xáo đến giúp đỡ, dạy giáo lý hay ban các bí tích rất tốt đẹp. Dù gặp thời thuận tiện hay không, khi công khai thi hành chức vụ, lúc ẩn náu qua ngày, ở bất cứ nơi đâu, Cha luôn nhiệt tình săn sóc, giúp đỡ các tín hữu. Cha đã từng rảo qua các họ đạo Lái Thiêu, Kiến Hòa, Gia Định, Năng Gù, Rạch Giá..để giảng dạy, trao ban các bí tịch, nâng đỡ những người hấp hối, khuyên nhủ những người khô khan, nguội lạnh, giúp họ trở về nẻo chánh đường ngay.
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất là lòng khao khát tử đạo để làm chứng cho Chúa. Bất cứ lúc nào, bât cứ ở đâu, khi có cơ hội là Cha sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình. Và, Cha đã được toại nguyện khi can đảm đứng ra tự nhận mình là Đạo Trưởng tại họ đạo Đầu Nước trong một cuộc đại bố ráp của Quan Quân Triều đình, vào ngày 07-01-1859. Bị bắt và giam giữ tại Châu Đốc trong suốt 7 tháng trời, Cha vẫn giữ vững niềm tin và lòng trung thành với Đức Kitô; và sau cùng, vinh hạnh được lãnh nhận triều thiên tử đạo vào ngày 31-7-1859, tại Châu Đốc. Cha là một trong 117 vị tử đạo tại Việt Nam đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô tuyên phong hiển thánh vào ngày 19-6-1988. Năm nay là đúng 30 năm.
Cũng vậy ! Luôn luôn tin tưởng và không sợ hãi, Ong Câu Emmanuel luôn tỏ ra là chứng nhân đích thực của Đức Kitô, trong một hoàn cảnh khó khăn đặc biệt của Đạo Chúa. Với chức Câu trong họ đạo, tức là Chánh Trương của giáo xứ, lại có lòng đạo đức sâu sắc và am hiểu giáo lý một cách tường tận, Ong Phụng được bề trên chọn làm giảng viên giáo lý của họ đạo Cù lao giêng, và sau đó, là của cả tỉnh An Giang. Ngoài ra, Ông còn làm chức Lý Trưởng, là một chức khá lớn trong làng, tức là người có uy tín. Với những chức vụ đạo-đời khá quan trọng như thế, Ông đã làm việc hết mình, theo tinh thần Phúc Am, để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Ong ra sức dạy giáo lý, ủi an, giúp đỡ những người lầm lạc, sa ngã ăn năn sám hối, để đón nhận ơn tha thứ. Để có nơi làm việc thờ phương, giúp đỡ việc đạo hạnh cho bà con, Ong sẵn sàng dâng đất cất nhà thờ, cất chủng viện, cất nhà các Dì phước.
Khi cấm đạo, các vua triều Nguyễn rất căm tức các linh mục, gọi là Đạo Trưởng, cách đặc biệt là các linh mục Thừa sai nước ngoài, gọi là Tây Dương Đạo Trưởng; vì thế đã ra những án lệnh rất gắt gao cho những ai liên hệ, chứa chấp. Ay thế mà, trong nhà Ong Câu Phụng, hầu như lúc nào cũng có linh mục, có lúc có 5 linh mục ở chung với nhau; và có cả các linh mục thừa sai nước ngoài. Biết rõ, tất cả đều là những nguy cơ, khốn khó, nhưng Ong vẫn can đảm sẵn sàng đón nhận, miễn là công việc truyền giáo được tiến triển tốt đẹp.
Bị kẻ xấu tố cáo, Ông đã bị bắt trong một cuộc đại bố ráp, vào ngày 07-01-1859, cùng với Cha Sở Phêrô, cũng tại Cù lao giêng. Và vì muốn trung thành với tình yêu của Đức Kitô, với Tin Mừng Phúc Am và với Giáo Hội, Ông đã hy sinh mạng sống của mình, cũng vào ngày 31-7-1859, tại Châu Đốc, để trở nên gương mẫu chứng nhân tiêu biểu của Đấng Cứu Thế cho đồng bào Việt Nam thân yêu.
***Chúng ta cũng vậy. Là môn đệ, là tông đồ, chúng ta cũng phải tuyên xưng đức tin của chúng ta. Không làm điều đó, thì không phải là kitô hữu. Đức tin được trao ban cho chúng ta không phải là để chôn vùi dưới đất, hay là để được bảo quản một cách nhút nhát. Đức tin được trao ban cho chúng ta là để chúng ta truyền bá cho mọi người.
Tuy nhiên, hoàn cảnh mà chúng ta đang sống hiện nay rất khác với hoàn cảnh của các kitô hữu thời xưa. Rất ít nguy hiểm bị bách hại công khai, nếu chúng ta thẳng thắn loan báo niềm tin của chúng ta. Cũng không có nguy hiểm phải bị giết chết, vì lý do tôn giáo…
Thế nhưng, có những lý do khác có thể dẫn đưa chúng ta đến chỗ không dám làm chứng đức tin của chúng ta một cách công khai và can đảm. Chẳng hạn chúng ta sợ bị xem như những người lạc hậu, ngu đần, làm trò cười cho người khác; bởi vì dưới con mắt của một số người thời nay, tin vào Thiên Chúa và Đức Kitô, là quá ngây thơ, dại dột, không tiến bộ, lỗi thời… và nhiều khi bị thiệt thòi, mất mát về vật chất, tiền bạc, đôi khi cả mạng sống. Vì thế, để có thể làm chứng đức tin vào Đức Kitô và Tin Mừng Cứu Độ của ngài, để có thể chu toàn sứ mang truyền giáo cao quý, noi gương hai thánh Phêrô và Emmanuel, chúng ta hãy xác tín và sống lời Chúa Giêsu nhắn nhủ: “ Hãy tin tưởng ! Đừng sợ !”
Nhờ lời cầu bầu của hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng, xin Chúa thương ban thêm đức tin cho chúng ta, để có thể xứng đáng là chứng nhân của Đức Kitô, tại địa phương thân yêu của chúng ta.