Theo lịch sử để lại, tại Việt Nam, trong những thế kỷ qua, đã có hàng trăm ngàn tín hữu, vì muốn làm chứng nhân cho Đức Kitô, nên đã can đảm chấp nhận mọi hình khổ, tù đày và chết chóc. Các ngài thuộc đủ mọi thành phần Dân Chúa, đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ. Nam có. Nữ có. Đa số là người Việt Nam, nhưng cũng có một số vị Thừa Sai nước ngoài. Mỗi người một cách, các ngài đã hiên ngang tuyên xưng niềm tin, từ chối những lợi lộc, danh vọng, chức quyền và cả sự tự do, để giữ trọn niềm trung tín. Các vị ấy đã trả giá cho lòng yêu mến Chúa bằng chính mạng sống của mình. Trong số đó, một trăm mười bảy vị được xem là tiêu biểu, đã được long trọng tôn phong hiển thánh, cách nay 30 năm, ngày 19-6-1988, để cho toàn thể Giáo Hội biểu dương, tôn kính và noi gương.
Điều đáng lưu ý là, là những phàm nhân mỏng dòn, những con người bình thường trong cuộc sống, với những giới hạn, khiếm khuyết, yếu đuối; nhưng nhờ ơn Chúa tác động và niềm tín thác cậy trông, các ngài đã trở nên những người mạnh mẽ trong đức tin, vững vàng trong đức ái, và là những chứng nhân kiên cường của Đức Kitô cho đến cùng, cho dù phải hy sinh tất cả.
Thật vậy, không phải tất cả các ngài đều là những con người tài trí, thánh thiện, hay đạo đức hơn người. Các ngài cũng không phải là những bậc siêu nhân, vĩ đại. Các ngài cũng chỉ là những con người bình thường, không hơn không kém. Nhiều khi cũng có những yếu đuối, hay phản bội… Chẳng hạn như thánh Hạnh đã từng tham gia đảng cướp; hay như thánh Phạm Viết Huy, Bùi Đức Thể, và Minh Đạt, là những người lính, đã từng chối đạo; nhưng về sau, nhờ sự giúp đỡ của cộng đoàn, đã trở lại tuyên xưng đức tin, và được phúc tử đạo. Điều quan trọng là, các ngài đã không mặc cảm, hay ngần ngại dâng hiến cuộc đời tầm thường, thậm chí xấu xa của mình, cho Chúa và cho Hội Thánh. Điều đáng kể duy nhất là các ngài biết sám hối, ăn năn, trở về với Thiên Chúa.
Để minh chứng một tình yêu nồng cháy, sự trung tín bền vững, và lòng tin son sắt đối với Đức Kitô và Tin Mừng Cứu Độ, các ngài đã vui lòng chấp nhận mọi gian nan, thử thách, mọi mất mát, thiệt thòi, kể cả cái chết rất tủi nhục trước mắt người đời. Biết rằng, mỗi người chỉ có một thân xác, mỗi người chỉ có một mạng sống, mất đi là không còn có mặt trong cuộc đời. Thế nhưng, vì Đức Kitô và Tin Mừng Tình Yêu, các thánh tử đạo đã hiên ngang tiến bước. Chúng ta khâm phục lòng can đảm tuyệt vời, ý chí bất khuất và sự kiên vững trong ơn gọi làm chứng nhân của các ngài.
Hơn nữa, khi chấp nhận dâng hiến mạng sống để làm chứng nhân, các ngài đã sống đúng theo đòi hỏi của Tin Mừng, là sống trọn tình yêu thương bác ái, kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em thật sự, ngay cả với những người bách hại mình. Khi chịu đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những tên lý hình đang hành hạ và giết chết mình. Theo gương Thầy Chí Thánh, khi bị tra khảo, hành hạ và hành quyết, chẳng những không một lời trách móc, mỉa mai hay nguyền rủa kẻ làm hại mình, các thánh tử đạo vẫn một mực giữ vững tình yêu, lòng thương xót và sự bao dung, tha thứ. Còn nhớ, trên đường ra pháp trường, thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, Ong Câu họ đạo Đầu Nước Cùlaogiêng, gặp con của mình, đã nhắn nhủ là: “ Đừng tìm cách báo oán, trả thù những kẻ tố cáo, mà hãy biết tha thứ cho họ.” Thật vậy, chết vì đạo là chết vì lòng yêu mến.
Được tuyên phong hiển thánh, các ngài là những mẫu gương sáng ngời để chúng ta biểu dương, tôn kính, chúc mừng và noi theo.
Mừng lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, trước hết chúng ta hãy có tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Đức Kitô đã dùng những con người mỏng dòn mà biểu dương sức mạnh thần thiêng, và làm cho những người hèn yếu được trở nên nhân chứng kiên cường, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống, để loan báo Tin Mừng Tình Yêu trên Đất Nước Việt Nam. Nhờ đó, Hạt Giống Tình Yêu được nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết quả là các Kitô hữu càng ngày càng tăng, trên Quê Hương thân yêu này.
Đồng thời, đây còn là dịp để mỗi người chúng ta ôn lại lịch sử của Giáo Hôi Việt Nam, tìm về cội nguồn đức tin của mình, để nhận ra bản chất thực sự của niềm tin ấy. Sở dĩ chúng ta tin là vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Thiên Chúa qua con người của Chúa Giêsu và Tin Mừng của ngài. Sở dĩ chúng ta tin là vì chúng ta muốn đáp lại lời mời gọi yêu thương của ngài, đi theo ngài với bất cứ giá nào. Đó không phải là niềm tin của những kẻ mù quáng hay nhẹ dạ, mà là đức tin đã được thử thách, tôi luyện bằng lửa và bằng máu. Chính trong những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, con người mới chứng tỏ được tình yêu, lòng trung tín và sự bền đỗ vững chắc của mình.
Là con cháu của các ngài, chúng ta tự hào, hãnh diện và hiên ngang nối bước, tiếp tục bảo vệ, nuôi dưỡng, và phát triển đức tin do các ngài truyền lại. Ngày xưa, các ngài đã luôn trung tín, bảo vệ đức tin ấy, cho dù phải chịu nhiều đau khổ, hay phải hy sinh chính mạng sống của mình. Ngày nay, không ai trực tiếp bách hại Giáo Hội. Không ai dùng những hình khổ, bắt buộc chúng ta phải chối bỏ đức tin, một cách công khai. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải không ngừng tuyên xưng đức tin ấy đền độ sẵn sàng hy sinh mạng sống mình. Bằng cách từ chối, không chịu chiều theo những cám dỗ về tiền tài, danh vọng và quyền lực. Bằng cách luôn luôn tôi luyện đức tin qua những cuộc chiến đấu với chính bản tính ich kỷ và hèn nhát của mình. Bằng cách nỗ lực dấn thân phục vụ Chúa nơi những anh em chung quanh, nhất là với những người bất hạnh, khổ đau. Chúng ta phải kiên tâm, chu toàn những bổn phận và trách nhiệm hằng ngày, đối với những người thân yêu trong gia đình và với tất cả mọi người chung quanh. Chúng ta phải tích cực cộng tác với mọi người để làm cho thế giới chúng ta được an bình hơn, nhân bản hơn, và hạnh phúc hơn. Tất cả đời sống đó đòi chúng ta phải hy sinh sức khỏe, thời giờ, công ăn việc làm, đôi khi phải hy sinh chính mạng sống của mình.
Điều đó rất là đúng và thích hợp, bởi vì theo nguyên ngữ, tử đạo có nghĩa là làm chứng nhân. Là kitô hữu đương nhiên là có sứ mạng làm chứng nhân. Làm chứng bằng cái chết, mà cũng làm chứng bằng chính cuộc sống. Sống đạo là cách làm chứng mà tất cả mọi người tín hữu được mời gọi thực hiện. Mà, chịu chết vì đạo là một ơn huệ đặc biệt Chúa chỉ ban cho một số người. Thực tế cho thấy, nếu chết vì đạo là anh hùng, thì sống vì đạo cũng cần những nỗ lực phi thường. Làm chứng bằng cuộc sống tốt đòi hỏi một sự phấn đấu liên lỉ, không ngừng nghỉ. Nếu tử đạo cần phải có một tình yêu nồng cháy, thì sống đạo cũng không thể thiếu một tâm tình yêu mến thiết tha. Nếu tử đạo là để bày tỏ sự trung tín bền vững, thì sống đạo cũng không thể thiếu sự kiên trung giữa bao khó khăn, thách đố. Nếu tử đạo được đặt nền tảng trên lòng tin sắt son, thì sống đạo cũng không thể có một ngoại lệ nào khác.
Thiết tưởng trong hoàn cảnh hiện tại, cách làm chứng tốt nhất, có hiệu quả nhất, chính là đời sống công bình, bác ái, với những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Làm chứng như thế được khởi đầu bằng những tương giao hữu hảo, qua việc đắc nhân tâm, thu phục cảm tình, cộng tác, hỗ trợ, chia sẻ. Làm chứng như thế sẽ giúp anh em chung quanh được hạnh phúc hơn, tự do hơn, có đời sống nhân bản hơn. Làm chứng như thế sẽ giúp mọi người đạt tới ơn cứu độ là hạnh phúc thiên đàng vinh phúc. Và qua đó, chúng ta sẽ là những vị thánh tử đạo của Chúa.
Bởi vì trong hoàn cảnh hiện tại, sống đạo tốt vẫn tốt và cao quý như là tử đạo.