Thứ Tư, 01 Tháng Tám, 2018 00:00
Bài chia sẻ thánh lễ mừng kính hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng, 31-7-2018

“ Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”

Khi dùng hình ảnh hạt lúa mì gieo xuống đất, Chúa Giêsu muốn ám chỉ về chính mình, chấp nhận nhập thể làm người, sẵn lòng đón nhận cuộc Khổ Nạn, cái chết tủi nhục và sự phục sinh vinh quang để đem lại Ơn Cứu Độ và hạnh phúc đích thực, sung mãn cho mọi người.

Thật vậy, ý nghĩa và giá trị của hạt lúa hệ tại ở việc hiện hữu của nó, để phục vụ cho người khác. Kinh nghiệm trồng trọt của nhà nông cho thấy, hạt lúa giống gieo vào lòng đất phải mục nát đi, phải chết đi, tức là phải chấp nhận mất đi bản chất của mình, để nẩy mầm, đâm chồi, lớn lên thành cây lúa, từ đó sinh nhiều bông hạt lúa mới. Chỉ một hạt lúa được gieo và chết đi, mà có thể sinh ra muôn ngàn hạt lúa mới khác. Đó là ý nghĩa và giá trị về số lượng.

Đàng khác, để có thể phục vụ cho đời sống, đem lại ích lợi cho xã hội, những hạt lúa cũng cần phải chấp nhận chết đi, nghĩa là phải chịu nghiền nát, chịu mất đi sự hiện hữu của mình, trở thành tinh bột, hòa mình với nước, với men, rồi trải qua thử thách của lửa, để trở thành tấm bánh thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, nuôi sống con người. Đó là ý nghĩa và giá trị về chất lượng.

Như thế, đối với hạt lúa, nếu không chết đi thì chỉ trơ trọi một mình, nghĩa là chỉ sống cho chính mình, ích kỷ, không làm ích lợi cho người khác. Còn nếu chết đi, là tự hủy chính mình đi, thì mới làm gia tăng số lượng và chất lượng, là siêu thăng bản chất của mình. Đem lại hạnh phúc cho cuộc đời, cho con người.

Ap dụng cho chính mình hình ảnh của hạt lúa, chết đi để sinh nhiều bông hạt, tự hủy chính mình để đem lại hạnh phúc cho muôn người, Chúa Giêsu muốn mời gọi từng người hãy tiến bước theo ngài trên con đường tình yêu, phục vụ và hy sinh, để tiếp tục trao ban Ơn Cứu Độ cho mọi người.

Hình ảnh này cũng được áp dụng cho những Kitô hữu sẵn sàng chịu chết vì đạo, cách đặc biệt là với hai thánh Phêrô và Emmanuel mà hôm nay chúng ta long trọng mừng kính Ngày Sinh Nước Trời lần thứ 159, tại Châu Đốc.

Cha Thánh Phêrô sinh ra và lớn lên, tại Họ Búng ( Bình Dương ), trong một giai đoạn khó khăn của Đất Nước. Sống đạo và rao giảng Tin Mừng vào một thời điểm rất nhạy cảm, phức tạp và khốc liệt, cách đặc biệt dưới thời vua Tự Đức. Tu học một thời gian dài, sống đời linh mục vỏn vẹn một năm, phục vụ nhiều họ đạo, rày đây mai đó, với nhiều nỗi gian truân. Thi hành chức vụ Cha Sở họ đạo Cù lao giêng chỉ có 10 ngày. Thời gian còn lại thị bị giam giữ, chịu khổ hình, trong nhà tù Châu Đốc. Kết thúc cuộc đời và lãnh nhận triều thiên tử đạo ở tuổi 33, vào ngày 31-7-1859, tại Châu Đốc.

Yêu mến và hiểu biết những người mình có trách nhiệm, trong suốt thời gian làm thầy và làm linh mục, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, ngài sẵn sàng trao ban cho bổn đạo tất cả thời giờ cần thiết. Ngài hiểu biết những tâm tư, những ước muốn, niềm khao khát, cũng như những lo lắng, ưu tư của các tín hữu trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách. Biết rằng, sự hiện diện của ngài luôn đem lại bình an, niềm vui và sự an ủi tinh thần rất lớn cho mọi người, ngài không quản ngại vất vả, cực khổ, công sức và nguy hiểm đến gặp gỡ, chia sẻ và giúp đỡ.

Nỗ lực loan báo Tin Mừng, trao ban niềm hạnh phúc được làm con Chúa, trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ nơi đâu, ngài luôn nhiệt tình săn sóc, giúp đỡ tín hữu, giáo dân. Trong thời gian bị tù đày, ngài cũng tận dụng chính hoàn cảnh có vẻ bất lợi này để thực hiện sứ mạng cao quý, đối với bạn tù, đối với quân lính và cai tù, lương cũng như giáo.

Sẵn sàng tự hiến đời mình, hy sinh mạng sống cho những người mình có trách nhiệm. Vào ngày 07-01-1859, trong cuộc đại bố ráp của quan quân, để tìm bắt Tây Dương Đạo Trưởng, tại Cù lao giêng, ngài có đủ thời giờ tránh thoát; nhưng vì không muốn cho chủ nhà là Ong Câu Phụng bị phiền toái, ngài đã nán lại để thu xếp, cất dấu đồ đạo, đồ lễ. Và cũng vì muốn tránh cho chủ nhà không bị tra khảo, hành hạ dã man, ngài đã can đảm xuất hiện, tự nhận mình là đạo trưởng. Vì thế, ngài đã bị bắt; và sau đó, được diễm phúc làm chứng nhân trung thành của Đức Kitô bằng chính mạng sống của mình, vào ngày 31-7-1859, tại Châu Đốc.

Ong Câu Emmanuel Lê Văn Phụng cũng vậy. Với đức tin vững mạnh và lòng đạo đức sâu sắc, Ong được Bề trên tín nhiệm, ủy thác cho việc trông coi việc đạo cho cả phủ nội tỉnh An Giang ( Châu Đốc ). Với tinh thần tông đồ rất cao quý, Ông hăng say trong việc mở mang Nước Chúa, cho dù phải gặp nhiều khó khăn, gian nan, thử thách. Trong thời điểm cấm đạo gắt gao, Ông vẫn âm thầm dâng hiến đất đai, xây dựng nhà thờ, nhà xứ, nhà các nữ tu và chủng viện. Mái ấm của Ông là nơi lưu trú thường xuyên của các linh mục, kể các các vị thừa sai nước ngoài. Sinh hoạt đạo đức của họ đạo, các lễ nghi phụng vụ, các bí tích được trao ban, hầu như luôn luôn được diễn tiến bình thường là nhờ ở sự khôn ngoan và khéo léo của Ong.

Lòng bác ái của Ông cũng là một nhân đức nổi trội. Gia đình khá giả, Ông biết chia sẻ tiền bạc, của cải giúp đỡ người nghèo. Gặp thời dịch bệnh, Ông bỏ tiền ra mua thuốc phân phát cho người nghèo. Ngay cả khi bị giam tù ở đây, Ông cũng dùng tiền của mình để giúp đỡ các bạn tù và những người chung quanh rất tốt đẹp.

Sau cùng, với sự khôn khéo đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao cả, và với những phương tiện vật chất mà Chúa trao ban, Ông đã xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với các quan quyền lúc bấy giờ. Nhờ đó, mà bà con có đạo ở Cù lao giêng luôn sống an bình, trong thời gian bắt dạo.

Bị kẻ xấu tố cáo, Ông đã bị bắt vì tội chứa chấp các linh mục thừa sai nước ngoài. Sau bảy tháng bị giam giữ tại Châu Đốc, Ong được diễm phúc lãnh nhận triều thiên tử đạo cùng với Cha sở Phêrô thân yêu, cũng vào ngày 31-7-1859, tại Châu Đốc.

*** Hai thánh Phêrô và Emmanuel sẵn sàng lãnh nhận mọi mất mát, thiệt thòi… cho bản thân và gia đình để giữ trọn tình yêu son sắt, niềm tin kiên vững, lòng trung tín tuyệt đối với Đức Kitô. Các ngài vui lòng đón nhận những cơn bách hại, những hình khổ dã man, khốc liệt, kể cả cái chết, để trở thành chứng nhân của Đức Kitô tại Quê Hương thân yêu của mình.

Hạt lúa mì có chết đi, thì mới sinh nhiều bông hạt. Thật vậy, nhờ sự hy sinh dâng hiến của các ngài mà nơi các ngài phụ trách, đời sống đạo của bà con được bình yên và phát triển đều đặn, giữa một hoàn cảnh thật khó khăn. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi và sự nhiệt tinh năng nỗ cho việc mở mang Nước Chúa mà số người tin tưởng vào Đức Kitô càng ngày càng tăng. Nhờ những công lao khó nhọc, những cực khổ vất vả vả sự kiên trì, bền bỉ.. mà hạt giống đức tin của các ngài gieo vãi đã trổ sinh nhiều bông trái tốt đẹp. Nhờ dòng máu đỏ thắm của các ngài đổ ra, mà tình yêu, niềm vui, hy vọng và hạnh phúc vô biên đã nảy nở nơi biết bao tâm hồn thiện chí. Nhờ lời cầu bầu rất có hiệu lực của các ngài mà rất nhiều ơn lành thánh thiêng được trao ban, nhất là ơn bình an, ơn an ủi, ơn chữa lành, ơn cải thiện đời sống, ơn trở lại với Đấng Cứu Độ duy nhất..Tất cả hứa hẹn một Mùa Gặt Bội Thu trên Quê Hương Việt Nam thân yêu chúng ta.

Máu các thánh tử đạo thực sự là Hạt giống làm nẩy sinh nhiều tín hữu Kitô. Xin hai thánh tử đạo Phêrô Đoàn Công Quí và Emmanuel luôn cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta.

 

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com