Thứ Ba, 27 Tháng Bảy, 2021 00:00
NGÀY SINH NƯỚC TRỜI LẦN THỨ 162 CỦA HAI THÁNH PHERÔ ĐOÀN CÔNG QUÍ VÀ EMMANUEL LÊ VĂN PHỤNG, ngày 31-7-2021, tại Châu Đốc

Mừng Ngày Sinh Nước Trời lần thứ 162 của hai thánh Phễrô Đoàn Công Quí và Emmanuel Lê Văn Phụng, tại Châu Đốc ( 31/7/1859-31/7/2021 ), chúng ta cùng nhìn lại những nét tiêu biểu của cuộc đời, ơn gọi và sự hy sinh dâng hiến của các ngài cho Nước Chúa và cho anh em đồng loại. Để tìm ra những sứ điệp cao quý dành cho chúng ta.

Những nét nổi bật của hai thánh tử đạo Phêrô và Emmanuel.

A- Thánh Phêrô Đoàn Công Quí: sinh năm 1826, trong một gia đình có 6 người con; là con út, trong gia đình, Cha Quí có mấy đặc điểm sau đây:

1- Lòng ước ao dâng mình cho Chúa ngay từ bé. Ngay từ khi còn nhỏ, đã thường xuyên tới lui với các Cha, có ý muốn đi tu. Nhưng Ba Mẹ thấy cậu Quí thông minh, muốn cho đi học tới nơi tới chốn để làm quan, nên đã cho người anh đi tu thế. Người anh đi tu một thời gian, không được, trở về gia đình. Trước sự khao khát của cậu Quí, Ba Mẹ bằng lòng cho nhập vào đại chủng viện thánh Giuse ( Thị Nghè ); sau đó, được gởi tu học tại Penang ( Mã Lai ) trong 7 năm; trở về nước năm 1855, dưới thời các vua triều Nguyễn đang cấm đạo rất gắt gao, nhất là thời vua Tự Đức.

Tháng 9 năm 1858, được chịu chức linh mục tại Thủ Dầu Một ( Bình Dương ); được cử đi giúp các họ đạo Biên Hòa, Kiến Hoà, Định Tường, Rạch Giá, Năng Gù và Cái Mơn. Sau cùng, ngày 27-12-1858, được cử về làm cha sở họ đạo Cù Lao Giêng. Sau đó 10 ngày,    07-01-1859, Cha bị bắt cùng với Ong Câu Phụng.

2- Lòng yêu mến tôn sùng Đức Mẹ một cách đặc biệt. Cha có tài hát, cho nên, đã sáng tác những bài thánh ca, phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ cho mọi người một cách rất tốt đẹp.

Còn nhờ, khi chịu tử đạo tại đây, trong tay Cha vẫn còn cầm mẫu ảnh Đức Bà, cây thánh giá và một xâu chuỗi.

3- Tinh thần tông đồ. Trong thời gian cấm đạo gắt gao như vậy, bất cứ chỗ nào nghe nói có bổn đạo, thầy Quí, Cha Quí đều lăn xả đến để giúp đỡ bà con: dạy giáo lý, ban các bí tích thánh thiêng… rất tốt đẹp.

4- Lòng khao khát tử đạo để làm chứng cho Chúa. Bất cứ khi nào có cơ hội, Cha đều sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, để làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu của Chúa.

Còn nhớ, một lần ở tại Cái Mơn, quan quân triều đình bao vây nhà dòng nữ để bắt Tây Dương Đạo Trưởng, tức là các linh mục thừa sai nước ngoài. Không bắt được, họ bắt 3 nữ tu và các người chức việc trong làng để hành hạ, tra khảo. Cha Quí thấy như vậy, liền đứng ra để chịu thay. Nhưng, Bề Trên hay được, đã ra lệnh cho Cha không được liều mình một cách không thích hợp như vậy, và thuyên chuyển Cha về Cù Lao Giêng để tránh. Không ngờ về Cù Lao Giêng, Cha được tử đạo sớm hơn, như Cha hằng mong ước.

B- Ong Câu Emmanuel Lê văn Phụng. Người miền Nam gọi là Ong Câu; người Bắc gọi là Ong Trùm, Ong Chánh. Ngoài chức Câu trong họ đạo, Ong còn có chức Lý Trưởng, là một chức khá lớn trong làng, tức là người có uy tín. Ong có mấy đặc điểm này:

1-Ong là một gia trưởng rất gương mẫu: nuôi dạy 9 người con, và 2 người con nuôi nên những người công giáo đạo đức, tốt lành. Điều đó ai cũng nhận thấy.

2-Lòng bác ái. Gia đình khá giả, Ong biết chia sẻ tiền bạc, của cải giúp đỡ những người nghèo khổ, túng thiếu. Gặp thời dịch bệnh, Ong bỏ tiền ra mua thuốc phân phát cho bà con làng xóm láng giềng. Ngay cả khi bị giam tù ở đây, Ong cũng dùng tiền bạc của mình để giúp đỡ các bạn tù và những người chung quanh một cách rất tốt đẹp.

3-Tinh thần tông đồ. Trong thời gian cấm đạo gắt gao như vậy, Ong vẫn dâng đất cất nhà thờ, cất chủng viện và nhà các dì phước.

Khi cấm đạo, các vua triều Nguyễn rất căm ghét các linh mục, gọi là đạo trưởng, nhất là các linh mục thừa sai nước ngoài, gọi là Tây Dương Đạo Trưởng. Vì thế, đã ra những án lệnh rất gắt gao cho những ai liên hệ, chứa chấp. Ay thế mà, ở nhà Ong, hầu như lúc nào cũng các linh mục; có khi có năm linh mục ở chung với nhau, và có cả các linh mục thừa sai nước ngoài.

4-Tài ngoại giao. Ong có một mối quan hệ rất tốt đẹp với chính quyền, cụ thể là Ong Quan Huyện tại địa phương. Nhờ mối quan hệ tốt đẹp này mà bà con giáo dân Cù Lao Giêng sống an bình trong thời gian cấm đạo. Bởi vì, mỗi lần quan quân triều đình đi bắt đạo, Ong Quan huyện đều báo cho Ong Câu Phụng biết. Ong liền đưa các Cha đi tránh; rồi cất giấu đồ đạo, đồ lễ cẩn thận. Quan quân triều đình, khám xét không thấy gì, lại được tiếp đãi đàng hoàng, liền báo cáo với triều đình là: người dân Cù Lao Giêng tuân thủ luật pháp Nhà Nươc.

Chúng ta có thể hình dung, trong thời gian cấm đạo rất gắt gao như vậy, mà bà con Cù Lao Giêng thường hay đi kiệu ban đêm. Đi kiệu ban đêm thì cần phải có đèn, có đuốc. Ban đêm tối tăm, mà đèn đuốc sáng choang, thì chẳng khác nào tự tố cáo mình là người Công giáo. Nhưng, mọi sự vẫn tốt đẹp.

C- Cha Phêrô Quí và Ong Câu Emmanuel Phụng bị bắt.

Ở làng Tấn Đức, gần bên, có hai anh em tên Mưu và Nên, chơi bời phóng đảng, muốn làm tiền họ đạo. Trong khi bà con đang cất nhà thờ, hai tên đến đe dọa: làm như vậy là trái luật pháp Nhà Nước. Có ý làm tiền. Nhưng Ong Câu Phụng không cho tiền.

Khi nhà thờ cất xong, hai tên lên Châu Đốc, tố cáo với Quan Tổng Trấn, là: Ong Câu Phụng cất nhà thờ, cất chủng viện, cất nhà các dì phước. Quan Tổng Trấn hỏi Quan Huyện. Quan Huyện trả lời qua loa, đại khái không có gì quan trọng. Cho nên, mọi sự vẫn êm đẹp.

Thế là hai tên tìm cách báo thù. Biết là nhà Ong Câu có chứa các linh mục thừa sai nước ngoài, gọi là Tây Dương Đạo Trưởng, cho nên đêm đêm hai tên rình ở cây xoài, bên cạnh nhà Ong Câu.

Trong thời gian đó, có Cha Pernot, người Pháp đang ở trong nhà Ong Câu. Cha luôn luôn ở ẩn trong nhà; một đêm, Cha ra ngoài hít thở không khí, thì hai tên thấy được. Hôm sau, Mưu và Nên lên Châu Đốc, đút lót cho Quan Lãnh Binh, tố cáo với Quan Tổng Trấn là: Ong Câu Phụng chứa chấp Tây Dương Đạo Trưởng- cất nhà thờ- cất chủng viện và nhà các dì phước. Và thêm, đừng sai Quan Huyện đi, vì Ong này thông đồng với Công giáo.

Quan Tồng Trấn liền sai Quan Lãnh Binh đem 300 lính, trên 20 chiếc thuyến, trực chỉ Cù Lao Giêng để bắt. Được nghe tin báo, Ong Câu Phụng không quan tâm, bởi vì Ong Quan Huyện không biết, không báo.

Sáng sớm ngày 07-01-1859, nhằm ngày lễ Hiển Linh, khi Cha Quí và Cha Pernot mới vừa dâng lễ xong, đang ngồi bàn chuyện với Quới Chức, thì quan quân triều đình ập tới. Người ta vội vàng đưa hai Cha đi tránh. Nhưng Cha Quí nói với Cha Pernot: “ Cha là người nước ngoài, Cha đi tránh trước đi. Tôi là người bổn xứ ở đây, tôi có thể trà trộn trong dân; hơn nữa, tôi còn phải lo cất dấu đồ đạo, đồ lễ,  để tránh phiền  hà cho gia chủ.”

Người ta liền đưa Cha Pernot đi tránh. Còn Cha Quí thì nấp trong nhà Ong Câu Phụng. Quan Lãnh Binh tới, bắt ông Câu Phụng tra khảo, hành hạ trước. Cha Quí không cầm lòng được, đứng ra nhận mình là Đạo Trường.

Lính bắt Cha Quí, Ong Câu Phụng và 32 giáo dân khác đưa về Châu Đốc giam giữ. Trong suốt 7 tháng trời, Quan Tổng Trấn ra sức dụ dỗ, thuyết phục Cha Quí và Ong Câu Phụng bỏ đạo, để được thăng quan, tiến chức, được tưởng thưởng. Tuy nhiên, các ngài vẫn một mực trung tín với tình yêu của Đức Kitô, với Tin Mừng Phúc Am và với Giáo Hội. Các ngài nói với Quan Tổng Trấn : «  Chúng tôi là người giảng đạo. Chúng tôi không thể bỏ đạo được. Hơn nữa, đây là đạo thật, do Thiên Chúa lập nên, để đem lại Ơn Cứu Độ cho mọi người. »

Không thuyết phục được, Tổng Trấn gởi sớ về triểu đình xin án lệnh. Ngày 30-7-1859, án lệnh về tới Châu Đốc, và người ta quyết định là : ngày hôm sau sẽ thi hành án lệnh đó.

Hôm sau, ngày 31-7-1859, trên đường ra pháp trường, Cha Quí gặp bổn đạo rất đông. Cha ban phép lành cho giáo dân, và khuyên giáo dân một điều một, là : « Anh em hãy tìm Nước Thiên Chúa trước ; mọi sự Chúa sẽ ban cho sau. »

Khi đến nơi, Cha ban phép giải tội cho Ong Câu Phụng. Cha cầm trong tay mẫu ảnh Đức Bà, xâu chuỗi và cây thánh giá. Cha giục lòng ăn năn thống hối, và Cha chịu chém 4 nhát.

Còn Ong Câu Phụng trên đường ra pháp trường, gặp con của mình, thì khuyên 2 điều :

1) cố gắng sống đạo cho tốt đẹp- 2) không được báo oán trả thù những người tố cáo, mà hãy biết tha thứ cho họ.

Khi còn sống, vợ chồng Ong Câu Phụng là thầy thuốc; có ơn nghĩa với Quan Tổng Trấn, cho nên, Quan đã đổi án xử « bá đao », thành án siết cổ.

Thi hài của Ong Câu Phụng được đưa về Cù Lao Giêng chôn cất. Thi hài của Cha Quí được đưa về nhà thờ Năng Gù, cho giáo dân kính viếng một ngày một đêm, rồi an táng tại đó. Một trăm năm sau, 1959, được cải táng về Cù Lao Giêng.

Vào ngày 02-5-1909, để tuyên dương nhân đức, sự hy sinh dâng hiến rất đáng trân trọng và gương sáng đức tin anh dũng của hai vị tử đạo, Đức Thánh Cha Piô X đã tôn phong các ngài lên bậc Chân Phước ( Á thánh )

Và ngày 19-6-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong hiển thánh cho Cha Phêrô Đoàn Công Quí và Ong Câu Emmanuel Lê Văn Phụng thân yêu của chúng ta, cùng với 115 vị tử đạo khác.

Cuộc đời, ơn gọi và sự hy sinh dâng hiến của các ngài đã để lại cho chúng ta những sứ điệp sau đây:

- Hai thánh Phêrô và Emmanuel đã nêu gương sáng về Đức Tin kiên vững, Đức Mến nồng nàn, Đức Cậy vững vàng, nhất là lòng nhiệt thành loan báo cho mọi người Tin Mừng Tình Yêu và Ơn cưu độ của Thiên Chúa, cách đặc biệt là cho những người bất hạnh, khốn khó.

- Theo nguyên nghĩa, Tử đạo là người làm chứng. Tử vì Đạo là người hy sinh tất cả, kể cả mạng sống của mình để làm chứng niềm tin và sự gắn bó của mình với Đức Kitô và Giáo Hội. Các ngài đã phải chịu đủ mọi thứ cực hình, cả tinh thần lẫn thân xác, chỉ vì muốn trung thành với niềm tin sắt đá vào Đấng Cứu Độ duy nhất, là Đức Kitô. Các ngài bị chống đối, hành hạ, và giết chết, chỉ vì đã can đảm sống tinh thần yêu thương, bác ái và vị tha của Đức Kitô. Các ngài bị cản trở, cấm cách, và thủ tiêu, chỉ vì muốn loan báo Tin Mừng Tình Yêu của Chúa cho tất cả mọi người.

- Làm chứng nhân của Đức Kitô và loan truyền Tin Mừng Tình Yêu của Chúa cho tất cả mọi người, đó là sứ mạng cao quý được trao ban cho mỗi người. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tôi, khi đón nhận đức tin, khi lãnh nhận ơn huệ làm con Chúa và con của Giáo Hội, chung ta cũng lãnh nhận sứ mạng cao quý là làm sứ giả, loan truyền, chia sẻ và chuyển thông ơn cứu độ của Chúa cho những người chung quanh, những người mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống đời thường.

- Cha Phêrô Đoàn Công Quí là một linh mục, là Cha sở giáo xứ Cù Lao Giêng, cũng gọi là Họ Đầu Nước, luôn luôn hết mình chăm sóc đàn chiên, theo thánh ý Chúa. Ong Câu Emmanuel Lê Văn Phụng là Trưởng Ban Hành Giáo, cùng với vị chủ chăn thân yêu, tận tình lo lắng cho giáo dân trong họ đạo. Cả hai vị đã nhiệt tình chung sống, làm việc và giúp đỡ người tín hữu kiên trì sống đạo, trong một hoàn cảnh rất khó khăn, đầy thử thách gian nan, giữa cơn bách hại cấm cách thật khắc nghiệt và tàn khốc của các vua triều Nguyễn. Các ngài đã cùng làm chứng cho tình yêu, đức tin và lòng trung tín vào Đức Kitô, bằng chính cái chết của mình. Đây là mẫu gương sống động về tình nghĩa mục vụ, mối dây liên kết thiêng liêng giữa linh mục và giáo dân, giữa Cha sở và Hội Đồng Mục Vụ giáo xứ, ở mọi thời và khắp mọi nơi.

- Vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi nỗ lực thực hiện sứ mạng cao quý đó trong cuộc sống hằng ngày, dù gặp thời thuận lợi hay không. Hoàn cảnh, thời thế và não trạng bây giờ đã khác. Ngày nay, người ta không còn cấm cách, bách hại và tiêu diệt những người tin Chúa một cách lộ liễu, công khai, trắng trợn. Tuy nhiên, người sứ giả vẫn phải nỗ lực, phấn đấu và kiên cường để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua đời sống gương mẫu của người Công dân Công giáo trong cuộc sống tốt đời, đẹp đạo tại môi trường sống. Qua những mối tương quan, giao hảo, lương thiện với những người chung quanh. Qua những sự cộng tác tích cực, những nỗ lực góp phần làm cho cuộc sống gia đình, Đất Nước và xã hội càng ngày càng được thăng tiến hơn, nhân bản hơn, tự do, và hạnh phúc hơn. Qua những đấu tranh miệt mài để đẩy lùi cái xấu và cái ác ra khỏi xã hội, cũng như những góp phần để gầy dựng, củng cố và làm phát triển những giá trị chân, thiện, mỹ, như: công bình, bác ái, huynh đệ, chia sẻ, tương thân tương ái...giúp mọi người sống xứng đáng phẩm giá con người...

Tất cả đều làm hao mòn thân xác, suy giảm sức khỏe, chi phối tinh thần, ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân. Thế nhưng, tất cả là những hy sinh dâng hiến, bày tỏ lòng yêu mến, biết ơn đối với Thiên Chúa là Cha. Tất cả là những của lễ rất đáng trân trọng và giá trị vô song, đầy ý nghĩa, để đền đáp biết bao ơn lành được trao ban. Tất cả sẽ là phương cách giới thiệu có hiệu quả hình ảnh dịu hiền, thân thương của Chúa cho mọi người, để nhờ đó, tất cả sẽ nhận ra Chúa, yêu mến Chúa, tin Chúa, đến với Chúa và chung hưởng hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn trong Nước Chúa.

Cách đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà dịch bệnh Covid-19, cùng với các biến thể của virus Corona đang hoành hành, lây lan, mang theo nhiều hậu quả khốc liệt, thảm hại, không thể nào kể xiết, về sức khỏe, về sinh mạng và về kinh tế, tài chánh. Trên khắp thế giới, và cách riêng ở Việt Nam chúng ta. Dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, thử thách, đau khổ, mất mát và chết chóc cho đời sống xã hội, cho gia đình, cho những người thân yêu, và cho chính bản thân của mỗi người, cách đặc biệt là cho những người nghèo khổ, túng thiếu. Không những cho hiện tại mà còn đe dọa cả tương lai. Không chỉ cho đời sống vật chất, mà còn cho cả đời sống tinh thần, tôn giáo, niềm hy vọng, và đức tin.

- Mỗi người hãy góp phần của mình, tuy nhỏ bé, nhưng rất cần thiết và quý báu, để Chúa có thể thực hiện những việc kỳ diệu trong hoàn cảnh đầy khó khăn, thử thách này, bằng cách nghiêm túc tuân giữ các qui định y tế để phòng tránh việc lây nhiễm lan tràn trong cộng đồng - bằng cách chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ, cả tinh thần lẫn vật chất, cho những anh chị em đang là nạn nhân của cơn đại dịch tai ác này đang bị giãn cách, cách ly, phong tỏa, điều trị - bằng cách tham gia vào những nhóm tình nguyện viên trong nỗ lực chận đứng, làm suy giảm và đẩy lùi cơn dịch bệnh này, trả lại cuộc sống bình yên cho mọi người - cũng như động viên, an ủi, nâng đỡ tinh thần những gia đình đang gặp khủng hoảng, bế tắc, thất vọng, vì đã mất đi người thân yêu do cơn dịch bệnh gây ra... Tất cả sẽ đem lại niềm tin, lạc quan, hy vọng, bình an, niềm vui... trong tình yêu Thiên Chúa.

Nhờ lời cầu bầu rất có hiệu lực của Đức Maria, và noi gương hai thánh tử đạo Phêrô-Emmanuel, chúng hãy nỗ lực cộng tác với ơn Chúa, sống dời chứng nhân đích thực trong cuộc sông dời thường, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả, để đua dẫn mọi người đến với Chúa, tin Chúa, yêu mến Chúa và đón nhận Ơn Cứu Độ hồng phúc của Chúa..

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com