1.
Trong mấy ngày nay, tôi được hạnh phúc sống thân mật với Chúa Giêsu một cách hơn thường. Chính nhờ Người, với Người và trong Người. Tôi xin cảm tạ Người đã đến với tôi, trong hoàn cảnh tôi cảm thấy mình rất tồi tệ.
Trong những khoảnh khắc thân mật ấy, tôi đã gọi Chúa Giêsu bằng nhiều tước hiệu khác nhau, như Ngôi Hai nhập thể, Chúa chiên lành, Vua vũ trụ, vv... Nhưng sau đó, Chúa Giêsu dạy tôi là Người muốn tôi cứ gọi Người là Đấng Cứu Thế.
2.
Từ tên gọi đó, Chúa Giêsu đã dạy tôi điều này: Sống thân mật với Người, thì hãy cùng với Người lo cứu thế gian.
Cứu thế gian là công việc quá lớn. Tôi rất yếu đuối. Nhất là lúc này, yếu đuối của tôi đang trở thành nỗi nguy. Tôi trình bày với Chúa như vậy. Nhưng Chúa trấn an tôi, bằng cách Người bảo tôi hãy nhìn vào thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Tôi xin vâng. Ngay cạnh tôi là mấy cuốn sách ghi lại tư tưởng và cuộc sống người nữ tu dòng Kín thành Lisieux. Tôi đọc lại. Tôi thấy người nữ tu trẻ ấy đã dạy tôi cách cứu thế gian ngay trong cuộc sống âm thầm thường ngày với đời tu nhiệm nhặt. Tôi xin ghi lại vài nét chính rất gợi ý cho tôi.
3.
Thánh nữ đưa ra một chuyện biến ngôn. Có một vị lãnh chúa muốn xây một thánh đường nguy nga dâng kính Thiên Chúa. Ông ra sắc lệnh, kêu gọi những ai có của phải góp phần vào. Từ khắp nơi, đoàn ngựa kế tiếp nhau chở vật tư đến nơi xây cất. Các chủ vật tư đều là những người giàu có. Đang khi đó, một người đàn bà rất nghèo cũng muốn dâng cúng. Nhưng bà chỉ đủ tiền mua một sọt cỏ. Bà đưa cỏ cho mấy con ngựa chở vật tư ăn. Khi thánh đường được xây cất xong, vị lãnh chúa truyền ghi trên tấm bảng tên của mình và của các ân nhân, được gắn vào tường thánh đường. Nhưng, qua một đêm, trên tấm bảng đó các tên đã ghi đều bị xoá, và thay vào đó là tên một người đàn bà vô danh. Vị lãnh chúa phẫn nộ, truyền làm lại tấm bảng. Nhưng đêm sau, các tên trên bảng lại bị xoá, và lại ghi tên một người đàn bà vô danh. Ông liền điều tra. Sau cùng, ông được gặp người đàn bà nghèo đó. Bà nói thật bà chỉ cho ngựa ăn mớ cỏ, mà bà đã bỏ hết tiền của bà ra để mua. Vị lãnh chúa hiểu trước mặt Chúa bà là người có nhiều công nhất.
Từ chuyện biến ngôn trên đây, thánh nữ Têrêsa nghĩ về chính mình. Trong việc xây dựng Hội Thánh, ngài sẽ chỉ làm những việc bé nhỏ, âm thầm, nhưng tin chắc Chúa sẽ căn cứ vào tình yêu hơn là việc làm.
Bài học trên đây rất dễ hiểu. Tôi áp dụng cho tôi. Tôi sẽ chỉ đủ sức làm những việc nhỏ. Nhưng tôi đem tất cả tình yêu của tôi vào những việc nhỏ đó. Chúa sẽ thương nhận, để góp phần xây dựng Hội Thánh, và cứu các linh hồn. Xin hết lòng tạ ơn Chúa đã ban cho tôi một trái tim biết yêu thương.
4.
Về việc cứu các linh hồn, thì thánh nữ Têrêsa đã cho tôi một bài học cũng dễ hiểu. Có lần ngài đã nói với các em đệ tử của ngài: “Nếu chị phải ở luyện tội cho đến tận thế, để cầu nguyện, chỉ để cứu lấy một linh hồn mà thôi, thì hãy để mặc chị”.
Qua lời nói trên đây, thánh nữ cho thấy ngài rất quên mình để cứu các linh hồn. Yêu thương và hy sinh chịu đau khổ, để cứu các linh hồn, đó là niềm vui ngài muốn dâng lên Chúa.
Một nữ tu trẻ dòng Kín có được một khao khát cứu các linh hồn như thế, quả là một tiếng Chúa đánh thức lương tâm tôi. Tôi có nhiều cách để tránh né tiếng gọi đó. Nhưng nếu làm thế, tôi sẽ chỉ chuốc khổ vào thân. Tôi sẽ chẳng cứu được ai, và cũng chẳng cứu được chính mình. Tôi cảm tạ Chúa đã cho tôi nghị lực để dấn thân cứu các linh hồn bằng cầu nguyện và hy sinh âm thầm trong chính hoàn cảnh già yếu hiện giờ của tôi.
5.
Trong một lá thư gởi chi Céline, thánh nữ Têrêsa đã viết: “Chúng ta hãy sống cho các linh hồn nhất là hãy cứu linh hồn các linh mục. Bởi vì có những linh mục xấu. Hãy chịu hy sinh cho các ngài. Đến ngày tận thế, Chúa Giêsu sẽ biết ơn chúng ta về việc đó”. Đọc đoạn thư trên đây, tôi rất xúc động. Tôi nghĩ là đã có nhiều người cầu nguyện cho tôi được trở nên đạo đức theo thánh ý Chúa. Riêng tôi rất xác tín là việc quên mình để cứu các linh mục là điều quan trọng và khẩn thiết Chúa chờ đợi mỗi người chúng ta. Có những linh mục xấu, nữ tu Têrêsa dám nói như thế, chỉ vì thương, chứ không vì khinh.
6.
Càng về cuối đời, thánh nữ Têrêsa càng nói nhiều tới sự phải từ bỏ mọi sự và từ bỏ chính mình, để yêu thương và hy sinh cho các linh hồn. Ngài không ngại tỏ lộ các thứ khổ đau ngài phải chịu.
7.
Tuy nhiên, có một điều tôi lấy làm lạ, đó là thánh nữ xem ra khắc khổ, nhưng lại rất dễ thương. Chính vì ngài sống theo tinh thần thơ ấu thiêng liêng. Khi hành hương ở Lisieux, tôi cảm thấy rất rõ vẻ đẹp dễ thương của thánh nữ toả ra khắp nơi.
Tôi sực nhớ lại đoạn Phúc Âm sau đây của thánh Luca: “Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: ‘Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha’” (Lc 10,21).
8.
Một thoáng nhìn trên đây về thánh nữ Têrêsa thành Lisieux đã đưa tôi đến kết luận này: Nhiều người bé mọn đã cứu được các linh hồn một cách hiệu quả. Chính các linh mục cũng cần đến những người bé mọn, để có thể trở về với Chúa. Chính tôi cũng đã được họ cứu.
Tôi xin tận tình cảm ơn họ.
9.
Tôi xin Chúa cho tôi luôn biết sống bé mọn, và luôn biết cậy nhờ đến những kẻ bé mọn. Đó là cách cứu các linh hồn, rất hợp với tôi, nhất là lúc này, trong hoàn cảnh tuổi già sức yếu. Thiết tưởng, đó cũng là cách, chính Chúa nhắn gởi tất cả những môn đệ Chúa, bất cứ họ là ai đang sống trên Quê Hương Việt Nam lúc này.
Truyền giáo trên đất nước Việt Nam này trong hoàn cảnh hiện nay không thể coi thường mô hình thánh nữ Têrêsa thành Lisieux. Tôi tin chắc như vậy. Tòa Thánh cũng đang nhắc cho tôi điều đó.
Lạy Chúa, con xin hết lòng cảm tạ Chúa đã dạy con bổn phận và cách cứu các linh hồn. Xin Chúa thương giúp con biết kiên trì thực hiện những điều Chúa đã dạy con.
Long Xuyên, ngày 6.1.2015.