Thứ Bảy, 04 Tháng Mười Một, 2017 00:00
LO SỢ TRƯỚC NỖI ĐAU BUỒN CỦA CHÚA GIÊSU - GB. Bùi Tuần

1.

Từ vài tháng nay, tôi nghe trong lòng một Lời Chúa vang lên da diết, khiến tôi lo sợ. Lời đó là thế này:

Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23, 37).

Lời đó Chúa Giêsu đã vừa nói vừa khóc, khi nhìn thành Giêrusalem. Người diễn tả nỗi đau buồn của Người trước cảnh Giêrusalem đã không đón nhận tình yêu thương xót của Người. Không đón nhận như thế sẽ khiến Giêrusalem rơi vào cảnh khổ ghê gớm.

2.

Được nghe Chúa nhắc lại trong tôi lời xưa nhuốm lệ của Người, tôi hiểu Chúa muốn nhắn gửi tôi tâm tình của Người về Hội Thánh hôm nay. Tâm tình của Chúa là nỗi đau buồn của Người, trước cảnh nhiều con cái Chúa không chịu đón nhận tình yêu thương xót của Chúa, để rồi, sẽ không tránh được một chuỗi dài thảm họa đang tới.

Nhiều con cái Chúa đã không chịu đón nhận tình yêu thương xót Chúa, đó là một sự thực rất đau đớn. Tôi đã thấy và tôi đang thấy.

3.

Với tâm tình sám hối, liên đới trong trách nhiệm, tôi xin được kể ra đây một số những hình thức không chịu đón nhận tình yêu thương xót Chúa đang lan tràn hiện nay như:

Hình thức dửng dưng,

Hình thức tránh né,

Hình thức bất cần,

Hình thức chống đối,

Hình thức thách thức.

Nguyên nhân chính là nhận biết sai về mình và về Chúa.

4.

Nhận biết sai về mình là điều rất phổ biến. Chúa cảnh báo điều đó nhiều lần nhiều cách. Thí dụ trong sách Khải Huyền, Chúa cho thấy hạng người chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng, thường ảo tưởng cho mình là chẳng thiếu thốn chi. Nhưng trước mặt Chúa, họ là kẻ khốn nạn, nghèo khổ, đui mù (Kh 3, 15- 17).

Nhận biết sai về mình như thế, thì đâu có sám hối, cậy nhờ tình yêu thương xót Chúa.

5.

Nhận biết sai về Chúa cũng là điều rất phổ biến, Chúa cũng cảnh báo nhiều lần nhiều cách. Thí dụ trong sách Khải Huyền, Chúa ví Mình như một kẻ lữ hành đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Chúa và mở cửa ra, thì Chúa sẽ vào và ở lại với người đó (Kh 3, 20).

6.

Thú thực là nhiều người chúng ta, nếu không tỉnh thức và có ơn Chúa giúp, đều có thể không nhận ra Chúa gõ cửa lòng mình, nên đã khóa cửa lòng mình lại. Đó là một cách chối từ tình yêu thương xót, đôi khi cũng trở thành thách thức và chống đối tình yêu thương xót Chúa.

Những trường hợp như vậy đang diễn ra đó đây. Nhiều người nhận ra. Nhiều người không nhận ra do cứng lòng. Cứng lòng là một hình phạt rất nặng dành cho những người kiêu ngạo.

Xin Chúa thương cứu giúp chúng ta khỏi hình phạt nặng nề đó.

7.

Thực sự, Chúa đã và đang cứu những ai để cho Chúa cứu, bằng sự họ tỏ ra một chút khiêm nhường.

Tới đây, tôi nhớ lại dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế. Phúc âm Thánh Luca kể:

Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.

Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người thuộc phái Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.

Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: Lạy Thiên Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.

Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt nhìn lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin xót thương con là kẻ tội lỗi.

Tôi nói cho các người biết: Người này khi trở về, thì đã được nên công chính, còn người kia thì không. Phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18, 9- 14).

8.

Với dụ ngôn trên đây, Chúa Giêsu cho thấy chỉ những ai khiêm nhường mới đón nhận được ơn Chúa xót thương cứu độ. Còn những ai kiêu ngạo thì không. Có những kẻ giầu sang mà vẫn khiêm nhường. Có những kẻ nghèo túng mà lại kiêu căng.

9.

Thánh Phêrô quả quyết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5, 5).

Như vậy đã rõ kẻ kiêu căng sẽ không đón nhận được tình yêu xót thương của Chúa. Giờ đây, câu hỏi đặt ra cho tôi và cho mỗi người chúng ta là: Tôi là kẻ khiêm nhường hay kẻ kiêu ngạo?

Mỗi người sẽ trả lời. Nhiều người cũng có ý kiến. Nhưng trả lời sau cùng sẽ là Chúa. Chúng ta hãy hỏi Chúa. Trả lời của Chúa mới chính là sự thực. Hỏi Chúa thì cũng phải rất khiêm nhường. Nhưng ai đã quen sống kiêu ngạo, thì không dễ gì lại biết khiêm nhường, khi hỏi Chúa và khi nghe Chúa trả lời.

Vì thế, khiêm nhường là một đức tính tôi cần rèn luyện thường xuyên một cách kiên trì, dựa vào ơn Chúa.

11.

Tôi tin ở Chúa, tôi cầu xin Chúa cho tôi biết sống khiêm nhường. Cùng với việc cầu nguyện, tôi cũng phải để mình được đào tạo bởi Hội Thánh, bởi cộng đoàn, bởi những người của Chúa sai đến.

Xin nhắc lại: Đối với tôi, vấn đề quan trọng nhất đang đặt ra cho tôi, và cho Hội Thánh và cho cả nhân loại, là “Có đón nhận tình yêu thương xót Chúa không?”. Để đón nhận thì phải khiêm nhường.

12.

Mấy ngày nay, khi suy nghĩ về khiêm nhường, tôi thường được Đức Mẹ nhắn nhủ chỉ một điều này: “Con hãy noi gương Mẹ”.

Khi còn ở bên Chúa Giêsu, Đức Mẹ luôn âm thầm xin vâng. Khi Chúa Giêsu đã về trời, Đức Mẹ ở bên Thánh Gioan tông đồ, Đức Mẹ cũng luôn âm thầm xin vâng.

13.

Đức Mẹ Xin vâng trong từng việc rất nhỏ. Xin vâng trong mọi liên đới với những người xung quanh, để phục vụ họ theo ý Chúa. Xin vâng trong việc hòa mình vào thân phận những người đau khổ. Xin vâng trong việc cầu nguyện và hy sinh.

14.

Đức Mẹ có lúc đã nói với tôi: “Mẹ đang khóc. Chúa Giêsu cũng đang khóc. Vì bao người hôm nay vẫn không chịu đón nhận tình yêu thương xót Chúa”. Nghe vậy, tôi xót xa và lo sợ khác thường. Chúa ơi, xin thương cứu chúng con.

 

 

Long Xuyên, ngày 04.11.2017

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com