1.
Đã từ rất lâu, nhưng nhất là thời gian gần đây, tôi hay gặp gỡ Chúa Giêsu bằng nhiều cách, để hỏi Chúa điều này:
Sống đạo thời nay và tại đây, Chúa muốn các môn đệ Chúa nhấn mạnh đến điều nào hơn cả?
Chúa đã trả lời tôi vắn tắt thế này: “Hãy xót thương các người đau khổ một cách cụ thể và quảng đại”.
2.
Để giúp tôi dễ hiểu, Chúa dạy tôi hãy đọc kỹ dụ ngôn người Samari tốt lành.
Tôi mở Phúc âm thánh Luca đoạn 10, thì thấy Chúa Giêsu dạy việc xót thương người đau khổ qua dụ ngôn người Samari tốt lành với những chi tiết rất cụ thể:
“Một người bị cướp đánh, nằm ở vệ đường… Một người Samari đi đường ngay chỗ đó, nhìn thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương người ấy. Rồi đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bạn săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại cho bạn (Lc 10, 32-36)”.
3.
Đọc những chi tiết cụ thể và quảng đại mà người Samari dành cho kẻ bị nạn nằm bên vệ đường, tôi nhận ra ý Chúa dạy tôi và các môn đệ Chúa điều này:
Sống đạo hiện nay và tại đây là hãy đề cao tính xót thương như người Samari.
4.
Rất may là tôi cũng mới nhận được một số tài liệu về Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh đến nét sống đạo phải có lúc này, đó là xót thương kẻ đau khổ, biết đau cái đau của người khác. Mà xót thương thì phải cụ thể và quảng đại.
Thế là đã rõ thánh ý Chúa về sống đạo tại Việt Nam hôm nay.
5.
Tôi vui mừng nhận thấy điều Chúa dạy trên đây đang được thực hiện tại Việt Nam lúc này ở nhiều nơi.
Những người tốt như người Samari nói trong Phúc âm được nhận ra ở nhiều loại người khác nhau. Họ là người công giáo và họ là người ngoài công giáo. Họ là người có chức quyền và họ là người thường dân. Họ là người giàu sang và họ là người nghèo túng bần cùng.
6.
Điều quan trọng đối với tôi là, các môn đệ Chúa trong đó có tôi, có biết sống xót thương như Chúa dạy không.
Sẽ rất khốn cho chúng ta, các môn đệ Chúa, nếu chúng ta coi thường việc xót thương mà Chúa dạy.
7.
Mới rồi, trong một cuộc trao đổi thân tình giữa một nhóm người khác đạo về chuẩn mực đạo đức xã hội tại Việt Nam hôm nay, tất cả đều đồng ý là yếu tố quan trọng nhất chính là biết xót thương, mà xót thương đó phải khiêm nhường, bao dung, đơn sơ, chân thành.
Nhận xét đó là rất đúng. Đời cũng như đạo, cần thực hiện điều đó để cứu Đạo, cứu Đời, nhất là để cứu chính mình.
8.
Bởi vì Chúa đã hứa: “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương (Mt 5, 7)”.
“Ai xót thương người đau khổ, thì được kể như là xót thương chính Chúa. Họ sẽ được Chúa thương (Mt 25, 31-46)”.
9.
Tới đây, tôi nhớ lại một kỉ niệm không bao giờ quên về lòng xót thương, mà Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dành cho tôi.
Năm đó, tôi đén Vatican, gặp Đức Giáo Hoàng. Sau thánh lễ đồng tế với Đức Thánh Cha, tôi đứng chung với đám đông, để được gặp Đức Thánh Cha.
Đám đông gồm đủ mọi thành phần thuộc nhiều dân tộc. Chúng tôi xếp hàng chữ U trên diện tích lớn. Khi vừa thấy tôi, Đức thánh Cha tỏ vẻ ưu ái cách riêng. Ngài bắt tay và hỏi thăm vắn tắt. Rồi ngài tiếp tục đến với những người khác.
Một lát sau, ngài trở lại chỗ tôi đứngvà thân mật nói: “Cha thấy con không được khỏe. Con đi chữa bệnh trước đã, rồi mọi chuyện sẽ tính sau”.
Tôi không ngờ Đức thánh Cha có lòng xót thương tôi một cách cụ thể và quảng đại như thế.
Ngoài ra, ngài còn thực hiện lòng thương xót đối với tôi trong nhiều trường hợp khác nữa.
10.
Nhưng làm thế nào, để có một tấm lòng xót thương những người đau khổ, như Chúa muốn? Tôi xin thưa: Phải nhờ ơn Chúa.
Trả lời của tôi dựa trên một biến cố xảy ra cho tôi, cách đây mấy chục năm, lúc tôi mới thụ phong Giám mục.
Đêm đó, tôi chiêm bao được Chúa Giêsu đến gặp tôi.
Tôi đang đi trên đường lộ rộng rãi, thì tôi thấy Chúa Giêsu từ một đường nhỏ trong cánh đồng đi lên.
Đến chỗ đó, Chúa gặp tôi. Chúa cầm tay tôi, dẫn vào một bệnh viện rộng lớn. Ngài không nói gì. Ngài chỉ đưa tôi đến các bệnh nhân nằm la liệt. Ngài làm cho tôi cảm thấy đau đớn, xót thương họ. Tôi đau cái đau của họ. Đến một lúc, tôi đau quá, bật khóc. Chúa biến đi. Tôi tỉnh dậy, tôi hiểu đó là một sứ điệp.
11.
Tôi hiểu: Xót thương kẻ khác như Chúa muốn, là một ơn Chúa ban cho. Xót thương của tôi là từ trái tim Chúa chia sẻ cho, chứ không phải do mình có được từ các lớp học hỏi, bàn bạc, nghiên cứu.
12.
Xót thương đó phải được thực hiện bằng việc làm. Việc làm tuy nhỏ, nhưng có sức cứu độ, vì có Mẹ ở bên, nhất là vì có Chúa ở bên. Xót thương là một hành trình dài.
Long Xuyên, ngày 26.10.2018