1.
Sống theo thánh ý Chúa, đó là phương hướng đời tôi.
Một trong những điều thánh ý Chúa muốn về tôi đó là: Tôi hãy bám vào Đức Mẹ, hãy coi điều đó là cực kỳ quan trọng.
2.
Điều cực kỳ quan trọng đó được Chúa báo cho tôi bằng nhiều cách.
Nhiều cách, tuy khác nhau, nhưng đều phiên dich một nội dung. Nội dung đó là: Hãy tin Mẹ ở bên tôi, và hãy cậy trông mọi sự ở Mẹ.
3.
Ngay từ còn nhỏ, tôi đã được mẹ thân sinh của tôi phiên dịch thánh ý Chúa như thế cho tôi.
Càng khôn lớn, tôi càng được nhiều linh mục, và nhiều biến cố phiên dịch thánh ý Chúa như thế, để tôi hiểu rõ hơn.
Tất nhiên, Chúa Thánh Thần đã ban ơn soi sáng cho tôi trong nội tâm, để tôi biết đón nhận những phiên dịch thánh ý Chúa như thế.
4.
Như vậy, thánh ý Chúa về liên hệ giữa Mẹ và tôi được Chúa báo cho tôi qua cả một hệ thống gồm nội tâm và nhiều sự việc bên ngoài. Xin đưa ra vài ví dụ.
5.
Khi được gọi thụ phong linh mục, tôi sợ, nên xin rút lui. Lúc đó, người phiên dịch thánh ý Chúa là cha linh hồn. Ngài khuyên tôi hãy vâng ý Chúa vì có Đức Mẹ. Cha thuộc dòng Đaminh, rất sùng kính Đức Mẹ. Với ơn Chúa soi sáng trong tôi, tôi đón nhận lời cha linh hồn. Và tôi được an tâm, cậy tin vào Đức Mẹ.
6.
Khi được gọi thụ phong giám mục, tôi rất sợ, nên cầu cứu xin được phép từ chối. Lúc đó, người phiên dịch thánh ý Chúa là Đức Cố Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ. Ngài khuyên tôi đừng từ chối. Ngài bảo tình hình lúc đó là rất phức tạp, rất khó khăn. Nhưng hãy vững tin vào Đức Mẹ. Tôi xin vâng. Một đàng nhờ Đấng bề trên phiên dịch ý Chúa, một đàng nhờ ơn Chúa Thánh Thần an ủi và soi sáng bên trong.
7.
Khi được trao phó nhiệm vụ làm cầu nối giữa Việt Nam và Tòa Thánh, tôi rất lo lắng. Nhưng Đức thánh Giáo Hoàng Gioan–Phaolô II khích lệ tôi. Ngài phiên dịch thánh ý Chúa bằng cách khuyên tôi cậy tin vào Đức Mẹ. Tôi được can đảm, nhờ Đức thánh Cha, rồi với ơn Đức Mẹ an ủi bên trong, tôi thực hiện nhiệm vụ khó khăn đó một cách kín đáo và kiên trì.
8.
Ba trường hợp trên đây chỉ là tiêu biểu cho một chuỗi dài những cách Chúa dùng, để phiên dịch thánh ý Chúa về liên hệ giữa Đức Mẹ và tôi.
Nếu không có những phiên dịch như thế, thì tôi không thể an tâm, nhất là khi tình hình biến chuyển phức tạp, có những bất ngờ đáng sợ.
9.
Tình hình lúc này đang là như thế. Tôi không thể không lo sợ cho mình, cho những người thân, nhất là cho Hội thánh tại đây và cho đồng bào yêu dấu của tôi.
10.
Nhưng những kinh nghiệm vừa kể trên đây đang giúp tôi có hy vọng vững chắc. Đó là tôi tin Đức Mẹ ở bên tôi, và tôi cậy trông ở Đức Mẹ trong mọi tình huống xảy ra.
Không những tôi hy vọng, mà tôi còn thấy hy vọng đó đang thực hiện nơi tôi một cách tuyệt vời, từng ngày, từng giờ, từng phút. Đúng là Đức Mẹ ở bên tôi. Đúng là Đức Mẹ dắt dìu, che chở tôi.
Tôi cảm nhận điều đó một cách riêng tư, âm thầm, gần gũi.
11.
Đức Mẹ là mẹ của tôi. Tôi trở nên bé nhỏ. Mẹ đứng đàng sau. Mẹ cầm tay tôi. Tôi làm, nhưng mẹ còn làm hơn tôi, tuy Mẹ không làm thay tôi.
12.
Sau cùng, có một điều tôi thấy cũng nên nói ở đây, đó là chính nhờ Đức Mẹ mà tôi biết sống với lòng Chúa thương xót.
Riêng đối với tôi, Đức Mẹ chính là hình ảnh thích hợp nhất của Lòng Chúa thương xót.
Vì thế, nói về lòng thương xót Chúa, mà không đề cao Đức Mẹ, thì sẽ là một thiếu sót lớn.
Đức Mẹ mới chính là người phiên dịch lòng thương xót Chúa một cách sống động, một cách thích hợp, một cách hoàn hảo.
13.
Với Đức Mẹ, tôi được hiểu đúng hơn đâu là vùng biên thực sự, mà Đức Phanxicô thường thúc giục chúng ta hãy tới đó để làm chứng cho Chúa. Vùng biên đó ở ngay trong nhà chúng ta, ở ngay trong lòng chúng ta.
14.
Ngay như những gì tôi thường chia sẻ, đều có Mẹ ở bên và đều có bàn tay Mẹ đẩy đưa.
15.
Chính vì vậy, mà thường tôi ưa thích được thinh lặng, để nghe những phiên dịch thánh ý Chúa xung quanh tôi, nhất là để nghe Mẹ nhắc nhở trong thẳm sâu cõi lòng của tôi.
16.
Tôi vui, khi tôi cảm tạ Chúa, và lo cho những người khác. Đơn sơ, vì tôi có Mẹ ở bên, và vì tôi cậy tin mọi sự nơi Mẹ, như Chúa dạy tôi.
17.
Tôi cảm thấy mình hạnh phúc ngay trong những lúc khổ đau, vì được có Mẹ ở bên, vì được Mẹ dắt dìu, vì được Mẹ gần gũi, vì được Mẹ bênh đỡ, vì được Mẹ ủi an.
18.
Và cũng sẽ là một ơn gọi đặc biệt, nếu biết tỉnh thức lắng nghe những cách Chúa đang dùng để phiên dịch ý Chúa, về vai trò của Đức Mẹ, trong chương trình cứu rỗi giữa lịch sử đầy chuyển biến hiện nay.
Những người được ơn gọi đó đang cùng nhau khiêm tốn ca ngợi cảm tạ Chúa.
Long xuyên, ngày 19.8.2019