1.
Dịp cuối năm và dịp đầu năm, tôi thường tập trung tâm hồn tôi vào việc tạ ơn Chúa.
Tôi tạ ơn Chúa vì biết bao ơn Chúa đã ban cho tôi trong thời gian qua và ngay chính lúc này.
Một trong những ơn cao quí, mà tôi nhận ra, để tạ ơn Chúa cách riêng, đó là ơn biết kính sợ Chúa. Biết kính sợ Chúa, nên được Chúa xót thương. Như lời Đức Mẹ Maria đã ca ngợi Chúa xưa: “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 50).
2.
Thế nào là kính sợ Chúa? Tôi xin Đức Mẹ dạy tôi. Bằng nhiều cách, với nhiều lần, Đức Mẹ cho tôi hiểu: Biết kính sợ Chúa là một ơn Chúa ban. Với ơn đó, tôi nhận ra mấy điều lạ lùng Chúa làm cho tôi.
3.
Điều lạ lùng thứ nhất là tôi xác tín mình tội lỗi, hèn mọn, yếu đuối, mọi sự tốt lành tôi được là do lòng thương xót Chúa mà thôi.
Xác tín mình tội lỗi, hèn mọn, yếu đuối chỉ là khởi đầu. Từ khởi đầu chân thành đó, tôi thường nài xin Chúa cứu tôi.
Tôi nói với Chúa những lời thống thiết như:
“Xin rửa con sạch mọi lỗi lầm.
Của lễ con dâng là tâm hồn tan nát khiêm cung.
Xin tạo cho con một trái tim trong sạch” (Tv 51(50)).
Với những lời thống thiết như thế, tôi đến với Chúa. Tôi được gặp Chúa.
4.
Khi gặp được Chúa, tôi mới thấy rõ mọi sự tốt lành tôi có hôm nay đều do ơn Chúa xót thương tôi.
Từ nhận thức đó, tôi mới thấy mình phải tỉnh thức với những gì hay nâng mình lên. Nâng mình lên có khi một cách lộ liễu, có khi một cách ngây thơ, có khi một cách đạo đức giả hình.
Xin thú thực là cho dù tỉnh thức đến mấy, tôi vẫn thấy sự nâng mình lên cách này cách nọ vẫn là điều có thể xảy ra cho tôi, nếu Chúa không ra tay can thiệp. Tôi tạ ơn Chúa, vì Chúa đã can thiệp.
5.
Điều lạ lùng thứ hai là Chúa cho tôi cảm nhận được rõ ràng điều Đức Mẹ đã nói xưa:
“Chúa biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1, 51).
Phường lòng trí kiêu căng có thể là những người xa gần, và cũng có thể là chính tôi.
Khi tôi bị Chúa dẹp lòng trí kiêu căng trong tôi, tôi cảm thấy rất đau. Nhưng Chúa cho tôi nhận ra đau đớn đó là thuốc chữa trị. Biết chấp nhận đớn đau đó cũng là một ơn Chúa. Bởi vì đau đớn bất cứ do đâu, đều vẫn là điều ai cũng muốn tránh
6.
Từ kinh nghiệm bản thân đó, tôi sẽ biết cầu nguyện cho những người bị đau đớn, khi Chúa dùng đau đớn, để chữa lòng trí kiêu căng của họ.
7.
Biết đón nhận đớn đau, biết cộng tác với Chúa trong đau đớn, đều là những việc không dễ dàng, cho dù trong lý thuyết chủ chương của chúng ta là dễ dàng. Phải khiêm tốn nhận sự thực đó, để được là kẻ kính sợ Chúa.
8.
Điều lạ lùng thứ ba là tôi nhận ra đừng bao giờ muốn là quyền lực, nhưng hãy luôn là kẻ phục vụ khiêm nhường, kẻo Chúa sẽ đảo ngược lại.
Tôi vẫn sợ mình là một quyền lực. Tôi rất ái ngại, khi thấy xuất hiện trong Hội Thánh đó đây những cá nhân hoặc những nhóm coi mình là đạo đức, nhưng lại rất quyền lực do kiêu căng.
Nếu để tự do phất triển, những quyền lực kiêu căng đó sẽ là một mối họa gây hại cho cộng đoàn. Tình thần quyền lực sẽ lây lan, khiến “Chúa ra tay hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 52-53).
9.
Kinh nghiệm cho tôi thấy đúng là như vậy. Khi Chúa ra tay hạ bệ những ai quyền thế, thì không tránh được những sợ hãi. Và khi Chúa nâng cao mọi kẻ khiêm nhường, thì khó tránh khỏi những ghen tuông.
Cho dù vậy, thì việc Chúa làm vẫn là như vậy. Từ đó tôi thấy Nước Chúa được phát triển không nhờ những người quyền lực kiêu căng, nhưng qua những người là dụng cụ khiêm nhường phục vụ.
10.
Tôi rất mừng là hiện nay, các lễ phong chức hầu như không còn thói quen đề cao chức thánh như một thứ quyền lực, mà nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ khiêm nhường.
Nếu không, rồi sẽ thấy ứng nghiệm lời Đức Mẹ đã nói “Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.
Nhận ra điều đó, là dấu chỉ người biết kính sợ Thiên Chúa.
11.
Điều lạ lùng thứ bốn là Chúa cho tôi biết nối kết niềm tin của tôi vào niềm tin của tổ phụ Abraham, của Đức Mẹ và của mọi người thánh trong lịch sử cứu độ.
Trong kinh ngợi khen, Đức Mẹ nói: “Chúa nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1, 55).
Khi tôi nối kết niềm tin của tôi vào niềm tin của tổ phụ Abraham và của Đức Mẹ, thì tôi từ bỏ mọi sự, để chỉ vâng phục thánh ý Chúa mà thôi.
12.
Ở đây, khi đề cập đến cập đến vấn đề thực thi thánh ý Chúa, tôi sực nhớ tới Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tôi được phúc gần ngài nhiều lần và tại nhiều nơi. Lần nào, chỗ nào, tôi cũng thấy thánh nhân trong thái độ cầu nguyện. Ngài lắng nghe ý Chúa, ngài kết hợp với ý Chúa, ngài thực thi ý Chúa. Trong mọi sự, ngài đều sống tinh thần xin vâng của Đức Mẹ. Trong mọi thử thách, ngài đều sống trọn vẹn lời Chúa Giêsu xưa tại vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha mà thôi”.
Gương sáng của thánh nhân đã ảnh hưởng mạnh đến tôi. Tôi tin ngài đang cầu nguyện cho tôi.
13.
Một lần nữa. Tôi xin nhắc lại niềm tin của tôi là lòng thương xót Chúa chỉ dành cho những ai kính sợ Chúa. Thế có nghĩa là chúng ta phải chú trọng đến tinh thần kính sợ Chúa, để được Chúa xót thương.
14.
Hiện nay, xem ra rất nhiều người không biết và cũng không muốn kính sợ Chúa, nên cũng không biết tìm đến lòng xót thương của Chúa.
Nếu hiện tình đang xảy ra đúng như vậy, thì chúng ta là những mộn đệ tin theo Chúa Giêsu, phải ưu tiên lo đổi mới chính bản thân mình được nên kẻ kính sợ Chúa, để tìm nơi Chúa lòng xót thương cứu độ.
Phải bắt đầu từ chính bản thân mình. Đó là nguyện chúc chân thành tha thiết xin gửi đến mọi người gần xa, và tất nhiên cho chính kẻ hèn mọn này.
GB. Bùi Tuần
Long Xuyên, ngày 24.1.2018