1.
Đau cái đau của người khác, nhất là của những kẻ thuộc về mình, đó là một ơn trọng Chúa ban.
2.
Ơn trọng đó là một chân lý cứu độ, có sức cứu tôi và cứu nhiều người khác.
3.
Biết chân lý đó trên lý thuyết thì dễ. Nhưng sống chân lý đó trong thực tế thì không dễ chút nào.
4.
Chúa dạy tôi hãy tỉnh thức, để nhận ra sự khác biệt đó trong chính mình. Nếu không, sẽ gây hại vô vàn trong các lĩnh vực tu đức, mục vụ và truyền giáo.
Tỉnh thức là hãy nhìn gương Chúa Giêsu.
5.
Tôi nhìn Chúa Giêsu theo thư gửi Do thái. Tôi thấy Chúa Giêsu đã phải sống với nhiều thử thách đầy đau đớn, đầy nước mắt, đầy khóc thương. Nhờ đó Người cảm thương với những thực tế khổ đau của đoàn chiên.
“Đức Giêsu Kitô, con Thiên Chúa, không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta. Vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi” (Dt 4, 15).
“Khi còn sống kiếp phàm nhân. Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết…Dầu là con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5, 7- 8).
6.
Thấy Chúa Giêsu là như thế, nên khi tôi gặp những thử thách có nhiều đau khổ, khiến tôi khóc lóc, kêu van xin cứu, thì tôi nhận ra mình được hai ơn trọng này: Một là ơn được theo bước chân Đức Kitô, hai là được ơn biết cảm thương với những khổ đau của những kẻ thuộc về mình.
7.
Đau cái đau của Chúa Giêsu, và đau cái đau của những kẻ thuộc về mình, như đoàn chiên của tôi, đồng bào của tôi, đó là một ơn trọng, một vinh dự lớn lao.
8.
Thế nhưng, trên thực tế, cái đau nào cũng là điều tự nhiên mình muốn tránh. Do vậy, tôi vẫn xin Đức Mẹ thương giúp tôi.
Thực sự, Đức Mẹ đã giúp tôi và đang giúp tôi.
Mẹ vừa để tôi phải đau khổ, nhưng lại vừa ủi an tôi.
Mẹ vừa dạy tôi hãy quên đi quá khứ, vừa dạy tôi hãy biết bắt đầu lại từ giây phút hiện tại. Còn tương lai thì hãy cậy tin nơi lòng thương xót Chúa.
9.
Điều rất quan trọng Mẹ dạy tôi là hãy luôn luôn ở lại trong tình yêu Chúa, và luôn luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, như cành cây nho với thân cây nho.
10.
Mẹ dạy: Hãy tin vào Chúa. Hãy biết đón nhận sự ủi an từ Chúa. Hãy cho đi sự ủi an nhận được từ Chúa.
Ủi an đóng một vai trò không nhỏ trong cuộc đời đầy thử thách này.
Một người bạn thân của tôi là Đức Hy Paul Yosef Cordes, cũng là bạn thân của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có lần đã nói với tôi: “Anh đừng ngại an ủi Đức Gioan Phaolô II, ngài rất cần được an ủi”.
Nghe lời ông bạn, tôi đã nhiều lần an ủi Đức Gioan Phaolô II. Tôi không ngờ Đức Thánh Giáo Hoàng đã đơn sơ đón nhận những an ủi chân thành của tôi.
11.
Phần tôi cũng lại có kinh nghiệm về những ủi an nhận được. Ở đây, chỉ xin được nói đến những ủi an tôi nhận được từ người bạn thân là Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận. Bạn tôi nhiều lần đã nói với tôi: “Bất cứ lúc nào, bất cứ việc gì, chú cứ cho tôi biết. Chú đừng quá sợ và lo lắng. Tôi sẽ lo cho chú”.
Thực sự, những cảm thương của ngài an ủi tôi rất nhiều. Ngay chính lúc này, tôi vẫn nhận được sự ủi an từ ngài.
12.
Từ những kinh nghiệm sống động trên đây, tôi thấy người môn đệ đích thực của Chúa, phải là người biết an ủi những kẻ khổ đau.
Tôi thấy trong ơn an ủi, thì quan trọng là tấm lòng. Có tấm lòng cảm thương thực sự, thì chỉ dù một cái nhìn, một nụ cười, một lời nói, một cử chỉ nhỏ cũng đủ trao gủi tình thương có sức cứu độ.
13.
Nếu Hội Thánh Chúa hôm nay không quan tâm đủ đến việc an ủi những kẻ khổ đau, thì tôi sợ Satan sẽ quan tâm đến chuyện đó.
Nó rất quỉ quyệt, bày ra vô vàn cách để ủi an những người khổ đau đang bơ vơ khao khát được an ủi.
Thực tế cho thấy Satan hôm nay đang áp dụng những trò xảo quyệt. Satan đang tìm đến những người đi tìm an ủi, mà Hội Thánh bỏ rơi.
14.
Satan đang thành công ở nhiều chỗ.
Sự thực cay đắng đó khiến những môn đệ Chúa phải thức tỉnh. Thức tỉnh của tôi là:
15.
Số người đau khổ hiện nay là rất nhiều, rất gần chúng ta. Họ thuộc đủ mọi giai cấp.
Tới đây, tự nhiên tôi sực nhớ tới bài ca quen thuộc: Lạy Mẹ xin an ủi chúng con luôn luôn.
Long Xuyên, ngày 22.7.2018