1.
Để cảm tạ Chúa và như một lời trối, tôi đã nói về sự:
Tôi được Chúa thanh luyện,
Tôi được Chúa yêu thương.
Hôm nay, tôi xin nói thêm:
Tôi được Chúa an ủi.
Chúa đã an ủi tôi trong suốt cuộc đời dài 92 năm. An ủi được Chúa thực hiện bằng nhiều cách.
2.
Trong những cách đó, có một cách tôi cho là sâu thẳm nhất đã ảnh hưởng mạnh nhất đến đời tôi, cách đó là cách thánh Phaolô xưa đã nói về chính ngài. Chúa phán:
“Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên, tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui mừng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12, 9-10).
3.
Những gì Chúa phán trên đây với thánh Phaolô xưa, thì nay cũng đã được Chúa thực hiện cho tôi.
“Sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của tôi”.
Nói một cách khác: “Sự an ủi của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của tôi”.
Sự yếu đuối của tôi chính là địa chỉ Chúa chọn để biểu lộ sự an ủi của Chúa. Tôi thấy rõ như vậy, dưới đây là vài thí dụ:
4.
Thí dụ thứ nhất:
Tôi tội lỗi lắm. Tôi yếu hèn lắm. Tôi hèn yếu không những ở những tội lỗi, mà cũng hèn yếu ở sự sám hối, đền tội. Việc đền tội của tôi vì thế được cậy nhờ vào tình yêu thương xót Chúa.
Chúa dẫn tôi vào tình yêu xót thương, để được tắm rửa. Nếu tôi được trở nên trắng sạch, thì hoàn toàn nhờ vào lửa xót thương Chúa, chứ không do công trạng nào của tôi.
Rõ ràng là tôi nhận mình yếu đuối, nên mới được ơn Chúa tẩy rửa. Yếu đuối của tôi trở thành địa chỉ của ơn Chúa.
Tôi đang thấy Chúa biểu lộ sức mạnh của Chúa ở nhiều người yếu đuối xung quanh tôi.
5.
Rồi thí dụ thứ hai:
Tôi muốn cứu người khác. Nhưng tôi yếu đuối, nghèo nàn, chỉ làm được việc nhỏ, rất nhỏ, Chúa thương nhận cảnh nghèo nàn của tôi, chọn đó như một điểm hẹn để biểu lộ quyền năng Chúa. Chúa đợi ở cảnh nghèo nàn của tôi, để dùng tôi cứu những người khác. Lúc đó, tôi cũng như kẻ được cứu, đều thấy rõ: Sức mạnh cứu độ của Chúa được biểu lộ nơi những người yếu đuối.
6.
Một chi tiết nên nói ở đây, đó là khi Chúa dùng tôi là kẻ yếu đuối để cứu người khác, thì Chúa dạy tôi là hãy làm việc thiện đó một cách âm thầm, chớ có khoe khoang. Chúa đã dạy điều đó một cách rõ ràng trong Phúc âm thánh Mátthêu, khi đề cập đến việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí (x. Mt 6, 1-18).
7.
Chúa đã cứu tôi, để tôi lại cứu người khác. Đó là sự thực đã được thực hiện một cách lặng lẽ suốt nhiều năm dài đời tôi.
Sự thực đó đã và đang đem lại cho tôi rất nhiều an ủi.
8.
Rồi, thí dụ thứ ba:
Đời tôi có rất nhiều gánh nặng. Khi trẻ, thì có gánh nặng của tuổi trẻ. Khi già, thì có gánh nặng của tuổi già. Khi tại chức, thì có gánh nặng của kẻ tại chức. Khi hưu, thì có gánh nặng của kẻ hưu.
Riêng phần tôi, khi vác trên vai gánh nặng, nếu thấy nặng, thì nói là nặng, bởi vì tôi là kẻ yếu đuối.
Khi tôi nói thật điều đó với mọi người và với Chúa, thì có không ít người chê và khinh tôi. Nhưng Chúa thì khác, Chúa nói với tôi lời xưa Chúa đã nói:
“Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).
9.
Tôi đã đến với Chúa. Tôi đến với những gánh nặng trên vai. Tôi thưa thực với Chúa là tôi yếu đuối, mỏi mệt lắm. Chúa không mắng trách tôi. Trái lại Chúa đã tỏ lòng xót thương, mà an ủi tôi.
Qua thái độ đó của Chúa, tôi đã nhận ra sự thực mà thánh Phaolô đã nói: “Sức mạnh của Chúa được biểu lộ nơi những yếu đuối” (2Cr 12, 12).
10.
Do vậy, tôi coi sự nhận mình yếu đuối là một sự khôn ngoan của Phúc âm.
11.
Cũng từ đó, tôi rất thương những người yếu đuối: Cảm thương họ, xót thương họ trong Chúa, đó là điều tôi coi là một ơn Chúa ban cho tôi.
12.
Rồi, một thí dụ nữa.
Trong các việc đạo đức, tôi thích nhất việc cầu nguyện bằng lần chuỗi mân côi, bởi vì việc đó thích hợp với người yếu đuối. Tôi cầu nguyện bằng kinh mân côi mỗi ngày. Tôi tha thiết với kinh kính mừng một cách rất ngây thơ. Như một đứa con thơ, yếu đuối.
Đức Mẹ đã thương tôi một cách lạ lùng, như người mẹ hiền thương đứa con yếu đuối. Tình thương của Mẹ là một sức mạnh thiêng liêng khôn tả. Tôi cảm nhận sức mạnh đã được Mẹ dành cho những đứa con yếu đuối nhất.
13.
Bốn thí dụ trên đây chỉ là một phần của lãnh vực an ủi Chúa dành cho tôi. Tôi coi đây là một ơn Chúa thương ban, để tôi làm chứng về Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót.
14.
Tôi nếm được những an ủi của Chúa. Tôi cũng nếm được phần nào sự ngọt ngào của Đấng an ui tôi. Với những gì tôi đã nếm được, tôi vững tin tiến bước về cõi sau, để sẽ được an ủi gấp bội trên thiên đàng, bên Chúa giàu lòng thương xót.
Long xuyên, ngày 08.03.2019