1.
Ơn cứu độ là ơn tôi rất cần. Tôi cần một cách tuyệt đối. Mà ơn cứu độ thì ở nơi Chúa Giêsu. Ngài từ Trời xuống thế, là để cứu độ loài người, cho con người khỏi tội, khỏi phải xuống hỏa ngục, nhưng được lên thiên đàng.
2.
Những điều tôi vừa tuyên xưng được tôi coi là điều có tính cách sống còn cho tôi. Vì thế, tôi thao thức gặp gỡ Chúa Giêsu, tôi luôn khát khao bám chặt lấy Chúa Giêsu.
3.
Tôi đã gặp được Ngài.
Tôi đang bám chặt lấy Ngài. Nhờ những con đường nào? Thưa: Nhờ tin vào thánh ngôn, thánh thể, thánh giá và thánh mẫu của Ngài.
Tôi sống với Lời Chúa.
Tôi sùng mộ Phép thánh thể. Tôi mộ mến thánh giá Chúa. Tôi âu yếm ở bên Đức Mẹ.
Nhờ vậy, mà tôi gặp được Chúa Giêsu, và bám chặt lấy Ngài.
4.
Khi bám chặt lấy Chúa Giêsu, tôi được Chúa cứu độ.
Ngài cứu độ tôi bằng cách Ngài lấy máu mình mà rửa tôi cho sạch tội lỗi.
Ngài cứu độ tôi bằng cách Ngài vác trên vai Ngài gánh nặng tội lỗi của tôi.
Ngài cứu độ tôi bằng cách Ngài chết trên thánh giá, để chuộc tội cho tôi.
Ngài cứu độ tôi bằng cách trối lại cho tôi Phép thánh thể và chính Mẹ của Ngài.
Như vậy, vấn đề quan trọng đặt ra cho tôi là: Tôi có muốn lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa không?
5.
Xin thú nhận là muốn đón nhận ơn cứu độ của Chúa thì có muốn. Nhưng muốn một cách tha thiết thì do ơn Chúa. Chúa ban ơn đó cho tôi không phải một lúc, mà là qua một hành trình dài của cuộc sống.
6.
Hành trình dài đó đã có những loạng choạng, đã có những vấp ngã, đã có những thất bại, đã có những bắt đầu đi, bắt đầu lại.
Sau cùng tôi đã gặp được Chúa Giêsu, tôi đã bám chặt lấy Ngài.
7.
Khi đã bám chặt lấy Chúa Giêsu, tôi có lúc cũng bị thử thách. Thử thách thì rất nhiều, nhất là những thử thách do chính sự yếu đuối của mình. Vì thế, mà đã có lúc tôi không hiện diện thực sự bên Chúa, ngay tại bàn thờ, ngay khi rao giảng Lời Chúa, ngay khi làm chứng cho Chúa.
8.
Những trường hợp như thế rất cần ơn Chúa, để có thể trở về với Chúa. Nếu lại tự mãn, thì sẽ khốn khổ vô vàn.
9.
Hạnh phúc cho tôi là tôi có tính hay nhát sợ, nên dễ tránh được tự mãn.
Nhưng vì hay nhát sợ, nên cần được an ủi. Và Chúa đã thương an ủi tôi.
10.
An ủi, mà Chúa thương ban cho tôi, thường là trong bình diện đức tin, chứ không trên bình diện cảm nghiệm theo sức tự nhiên. Xin phép cho tôi được tâm sự có tính cách tư riêng.
11.
Khi được chọn để chịu chức Linh mục, tôi sợ quá, nên đã xin được từ chối. Nhưng cha linh hồn dạy hãy can đảm tiến lên. Tôi xin vâng. Tôi được an ủi, vì tin lời cha linh hướng là tin vào Chúa.
Khi được chọn, để lãnh chức Giám mục Phó Long xuyên, tôi quá sợ, nên đã xin được từ chối. Nhưng Đức cố Giám mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ đã dạy tôi là không nên, mà cũng không thể từ chối được. Nên tôi đã xin vâng. Tôi được an ủi, vì tin vào Bề Trên của mình là tin vào Chúa.
12.
Những thời gian gần đây, và cho đến bây giờ, tôi hay gặp những điều, mà tính nhát sợ của tôi làm tôi hay mất bình an, nhưng tôi lại được an ủi, nhờ tin vào Chúa. Cảm nghiệm được an ủi do những yếu tố tự nhiên cũng có mặt lúc này lúc nọ, nhưng ai ủi do đức tin mới là chính yếu.
13.
Sở dĩ, tôi muốn nhấn mạnh đến an ủi do đức tin, chính là vì sự bám chặt lấy Chúa Giêsu phải do đức tin, chứ không do cảm nghiệm. Cảm nghiệm, nếu có, thì vẫn là vai phụ mà thôi.
14.
Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI tâm sự về lúc ngài được bầu làm Giáo Hoàng thế này: Ngài cảm thấy như một chiếc máy chém đặt trên đầu ngài. Tức là ngài sợ. Nhưng sau đó ngài tin vào sự nâng đỡ của Chúa, nên ngài được an ủi. Ngài bám vào Chúa.
15.
Suốt triều đại giáo hoàng của Đức Bênêdictô XVI đều được ngài nhắc đến cơn khủng hoảng về đức tin ở Âu Châu. Khủng hoảng về đức tin, đó là một sự thực đau xót cũng đang xảy ra tại nhiều nơi, trong đó có Việt Nam.
16.
Khủng hoảng về đức tin, đó là tình hình, mà các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay cần để ý.
Phải để ý ngay chính nơi bản thân mình.
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì khủng hoảng nguy hiểm và trầm trọng đó đang trên đà lan rộng.
Hãy bám chặt lấy Chúa Giêsu, để đón nhận ơn cứu độ. Từng giờ, từng phút, từng giây.
Khiêm nhường cầu xin cho các môn đệ Chúa, nhất là cho chính mình, để được thêm đức tin, đó là điều nên làm lúc này. Chứ đừng tôn vinh mình và tôn vinh nhau. Đức Bênêdictô XVI coi sự giáo sĩ tự hào tự mãn là điều ghê tởm nhất hiện giờ.
Long Xuyên, ngày 21.11.2018