Chắc chắn Chúa sẽ đến. Nhưng chúng ta không biết là khi nào. Ngài đến để phân xử, phán xét. Việc ngài đến sẽ là niềm vui vĩnh cửu cho người lành, và là sự tủi nhục muôn đời cho kẻ dữ. Một lần cho tất cả. Dứt khoát và chung cuộc. Vì thế, cần phải chuẩn bị để không bỏ lở cơ hội. Cần phải sẵn sàng để không đánh mất dịp may. Cần phải tỉnh thức để có thể mau mắn nhận ra khi ngài xuất hiện.
Tỉnh thức là thái độ cần thiết. Tuy nhiên, tỉnh thức không thể hiểu theo nghĩa tiêu cực. Theo đó, Chúa được xem như là viên giám thị nghiêm khắc, luôn luôn tìm cách rình rập, xuất hiện bất ngờ, để bắt tại trận những học trò xấu, đang phạm lỗi. Trong trường hợp đó, chúng ta bị bắt buộc phải ngoan, nếu không muốn bị phạt. Chờ đợi như thế, có một cái gì đó gây sợ hãi, ù lì, bất động. Trái lại, sự tỉnh thức của Mùa Vọng mở ra một niềm hy vọng, tin tưởng, yêu thương và vui tươi. Bởi vì, đây là thời gian chúng ta mong đợi Chúa, mà chúng ta cũng biết là, Chúa đang khao khát gặp gỡ chúng ta để đem lại hạnh phúc sung mãn cho chúng ta. Như thế, sự tỉnh thức của chúng ta sẽ rất năng động, luôn thúc đẩy chúng ta lên đường tìm đến với ngài.
Chờ đợi Chúa đến, vì chúng ta cảm thấy dường như Chúa đang vắng mặt trong cuộc đời. Giống như một người trẩy đi phương xa, sau khi tạo dựng chúng ta, Chúa ẩn mặt để chúng ta có thể sử dụng tự do của chúng ta một cách trọn vẹn hơn. Đây cũng là dịp rất tốt để chúng ta củng cố niềm tin, chứng tỏ lòng trung tín và nói lên niềm hy vọng tràn đầy vào Đấng Cứu Độ hằng sống. Sự vắng mặt, thiếu vắng, sự trống rỗng để lại trong con tim chúng ta một sự khao khát không thể nào bù đắp. Điều đó chứng tỏ chúng ta thuộc về Chúa. Chúng ta chỉ an nghỉ khi gặp được Chúa mà thôi.
Mong đợi ngài đến, nhưng thực ra tất cả chúng ta đều biết, Đức Kitô đã đến trên trần gian cách nay hơn hai ngàn năm. Sinh ra tại Bêlem, sống tại Nagiarét, ra đi rao giảng Tin Mừng Tình Yêu cho mọi người, chịu khổ nạn và chịu chết dưới thời Phongxio Philato. Sau khi phục sinh, ngài vẫn luôn hiện diện trong thế giới chúng ta. Ngài vẫn giữ lời hứa với các môn đệ là, sẽ ở cùng các ông cho đến ngày tận thế.
Tuy nhiên, sự hiện diện của Đấng Phục sinh ở giữa chúng ta hiện tại không được tỏ lộ ra. Chúng ta không thể nghe, thấy, động chạm đến ngài bằng giác quan. Chúng ta không thể khẳng định ngài đang ở một nơi nào đó nhất định. Ngài không sống giữa chúng ta theo cách thế ngày xưa, khi ngài đi lại, giảng dạy trên những con đường đất nước Do Thái.
Thế nhưng, rõ ràng là ngài vẫn hiện diện trên thế giới và trong cuộc đời chúng ta. Ngài vẫn luôn đến gặp gỡ chúng ta bằng nhiều cách thức khác nhau. Chúng ta có thể gặp ngài trong những giây phút cầu nguyện, hay khi đọc Kinh Thánh, hoặc chia sẻ Lời Chúa. Ngài hẹn với chúng ta đến gặp ngài trong thánh lễ, khi cử hành bí tích Thánh Thể. Những biến cố xảy trong cuộc sống cũng có thể tỏ cho thấy sự hiện diện của ngài. Đồng thời ngài cũng hiện thân nơi tất cả những ai đói khát, đau yếu, bệnh hoạn, tù đày, bất hạnh…như Chúa Giêsu đã khẳng định trong dụ ngôn về ngày phán xét.
Vì thế, chúng ta cần phải tỉnh thức. Chúng ta cần phải rất lưu ý về sự hiện diện này của Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày. Qua những thực tại tầm thường, qua rất nhiều trung gian khác nhau, ngài đến gặp gỡ chúng ta và tỏ mình ra cho chúng ta. Chúng ta cần phải luôn luôn kiên trì trong các việc lành và trong tình yêu. Chúng ta phải tạo thành thói quen luôn tìm kiếm ngài qua những địa chỉ mà ngài tỏ mình ra trên đây. Nếu chúng ta luôn biết sống như thế, thì vào ngày ngài lại đến, chúng ta sẽ không khó khăn gì gặp được ngài. Bởi vì đã quen nhận ra ngài bằng đức tin trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra ngài trong ngày sau hết, khi ngài sẽ tỏ mình ra cho chúng ta trong ánh sáng vinh quang. Và ngài, ngài cũng sẽ nhận ra chúng ta, và đón tiếp chúng ta. Và đó là hạnh phúc cho chúng ta.