Thứ Năm, 06 Tháng Mười Một, 2014 00:00
Chúa nhật XXXII Quanh năm A ( Mt 25,1-13 )

Dụ ngôn muốn nói đến cuộc hội ngộ cuối cùng, chung cuộc giữa nhân loại và Đức Kitô. Con Thiên Chúa ở đây được nhân cách hóa như chàng rể được mong đợi. Chi tiết này rất có ý nghĩa với hình ảnh Con Người trong Kinh Thánh, vốn được xác định như là vị thẩm phán trong ngày tận thế. Điểm nối kết giữa chủ đề tiệc cưới và ngày phán xét ở cuối dụ ngôn cho thấy, bên kia lề luật, còn có tình yêu. Hay nói khác đi, cái hồn của lề luật, chính là tình yêu. Vì thế, cuộc hội ngộ sau cùng với Đức Kitô là sự thâm nhập tình yêu và lời mời gọi yêu thương. Vì yêu thương, ngài đến với nhân loại. Và ngài cũng mong muốn được đáp lại bằng tấm lòng yêu thương.

Vì chờ đợi lâu giờ, trong đêm tối, mười cô trinh nữ đã ngủ thiếp đi. Bừng tỉnh dậy khi nghe báo tin chàng rể đến, năm cô khôn ngoan đã có sẵn dầu đèn, được vào chung vui tiệc cưới. Còn những cô khờ dại, vì phải đi tìm mua dầu, nên đến trễ, đã bị loại. Sự phân biệt khôn ngoan hay khờ dại, được tiếp nhận hay bị loại trừ, do đó, chung qui cũng chỉ là có tỉnh thức hay không mà thôi. Điều đó có nghĩa là, mỗi người sẽ là quan tòa của chính mình. Cách sống của mỗi người sẽ quyết định cho số phận của chính mình. Sở dĩ các cô khờ dại bị loại ra ngoài, là vì các cô đã vắng mặt trong thời điểm quyết định, là vì các cô đã không nhìn thấy trước thời gian của cuộc gặp gỡ.

Điều đó giúp chúng ta hiểu biết ý nghĩa của thời gian hơn. Mặc dù không cảm nghiệm được Đức Kitô bằng giác quan trong đời thường, nhưng chúng ta biết chắc chắn là ngài vẫn đang hiện diện với chúng ta, một cách vô hình. Luôn sống với Đức Kitô, luôn kết hợp với ngài trong từng giây phút của cuộc đời, sẽ giúp chúng ta dễ dàng đón tiếp ngài, khi ngài lại đến trong vinh quang. Bất cứ khi nào. Bất cứ ở đâu.

Chúng ta cũng đừng phiền trách các trinh nữ khôn ngoan đã không chịu cho những cô bạn xấu số vay mượn chút dầu. Đằng sau thái độ có vẻ ích kỷ này là một sự thật rất quan trọng, rất nghiêm túc: cuộc hội ngộ quyết định này với Thiên Chúa, không ai có thể làm thay chúng ta. Chính mỗi người phải đích thân đi đón Đấng mình yêu mến. Đó là danh dự và trách nhiệm của con người tự do. Được tạo dựng có tự do, con người có thể từ chối vào dự tiệc cưới mà Thiên Chúa dọn sẵn, cũng như có tự do không thèm chuẩn bị những gì cần thiết để mau mắn bước vào chung hưởng hạnh phúc với ngài. Đàng khác, nếu Thiên Chúa dám so sánh tình yêu của ngài đối với chúng ta giống như tình yêu của một thanh niên mong muốn hạnh phúc cho tình nhân của mình, thì không gì đáng trách cho bằng, khi tình nhân đó lại quên lãng, hay không quan tâm đến tình yêu tha thiết, sâu nặng của người yêu, không sẵn sàng tỉnh thức, không làm hết sức có thể, để chờ đón người yêu. Cái giá phải trả cho sự tắc trách, thiếu tỉnh thức này thật là khủng khiếp. Không thể coi thường.

Như thế, hình ảnh bữa tiệc cưới của dụ ngôn giúp cho thấy, việc Chúa đến không phải là một tai họa đáng sợ, mà là một thời điểm của tình yêu, niềm vui và hiệp thông. Tuy nhiên, mỗi người phải tỉnh thức, khôn ngoan, chuẩn bị sẵn sàng để gặp gỡ Chúa. Phải có sẵn dầu đèn thắp sáng. Nghĩa là phải làm cho đời mình có giá trị, sinh hoa kết quả. Bằng cách ý thức được sự hiện diện của Chúa nơi anh em chung quanh, nhất là những ai đang gặp đau khổ, khốn khó. Đón tiếp họ, là đón tiếp Chúa. Đón tiếp Chúa là đón nhận hạnh phúc viên mãn, tròn đầy.

Đó là khát vọng thâm sâu của chúng ta.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com