Được mời, chính là phải chọn lựa, phải trả lời chấp thuận hay không. Người mời chúng ta thực hiện điều đó nhân danh một mối dây liên đới mà người ấy có với chúng ta: tình bạn, bà con, sở thích xã hội. Việc mời của họ làm thành sự kiểm tra mối dây liên hệ này. Chấp nhận lời mời, chính là làm tăng cường thêm mối liên hệ mà chúng ta tin rằng quan trọng, hay rất đơn giản là không muốn thiếu sót một điều gì đó. Từ chối, chính là quyết định chọn lấy những khoảng cách đối với một ai đó.
Khi từ chối một lời mời, người ta đưa ra nhiều lý do: hợp đồng, hay đi xa. Hay những cái cớ được viện ra: cảm cúm, nhức đầu. Dụ ngôn hôm nay xoay quanh những lời mời gọi của Thiên Chúa đối với con người và con người từ chối.
Chúa Giêsu vừa tiến vào thành Giêrusalem một cách vinh quang, làm cho các nhà lãnh đạo của dân tộc rất khó chịu. Sự thù địch giữa họ và ngài dâng cao lên. Ngài nói với họ một dụ ngôn để giải thích cho họ lý do của hoàn cảnh này: thái độ của ngài đối với những người dân bé mọn và những người tội lỗi.
Một ông vua mở tiệc cưới cho con và sai các đầy tớ vội vàng đi đến với những người đã được mời. Những người này từ chối thẳng thừng. Lời mời thứ hai tha thiết hơn: bữa tiệc đã sẵn sàng. Để kích thích những khách mời, người ta hé mở thực đơn: bò và súc vật béo. Từ chối một lần nữa, nhưng lần này đưa ra lý do: việc gấp, phải giải quyết công việc.
Chủ nhân triều đình nhận thấy sự bất xứng của những người được mời. Sự bất xứng này không hệ tại ở một sự thiếu năng lực hay địa vị xã hội, mà chỉ là do sự từ chối của họ mà thôi. Khi chấp nhận là, ruộng lúa hay việc kinh doanh của họ quan trọng hơn bữa tiệc cưới, họ đã tỏ ra mình bất xứng. Ngay lập tức nhà vua triệu tập đến bữa tiệc của mình bất cứ ai chấp nhận, và làm đầy phòng tiệc.
Những người luật sĩ và biệt phái hiểu rõ sứ điệp, bởi vì trong Kinh Thánh, Thiên Chúa được giới thiệu như một ông vua và Vương quốc của ngài giống như một bữa tiệc thịnh soạn. Nơi Chúa Giêsu, họ được mời đón nhận sự gần gũi của Thiên Chúa ; thế nhưng họ đã từ chối, không chấp nhận, bởi vì họ thích tạo nên hình ảnh Thiên Chúa của họ. Trước sự từ chối này, Chúa Giêsu quay về với những người bé mọn và những người tội lỗi. Từ đó làm nảy sinh sự giận dữ của những người lãnh đạo tôn giáo.
Thử hỏi dụ ngôn cũ kỹ này của hai ngàn năm này, được nói ra trong những hoàn cảnh đặc biệt, có liên hệ với chúng ta ngày nay không ?- Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì ?-
Trước hết, dụ ngôn này động viên tinh thần chúng ta rất nhiều, bởi vì chúng ta giống như những người được mời mau mắn bước vào phòng tiệc. Chúng ta đã đón nhận Tin Mừng, và Chúa Giêsu thật quan trọng đối với chúng ta. Việc chúng ta tham dự vào bí tích Thánh Thể cho thấy rõ điều đó. Chúng ta chỉ còn tạ ơn Thiên Chúa đã mở rộng ơn cứu độ của ngài cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, câu chuyện này không nhắm trao ban cho chúng ta sự yên ổn lương tâm. Cũng như tất cả Lời Chúa, nó chất vấn cuộc sống người tín hữu chúng ta. Như điều này: Có phải chúng ta đã quá tự đặt mình trong vị trí được mời của chúng ta hay không ?- Chúng ta có tự xem như chúng ta được ngồi vào bàn tiệc một lần cho tất cả hay không ?- hay là vẫn luôn luôn đang được mời vào bàn ăn ?- Chúng ta chấp nhận Tin Mừng trọn bộ. Rất tốt ! Thế nhưng, chúng ta biết rằng, nó đòi hỏi phải được tiếp thu từng chút một, và trong suốt thời gian này, chính là cuộc đời của chúng ta cũng được Tin Mừng biến đổi dần dần.
Thực ra, Thiên Chúa hằng sống không ù lì, thụ động, cũng không bị xơ cứng, nhưng luôn luôn gây ngạc nhiên và quấy rầy, giống như Chúa Giêsu ngày xưa đối với những người biệt phái. Thiên Chúa luôn luôn mời gọi. Ngài thực hiện một sự mời gọi năng động. Là những tín hữu, chúng ta luôn luôn là đối tượng của những lời mời gọi được ngài lặp đi lặp lại. Và dụ ngôn hôm nay kích thích chúng ta xem xét lại mối liên hệ bản thân của chúng ta với Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, nhìn lại xem Lời Chúa có thực sự nói với chúng ta hay không, nhìn lại xem lời cầu nguyện của chúng ta có phải là đối thoại, nhìn lại xem đức tin của chúng ta có nảy sinh ở giứa lòng cuộc sống đời thường của chúng ta hay không.
Trước khi rước lễ, vị chủ tế công bố: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc của Thiên Chúa. Những lời này nhắc chúng ta nhớ đến hạnh phúc của những người được mời. Niềm vui này có khả năng chiếu sáng cuộc đời chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên những người đầy tớ đi mời đến dự tiệc cưới tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường, cho dù họ tốt hay xấu.
Chớ gì việc rước lấy Thân thể Đức Kitô làm cho chúng ta trở nên những người loan truyền ơn cứu độ có hiệu quả.