Để có thể hiểu rõ hơn dụ ngôn trên đây, điều đầu tiên cần phải để ý là, khi nói những lời này, Chúa Giêsu nhắm đến những thượng tế và các kỳ lão. Họ là những người có nhiều thế giá trong lãnh vực tôn giáo lúc bấy giờ. Họ giữ những địa vị quan trọng và có nhiều ảnh hưởng trên toàn thể dân chúng. Lời nói của họ rất có trọng lượng. Người ta phải chạy đến họ để hỏi cho biết phải làm gì và không được làm gì. Thế nhưng, Chúa Giêsu nhận thấy, họ thích nói và nói dễ dàng cho người khác biết phải hành động thế nào; còn họ thì không luôn luôn sống theo điều mình nói. Bởi thế cho nên, ngài mới nói lên dụ ngôn về hai đứa con được mời đi làm vườn nho cho cha của mình.
Họ là hình ảnh đứa con thứ hai. Trả lời xin vâng, nhưng không đi làm. Còn đứa con thứ nhất tượng trưng cho những người thu thuế, gái điếm và tất cả những người tội lỗi. Nghe Chúa giảng, nhiều người đã đón nhận và thay đổi đời sống. Lúc đầu họ từ chối, nhưng sau đó, lại chấp nhận. Xét cho cùng, những người này tốt hơn những người kia.
Nhận xét đó cho thấy, Chúa nhìn thấy tất cả mọi sự, dù kín đáo, bí mật. Ngài không xét đoán theo vẻ bên ngoài. Ngài không đánh giá theo kiểu con người, với các tiêu chuẩn: sắc đẹp, danh vọng, tiền tài, địa vị…. Ngài thấu hiểu những khát vọng thâm sâu. Ngài thông cảm những giới hạn, yếu đuối. Ngài mong muốn tất cả đều được cứu độ.
Như thế, dụ ngôn muốn nói cho chúng ta biết, Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người đến với Chúa, không trừ ai. Ngài luôn yêu thương, đem hạnh phúc cho loài người. Ngài tạo mọi điều kiện thuận lợi để từng người có thể đáp lại tình yêu của ngài. Tuy nhiên, mời gọi, nhưng không ép buộc. Mong muốn, nhưng không áp đặt. Ngài tôn trọng sự tự do của mỗi người. Ngài chấp nhận sự chọn lựa của từng cá nhân. Ngài tôn trọng quyết định của họ. Không can thiệp. Không phàn nàn, trách móc, giận dữ hay trừng phạt, dù họ theo hay không theo ngài. Bởi vì ngài toàn năng, yêu thương và nhân từ.
Chính vì nhân từ và tôn trọng tự do của con người, nên Chúa luôn chờ đợi tội nhân thống hối, ăn năn. Ngài không chấp nhất lỗi lầm quá khứ. Ngài không cố chấp khi nhìn thấy những sa ngã, yếu đuối. Trái lại, luôn hy vọng và tin tưởng. Luôn xác tín vào cái bản chất hướng thiện của con người. Con người luôn luôn có khả năng thay đổi. Biết rõ tầm quan trọng cũng mối nguy hiểm của tự do, ngài đã cảnh báo, nếu người công chính bỏ đường công chính, thì chắc chắn sẽ phải chết. Còn nếu kẻ có tội thực lòng ăn năn, thì sẽ được sống muôn đời. Bởi vì, cách thế sử dụng tự do sẽ quyết định số phận mỗi người.
Do đó, đối với Chúa, chính việc làm mới đem lại giá trị. Trả lời xin vâng, nhưng không thực hiện, thì không có nghĩa gì cả. Tấm lòng và tình yêu cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Nếu không, chỉ là những lời nói suông. Không có thực. Vì thế, có lần Chúa khẳng định, không phải những ai nói “ Lạy Chúa, Lạy Chúa” là vào được Nước Trời. Nhưng chỉ những ai thi hành thánh ý Chúa Cha mới được vào mà thôi.
Điều an ủi và hy vọng lớn lao cho chúng ta là, khi tuyên bố những người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước các thượng tế và kỳ lão, gián tiếp Chúa Giêsu khẳng định một chân lý: không ai bị kết án vĩnh viễn. Không ai dứt khoát bị loại bỏ. Điều đó hoàn toàn ám hợp với lời Phúc Âm: người trước hết sẽ trở nên sau hết. Và kẻ sau hết sẽ trở nên trước hết. Tất cả đều được thương yêu và cứu chuộc, miễn là biết sẵn sàng đáp lại tình Chúa thương yêu. Khi đó, chỉ có kẻ trước người sau mà thôi.
** Chúa biết rõ chúng ta yếu đuối, nhiều khuyết điểm. Chúa không ngạc nhiên về những thất bại của chúng ta. Chúa chỉ mong chúng ta đừng thất vọng, ngã lòng. Nhưng hãy chỗi dậy, và trở về, đón nhận lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa. Để cùng được hưởng hạnh phúc viên mãn trong tình yêu Thiên Chúa, là Cha chúng ta.