Thứ Năm, 04 Tháng Chín, 2014 00:00
Chúa nhật XXIII A Quanh năm ( Mt 18,15-20 )

Vấn đề đặt ra cho chúng ta là, sự tiến triển của các não trạng càng ngày càng nhạy cảm với sự tôn trọng người khác và sự tự do của họ, có thể thích nghi với việc sửa lỗi huynh đệ có vẽ cứng rắn giống như Chúa Giêsu đề nghị trong Phúc Âm hay không ?

 Ai có thể xác định khi nào những lời dặn dò này của Chúa Giêsu có thể được áp dụng ?

 Làm thế nào đối xử với tội nhân, với người sai lỗi ?

Chúng ta nên nhớ, Chúa Giêsu không dặn dò ngay lập tức những phương thế lớn lao. Ngài không mời gọi tố cáo, mà là đối thoại. Ngài nói với chúng ta rằng, mỗi người trong các môn đệ của ngài được trang bị đủ để gặp gỡ các tội nhân, thuyết phục họ và tranh thủ được họ đưa về với Chúa Giêsu: “ Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em.. Ngài mời gọi chúng ta hãy tin cậy vào sức mạnh mà anh ta có trong mình, và có thể cho phép anh ta chỗi dậy. “ Tranh thủ không có nghĩa là tranh thủ người đó về với niềm tin, cũng không phải với danh nghĩa bạn của bản thân, mà là biết giữ anh ta lại trong cộng đoàn mà anh ta sắp bỏ qua, hay sắp bị loại trừ”. ( TOB ). Đó là lời kêu gọi đến lòng thương xót.

Chúng ta vẫn thường nghe những lời động viên, chẳng hạn như:“ Thật là may mắn cho anh ta được ở trong một môi trường thuận lợi… Nếu anh ta không được nâng đỡ bởi những người thân cận chung quanh, thì…”, đó là những suy nghĩ mang tầm quan trọng của một cộng đoàn nâng đỡ.

Chúng ta không thể trở thành những cộng đoàn môn đệ thực sự của Chúa Giêsu mà không có một trong những thao thức đầu tiên: chớ gì không một ai bị hư mất. Chúng ta phải sẵn sàng trả giá cho điều đó. Khi Chúa Giêsu mời gọi chọn lấy hai, hay ba anh em, ngài tuyệt nhiên không kêu gọi đến một ủy ban trọng tài, nhưng là mời gọi cộng đoàn đi theo con đường của lòng thương xót. Ngài muốn đánh thức trong chúng ta ý nghĩa của tình liên đới cộng đoàn.

Giáo Hội, chính là cộng đoàn mà trong đó, mỗi người phải cảm thấy có trách nhiệm về đức tin của anh em mình. Nếu một người trong họ tách rời ra, thì tất cả mọi vận động dàn xếp phải được thực hiện để đưa anh ta trở về. Chúa Giêsu chuyển giao cho cộng đoàn sứ mạng hoà giải và ơn cứu độ này.

Có phải chính vì thế mà Chúa Giêsu nhấn mạnh:“ Khi hai hay ba người họp lại vì Danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ… Tất cả những lần mà chúng ta họp nhau lại “ trong” danh nghĩa của Chúa Giêsu, thì luôn luôn xảy đến một cái gì đó tốt đẹp. Mỗi lần, những mối liên hệ giữa các môn đệ với nhau được thay đổi, và ngay cả giữa các môn đệ và Chúa Cha. Lời cầu nguyện của họ trở thành không thể cưỡng lại được, một quyền lực được trao ban cho họ và bảo đảm rằng, những hành động của họ được chứng thực trên trời.

Lời khẳng định của Chúa Giêsu “ Tất cả những gì các con cầm buộc dưới đất… tất cả những gì các con tháo gỡ dưới đất…” mời gọi cần phải phân biệt chắc chắn của một quyết định được thực hiện tiếp theo sau một tiến trình của lòng thương xót, bởi vì nó rất nặng nề với những hậu quả rất nghiêm trọng. Khi xảy ra một khó khăn, có phải chúng ta đã nhờ đến những phương thế lớn lao một cách quá nhanh, như: ly khai, trục xuất, cắt đứt liên lạc với một đứa con hay với một người bạn hay không ?

Đây là một dịp rất tốt để chúng ta nhìn lại về cách ứng xử của chúng ta với những Anh Chị Em yếu đuối. Những cộng đoàn kitô hữu chúng ta phải chăng luôn luôn có sự thao thức về những người lầm đường lạc lối hay không ?

Chúng ta có tin cậy vào tình liên đới “ trong” danh nghĩa của Chúa Giêsu không ?

Chúng ta ý thức về tính cách thời sự của Lời Chúa hôm nay, đã cung cấp cho chúng ta những phương thế để giải đáp những hoàn cảnh bế tắc không ?

Hỏi tức là đã trả lời rồi vậy.

( Bài đọc thêm)

Trách nhiệm về người anh em

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Trong quyển sách về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện sau đây:

Ngày kia khi Đức Giám Mục Amolas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với Ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống.

Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án. Thấy Giám Mục Amôlas đến, họ xúm lại vây quanh Ngài và nói: hôm nay Ngài đã đến đây thì Ngài phải chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia.

Sau khi nghe những lời kết án gây gắt của dân làng, Giám Mục Amôlas quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau. Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, ông ta hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một cái thùng gỗ rỗng.

Đức Giám Mục là người đầu tiên đến trước túp lều, và cũng là người đầu tiên bước chân vào. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình tình. Ung dung, Ngài đi thẳng đến chỗ ngồi ngay trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân, nơi người phụ nữ ẩn trốn. Rồi bình thản khoát tay gọi dân làng vào và bảo:

- Vào đây, các người hãy vào mà lục xét túp lều để tìm người phụ nữ. Khi họ không tìm đâu ra bóng dáng người đàn bà, Đức Giám Mục mới nói:

- Bây giờ các ngươi phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ.

Nhưng sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, Đức Giám Mục Amôlas tiến gần vị ẩn tu, nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói:

- Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy!

 

 

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com