Thứ Tư, 06 Tháng Tám, 2014 00:00
Chúa nhật XIX Quanh năm A (Mt 14, 22-36).

Câu hỏi đặt ra là: Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì trong câu chuyện trên đây?- Biển cả, bảo táp, các tông đồ sợ hãi, ngày nay có ý nghĩa gì?- Chúng ta có thể áp dụng điều gì đối với đời sống chúng ta ?-

Câu chuyện biến bánh và cá hóa ra nhiều trước đó có một sự liên hệ chặt chẻ với biến cố này. Trước đám đông khoảng năm ngàn người, vào thời điểm mà sự chán nản sắp xâm nhập vào đám đông, bởi vì các tông đồ không còn có một phương thế nào khác để nuôi ăn họ, Chúa Giêsu can thiệp, và từ sự nghèo nàn, thiếu thốn, ngài làm nảy sinh sự phong phú, dư dật. Trong câu chuyện bảo táp được làm cho yên lặng, vào cái lúc mà các tông đồ giống như là bị cơn bạo lực của những ngọn sóng và cuồng phong khuất phục, Chúa Giêsu can thiệp, và từ sự nghèo nàn, yếu đuối của họ, ngài làm nảy sinh sự phong phú, sức mạnh và quyền năng.

Kinh nghiệm cho thấy. Chúng ta khó lòng chấp nhận những sự nghèo nàn, yếu đuối của chúng ta, hoặc là về phương tiện, hoặc là về nhân sự. Quá quen với tất cả những gì là to lớn và đầy đủ, chúng ta như là bị tước đoạt hết khi không có một số lượng đáng kể. Hơn bao giờ hết, khi chúng ta được kêu gọi chèo chống ngược dòng, biểu dương những giá trị không phải là những giá trị của xã hội, thì tất cả giống như là bảo táp trên biển cả.

Biển động, đó chính là những mãnh lực của sự ác đang hoạt đông trên thế giới. Nỗi sợ của các tông đồ, chính là nỗi sợ của chúng ta. Những sự sợ hãi của chúng ta đến từ sự thiếu đức tin và lòng trông cậy vào Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ gặp được ngài trong sự thiện, thế nhưng chúng ta không hình dung là cũng sẽ gặp ngài trong sự dữ. Chúng ta sợ phải chọn lựa: đối với Giáo hội điạ phương, chọn lựa những phương pháp mục vụ, chọn lựa trong những phong trào thần học đang lan tràn trong xã hội… Các cá nhân, các gia đình, các cộng đoàn thì sợ chiến tranh, bạo lực, bất công, không tôn trọng quyền con người, sợ một sự khinh bỉ nào đó đối với sự sống, các tệ nạn xã hội…

Ngày nay cũng vậy, chính Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước lên thuyền như ngài đã mời gọi các tông đồ ngày xưa. Ngài mời gọi chúng ta đấu tranh chống lại những cơn sóng dữ, chèo chống ngược chiều, đang khi đề nghị những giá trị mà thế gian không biết đến. Ngày nay cũng vậy, cũng chính Chúa Giêsu bước đi trên mặt nước của những mãnh lực sự dữ. Ở những nơi mà dường như ngài vắng mặt, ngài lại hiện diện một cách rõ ràng, cụ thể. Ngài tin cậy nơi chúng ta. Ngài đi trước chúng ta.

Điều gây ngạc nhiên trong câu chuyện này, chính là các tông đồ không nhận ra Chúa Giêsu. Các ông nghĩ ngài là một bóng ma. Thật khó mà cảm nghiệm được rằng, ngài rất gần gũi và chúng ta không nhận ra ngài. Thật là bình thường, khi Chúa Giêsu rảo bước trên mặt nước. Thật là thích hợp với tất cả những gì ngài thực hiện. Thế nhưng, điều càng gây ngạc nhiên hơn, chính là Chúa Giêsu có thể chuyển thông quyền năng của ngài cho Phêrô. Và Phêrô trở nên mạnh mẽ nhờ quyền năng này cho tới khi ông bắt đầu hòai nghi.

Nhờ đó, chúng ta biết rằng, chúng ta trở nên mạnh mẽ nhất đối với bảo táp, chúng ta có đầy đủ sức mạnh nhất để đương đầu với cơn sóng thần, là khi chúng ta gắn bó với Thiên Chúa một cách mật thiết hơn hết. Chúng ta bắt đầu chìm sâu xuống, khi chúng ta mất niềm tin cậy vào Chúa Giêsu. Giống như Phêrô, chúng ta sắp xuôi tay. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta:“Hãy tin cậy ! Thầy đây, đừng sợ!”.

Bão táp yên lặng, điều đó hoàn toàn giống như một kinh nghiệm mục vụ trong những hoàn cảnh khó khăn. Chúa Giêsu ra lệnh cho các tông đồ vượt biển. Ngài nhận ra rằng, các ông có khả năng đón nhận một kinh nghiệm quý báu, một sự khám phá mới mẻ: Chúa Giêsu hiện diện ở giữa sự dữ và sự ác. Ngài đã đi trước các ông.

Đó cũng phải là cảm nghiệm của chúng ta.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com