Vào giai đoạn cuối của cuộc hành trình thực hiện ơn cứu độ, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đào tạo, huấn luyện các môn đệ. Ngài giúp các ông có một cái nhìn đúng đắn về Đấng Cứu Thế. Ngài hướng dẫn các ông con đường đích thực để có thể đem lại hạnh phúc sung mãn cho mọi người. Ngài mời gọi các ông hãy tiến bước theo ngài trên con đường thập giá để có thể xứng đáng là môn đệ của ngài.
Các môn đệ tuyên xưng ngài là Đấng Cứu Thế. Thế nhưng, giống như những người đương thời, các ông đã có một quan niệm không đúng về Đấng đang được mong đợi. Các ông nghĩ, đó phải là một vị anh hùng sẽ dùng binh lực và chính trị đánh đuổi những kẻ xâm lược ra khỏi quê hương đất nước. Trong khi đó, Chúa Giêsu đem đến một hình ảnh hoàn toàn khác. Đấng Cứu Thế là Đấng khiêm nhường, yêu thương, hy sinh, phục vụ và hiến thân để giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Ngài chỉ cho biết đâu là tôn giáo đích thực mà con người cần phải sống để làm vui lòng Thiên Chúa và nhờ đó, có thể đi đến với ngài. Ngài lần lượt đưa các ông đi từ thứ tôn giáo mà con người tạo ra đến đời sống tôn giáo như Thiên Chúa mong muốn, từ thứ tôn giáo ấu trĩ đến tôn giáo trưởng thành, từ thứ tôn giáo của Cựu Ước đến tôn giáo tình yêu của Phúc Âm.
Tôn giáo ấu trĩ là của những người nghĩ rằng, Thiên Chúa toàn năng, chạy đến cầu nguyện với ngài để nhận được những lợi lộc, ưu đãi. Có phải chính vì thế mà đã có lần các môn đệ có ý tranh nhau địa vị cao thấp ?- Có phải chính vì thế mà chúng ta mong muốn Thiên Chúa phải là Đấng luôn làm theo ý chúng ta, mỗi khi chúng ta cầu nguyện ?- Đó là một thứ tôn giáo trục lợi, hiệu quả, thực dụng. Trong khi đó, tôn giáo trưởng thành thì tập trung vào chính Thiên Chúa. Bởi vì, được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì nào được ích lợi gì ?- Đó là những người chú tâm tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa, chứ không phải lợi lộc cá nhân riêng mình. Họ biết rằng, thực hành việc đạo đức trước hết là sống Phúc Âm. Cuộc sống của họ là ơn huệ Thiên Chúa trao ban, nên họ không ngại phải liều mất mạng sống vì ngài.
Tôn giáo ấu trĩ và thuần túy nhân loại là thứ tôn giáo mơ ước tạo dựng thiên đàng trên mặt đất. Tất cả các môn đệ chắc chắn đã tưởng tượng như thế. Họ không bao giờ hình dung Thầy của họ một ngày nào đó sẽ bị biến dạng khủng khiếp và bị đóng đinh vào cây gỗ giá. Chính vì thế mà phản ứng của Phêrô không làm chúng ta ngạc nhiên. Ông can ngăn Chúa đừng thực hiện chương trình của Thiên Chúa. Ông từ chối chấp nhận Đấng Cứu Thế phải chịu sỉ nhục, và chết tức tưởi, thảm thương. Trong khi đó, tôn giáo trưởng thành là của những ai biết rõ, con cái Chúa không được đào tạo trong tiện nghi và thành công, nhưng trong những giá trị cao sâu của thập giá và thất bại. Thập giá hiện diện trong cuộc sống đời thường, trong những thử thách không được báo trước. Ngay cả khi khó mà chấp nhận, thập giá vẫn luôn luôn là phương tiện bình thường cho sự phát triển của chúng ta.
Sẽ là ấu trĩ khi nghĩ rằng, trong tôn giáo, con người tìm thấy một thứ dầu bôi trơn, một thứ an toàn trước nỗi lo lắng về cái chết, một giải pháp cho tất cả những nhu cầu cần thiết. Trong khi đó, người trưởng thành trong tôn giáo biết rằng, niềm vui sẽ có được khi biết vượt qua chính mình. Thiên Chúa đến đặt trong chúng ta một nỗi khát khao êm dịu, nhưng bùng cháy, để chúng ta luôn luôn tiến bước xa hơn trên con đường tìm kiếm ngài.
Thiên Chúa bảo chúng ta cứu lấy sự sống, đừng làm mất, nhưng rõ ràng là có một sự trái ngược. Chúng ta tìm thấy sự sống khi vui lòng đánh mất nó, khi tự nguyện dâng hiến. Chúng ta mong muốn một tôn giáo vị lợi. Thế mà, càng tỏ ra “ nhưng không”, thì chúng ta càng nhận được nhiều hơn. Bởi vì, Thiên Chúa vô cùng quảng đại. Chúng ta mong muốn một tôn giáo phô trương, thanh thế. Thế mà, Chúa lại muốn chúng ta khiêm nhường, nhân ái. Chúng ta muốn một tôn giáo thỏa mãn. Thế mà, Chúa lại mời gọi chúng ta, chính lúc cho đi là khi lãnh nhận. Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.
Có hai vị ẩn sĩ lên đường hành hương. Một vị chủ trương cần phải có tiền bạc và những phương tiện vật chất đầy đủ, thì mới bảo đảm được cho đời sống tu trì. Còn vị kia thì luôn tin tưởng vào tinh thần từ bỏ và sự quan phòng của Chúa.
Vừa đi hai vị vừa tranh luận với nhau mà chẳng ai thuyết phục được ai. Khi họ đến bên bờ một dòng sông thì trời bắt đầu tối. Vị có tinh thần từ bỏ liền đề nghị:
- Vì không có tiền, chúng ta không thể thuê được đò. Nhưng thôi, tại sao chúng ta lại lo lắng quá nhiều đến thế. Chúng ta hãy nghỉ đêm ở bên này và dâng lời chúc tụng Chúa. Sáng mai thế nào chúng ta cũng tìm ra người giúp chúng ta qua sông một cách an toàn.
Thế nhưng, vị tin tưởng vào sức mạnh của tiền bạc và những phương tiện vật chất liền quả quyết như sau:
- Ở bên này sông thì không có làng mạc và thú dữ sẽ tấn công chúng ta bất kỳ lúc nào. Hơn thế nữa, làm sao chúng ta chịu đựng nổi cái lạnh của đêm nay? Bên kia sông, chúng ta sẽ nghỉ đêm an toàn trong một quán trọ. Tôi có mang theo tiền và chúng ta hãy thuê người chèo đò qua sông.
Khi hai người đã qua sông, vị tu sĩ trả tiền cho người lái đò và nói với người bạn của mình như sau:
- Anh đã thấy được ích lợi của việc giữ tiền trong túi chưa? Điều gì sẽ xảy ra nếu như tôi cũng sống tinh thần từ bỏ như anh?
Nghe thế, vị tu sĩ luôn sống tinh thần từ bỏ liền mỉm cười và nói:
- Chính tinh thần từ bỏ của anh đã cứu sống chúng ta. Anh đã không tiếc tiền để thuê người lái đò là gì? Hơn thế nữa, mặc dù không có một đồng xu dính túi, nhưng tôi cũng vẫn được qua sông, vì Chúa lo liệu cho tôi.