Thoạt nghe qua, chúng ta thấy, không phải là không có lý, khi những người thợ đến làm việc từ sáng sớm lẩm bẩm, trách móc chủ vườn nho. Họ đã vất vả cực nhọc, chịu đựng nắng nôi, nóng bức suốt một ngày. Ay thế mà, họ cũng chỉ nhận được một đồng tiền bằng những người mới đến có một giờ. Như thế có phải là thiếu công bình hay không ?
Thông thường, để có công bình, thì tiền lương phải đủ cho người thợ sống tương đối thoải mái, phải thích hợp với công việc, với thời gian làm việc, với chất lượng và trách nhiệm liên hệ. Hiểu như thế, thì rõ ràng ở đây không có sự bất công. Nếu công bình hệ tại ở việc phải trả điều gì mình mắc nợ, của ai thì trả cho người ấy, thì những người thợ làm việc suốt ngày đã lãnh lấy đủ phần của mình, tiền luơng của một ngày, theo như thỏa thuận là một đồng. Đó là công bình. Còn những người chỉ làm một buổi, thậm chí có một giờ, nhận lấy tiền lương của một ngày, thì điều đó vượt quá sự công bình, là một quà tặng, mà không làm thiệt hại gì những người đầu tiên.
Hơn nữa, những người đến trước, tuy phải chịu đựng nắng nôi, mệt nhọc suốt một ngày, nhưng bù lại họ có được niềm vui, vì biết rằng, mình đã có việc làm, đã có một số tiền lương chắc chắn. Những người đến sau, tuy không làm việc vất vả, nhưng họ lại bị đè nặng bởi nỗi lo thất nghiệp, bởi nỗi ưu tư vì có nguy cơ không tìm ra cơm bánh hằng ngày cho mình và gia đình mình. Còn ông chủ, là một người có lòng bác ái và quảng đại, ông đã tự ý trả cho tất cả mọi người thợ một số lương giống nhau, để giúp họ nuôi sống chính mình và những người thân trong gia đình. Như thế, ông là một người tốt bụng, rộng rãi và nhân từ.
*** Với dụ ngôn trên đây, thực ra Chúa Giêsu không chủ ý dạy chúng ta một bài học về công bình xã hội, hay về lòng bác ái. Mà ngài chỉ muốn trả lời cho những người biệt phái đang bất bình, phật ý, khi thấy ngài niềm nở đón tiếp những người tội lỗi ăn năn thống hối. Họ là những người suốt đời phải chịu đựng gánh nặng của Lề Luật theo kiểu của họ mà kết án người khác. Ngài muốn tỏ cho họ biết lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với tất cả những ai đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, cho dù có chậm trễ, muộn màng hơn những người khác. Đồng thời, ngài cũng muốn giúp cho mọi người hiểu rõ, không có gì có thể so sánh được với hạnh phúc thiên đàng.
Hạnh phúc thiên đàng dành cho những ai muốn vào làm vườn nho của ngài, vào Nước Thiên Chúa, vào Hội Thánh của ngài. Xét cho cùng, chúng ta không có quyền đòi hỏi gì cả. Nhưng sở dĩ ngài mời gọi chúng ta, chỉ là vì tình thương yêu, để trao ban cho chúng ta một món quà tuyệt vời một cách “ nhưng không”, miễn phí. Và nều chúng ta có phải chịu đựng nắng nôi suốt ngày, tức là cả một cuộc đời dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, thì điều đó không có nghĩa lý gì đối với hạnh phúc vĩnh cửu thiên đàng.
Điều đó cũng muốn nói lên rằng, không bao giờ là quá muộn trước lời mời gọi cuủa Thiên Chúa. Nhưng muốn đón nhận phần thưởng của ngài, nhất thiết là chúng ta phải đáp lại tình yêu của ngài. Tuy nhiên, đừng vì thiếu khôn ngoan mà đợi đến giờ phút sau cùng; bởi vì, chúng ta không biết được, khi nào là giờ sau hết của chúng ta.
Và nếu Chúa hứa ban vinh quang thiên quốc như là phần thưởng tuyệt hảo, thì cũng đừng quên rằng, mỗi người sẽ hưởng được vinh quang đó, tùy theo tình yêu và lòng quảng đại của mình đối với Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy tìm kiếm Thiên Chúa khi còn thời gian, và hãy nhiệt tình dấn thân, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả trong cuộc sống đời thường, để tiến bước theo ngài trong sự phó thác tin tưởng vào tình yêu thương của ngài. Nhờ đó, xứng đáng được hưởng hạnh phúc với ngài.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong cuốn sách mang tựa đề: “Người đó, chính là bạn”, cha Louis Evely đã kể một câu truyện sau đây:
Trong một vở kịch, nhà đạo diễn Jean Anouilb đã dàn dựng cảnh ngày phán xét chung theo như ông tưởng töôïng: Những kẻ lành đang đứng trước cửa vào thiên đàng, chật ních, chen lấn để vào, chắc chắn thế nào cũng có chỗ sẵn. Hồi hộp, sốt ruột…
Nhưng, bỗng nhiên, người ta bắt đầu xì xầm với nhau: “Hình như Thiên Chúa cũng tha thứ cho mấy người đứng bên kia nữa”. Thế là họ lại phải một mẻ ngẩn người ra. Họ nhìn nhau, không thể hiểu được. Họ la ó, phản đối. Họ bất mãn… “Vậy thì cần gì phải hy sinh khó nhọc cả đời…”. “Tôi mà biết vậy thì tôi đã ăn chơi cho đã đời…”.
Gan mật họ sôi lên. Họ bắt đầu kêu la trách móc Thiên Chúa, và cũng chính lúc đó, họ bị đày xuống hỏa ngục.
Cha Louis Evely giải thích: ‘Giờ phán xét đã điểm: họ đã tự xét xử lấy họ, đã tự tách mình ra khỏi hạnh phúc của Chúa. Tình yêu đã biểu hiện cho họ, nhưng họ đã từ chối không nhận tình yêu: “Tôi từ chối không chấp nhận cái thứ thiên đàng mà người ta vào như chợ. Tôi phản đối Thiên Chúa đã tha cho hết mọi người. Tôi không thích Thiên Chúa yêu thương cách mù quáng như thế”. Vì họ không thích Tình Yêu, nên họ không nhận ra được Tình Yêu. Chỉ có Tình Yêu mới làm những chuyện như thế. Với Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng để đón nhận những chuyện bất ngờ như vậy”.