Thứ Sáu, 12 Tháng Chín, 2014 00:00
Chúa nhật XXIV Quanh Năm A - Suy Tôn Thánh Giá – Ga, 13-17

Đối với người kitô giáo, Thánh giá là huy hiệu, là dấu chỉ để nhận biết nhau. Bất cứ nơi nào trên thế giới, khi gặp bất cứ người nào làm dấu Thánh giá trên mình, thì chúng ta biết chắc chắn là người đó là kitô hữu. Như thế, Thánh giá là dấu chỉ để nhận biết, là dấu chỉ cho biết, chúng ta thuộc về Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh vinh quang.

Tuy nhiên, chúng ta hãy ý tứ, tránh đừng để cho người khác hiểu lầm rằng, thánh giá là một dấu chỉ bệnh hoạn, hay đừng chỉ nhìn ra nơi đó như là một nhắc nhớ cần phải hy sinh trong suốt cuộc đời chúng ta.

Người ta không bao giờ đi tìm kiếm sự đau khổ vì đau khổ, làm như là điều đó làm Chúa vui lòng. Bởi vì, Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta để chúng ta được hạnh phúc. Chính Chúa Giêsu không mong muốn thập giá. Bởi thế, trong đêm hấp hối tại vườn Cây Dầu, ngài đã cầu khẩn thiết tha: “ Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho chén đắng này xa khỏi con”.

Sáng ngày thứ sáu Tuần Thánh, không phải chính ngài đã chọn thập giá, mà là người ta đã đặt lên vai ngài. Hơn nữa, buổi sáng hôm đó, ngài đã có thể dễ dàng tránh khỏi thập giá. Trước câu hỏi, ngài có phải là Con Thiên Chúa hay không, ngài chỉ cần trích lời Kinh Thánh, nói rằng, mình là con Thiên Chúa, theo nghĩa là thuộc dòng dõi của Abraham, như bao nhiêu người Do thái khác, thì mọi sự sẽ ổn thỏa… Ngài chỉ cần làm giảm nhẹ cái căn tính của ngài trong niềm tin của dân tộc ngài… Ngài chỉ cần nói dối về lý lịch đích thực của ngài là xong. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không bao giờ muốn nói dối, cũng không bao giờ muốn đánh lừa chúng ta, cũng không bao giờ gian lận. Ngài luôn trung thành với chính mình, với Chúa Cha, và với chúng ta, cho dù có khổ sở đến thế nào đi nữa.

Thập giá, ngài đã không tìm kiếm nó. Thập giá là kết quả của lòng trung tín của ngài. Vì thế, thập giá là dấu chỉ, là bắng chứng của lòng trung thành của Chúa Giêsu. Thập giá là dấu chỉ, là bằng chứng mà chúng ta có thể trông cậy nơi ngài, tin tưởng nơi ngài.

Đối với chúng ta, khi chúng ta muốn trung thành với những niềm xác tín của mình, trung thành với những quyết tâm, với chính mình… thì nhất thiết chúng ta sẽ gặp những sự phiền toái, khó khăn, chống đối và đau khổ: đó chính là thập giá của chúng ta, và đó cũng là sự chọn lựa của chúng ta. Không phải là một thập giá được mong muốn, mà là một thập giá được chấp nhận để khỏi phải từ chối điều rất quan trọng với chúng ta, để khỏi phải từ chối điều khích lệ chúng ta và làm cho chúng ta sống. Đó là Tin Mừng Cứu Độ, là Hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn trong Tình yêu Thiên Chúa.

 Hãy nhìn những người đấu tranh cho Nhân quyền ở khắp nơi đây đó, mà người ta vẫn thường gán cho danh nghĩa là ly khai, bất đồng chính kiến trong những đất nước do các nhà bạo chúa cai trị, hay trong các chế độ độc tài, toàn trị. Hãy nghĩ đến những người đang phải chịu hình phạt tù đày, giam hãm, hành hạ cho đến chết, vì muốn sống cho Niềm Tin vào Đức Kitô. Hãy nghĩ đến những người vì không muốn buông mình cho những thói tục thường tình của xã hội, cho những trào lưu thấp hèn, sa đọa, với những thứ hạnh phúc phù hoa, giả trá, chóng qua… đã lội ngược dòng, khi có một đời sống không giống với đám đông thiếu niềm tin. Vẫn còn đó rất nhiều người, vì không muốn chỗi bỏ lý lịch Kitô hữu của mình, sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi, mất mát trong cuộc sống đời thường… Đó là thập giá của họ. Đó là cái giá phải trả cho lòng trung thành với lý tưởng và niềm xác tín của họ. Và dĩ nhiên, chỉ cần để ý một chút, chúng ta cũng nhận thấy thập giá có mặt thường xuyên trên con đường chúng ta đi, nếu chúng ta muốn bước theo Đức Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta.

Mừng lễ Suy Tôn Thập giá, dấu chỉ của lòng trung thành và tình yêu nguyên vẹn của Chúa Giêsu, chúng ta hãy nghĩ đến thập giá của riêng chúng ta: những thập giá mà chúng ta thích tránh né, hay những thập giá mà chúng ta đã chấp nhận, bởi vì chúng ta trung thành với những quyết tâm của chúng ta, nhất là những thập giá mà chúng ta đang mang trong thân xác hay trong tâm hồn chúng ta. Những thập giá này xây dựng đức tin chúng ta, xây dựng con người chúng ta và làm chúng ta lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến. Đó là những thập giá đưa đến sự sống đời đời.

Hãy dâng lên Chúa những thập giá này, và xin Chúa ban ơn can đảm để có thể vác thập giá bước đi theo Chúa đến cùng. Bởi vì đó chính là con đường đưa đến Hạnh phúc của chúng ta.

 

( Bài đọc thêm )

          1. Suy tôn thánh giá Chúa.

Dưới thời hoàng đế Hérachius I, những người Ba tư xâm chiếm Giêrusalem và lấy mất phần chính của thánh giá thật mà thánh Hélène, mẹ của hoàng đế Constantin đã để lại. Hérachius nhất định chiếm lại thánh giá này. Ngài cầu nguyện, xin Chúa giúp đỡ và nung nấu lòng can đảm. Quả nhiên, lời cầu xin của vua dược Chúa chấp nhận, ngài đã đánh bại được quân Ba tư và trở về Constantinople giữa tiếng reo hò của dân chúng. Với những cành olive, những ngọn đuốc cháy sáng, thánh giá thật của Chúa được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Hoàng đế tràn trề sung sướng muốn trở về Giêrusalem với thánh giá này sau mười bốn năm lưu lạc.

            Nhà vua tiến vào thành thánh, nhưng trước khi lên núi Sọ, ngài đã không thể bước đi được nữa, khiến cho mọi người đều kinh ngạc sợ hãi. Giáo trưởng Zacharie hô lớn :”Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không xứng hợp với cảnh nghèo nàn và khiêm nhường của Chúa Giêsu khi vác thánh giá”. Hérachius vội cởi bỏ mọi phẩm phục sang trọng, và thay vào bằng bộ áo quần nghèo hèn.  Tức thì nhà vua cất bước một cách dễ dàng... và để tỏ ra sự khải hoàn, Chúa đã ban nhiều phép lạ cả thể trong ngày ấy.

            Từ đó, lễ kính thánh giá Chúa Giêsu được lập ra để nhắc nhở cho các thế hệ kỷ niệm này.

            2. Cây khổ giá của Chúa.

            Theo nhiều nhà nghiên cứu Thánh kinh, người ta cho biết một số đặc điểm về cây thánh giá ấy.  Cây thánh giá này bằng gỗ tùng rất nặng. Cây dọc 4 thước rưỡi,

 cây ngang 2 thước rưỡi, nặng 100 ký. Vác kéo lê thì giảm sức nặng đi 30 ký.  Như vậy, Chúa còn bị sức nặng 70 ký đè trên thân xác yếu ớt vì đòn vọt,  và vác khệ nệ trên con đường dai 700 thước.  Quãng giữa thánh giá, thường đóng một miếng gỗ để tội nhân tì mông vào cho dễ đóng đinh, và đóng mỗi chân một đinh.  Nay các nhà kỹ thuật đã hạ miếng gỗ đó xuống làm đế đỡ chân,  và hai chân đóng chụm lại cho đẹp.

 

 ( Lm Giuse Đinh Lập Diễm)

Thánh Giá Cuộc Đời

Người ta thường mượn câu chuyện sau đây để nói đến tinh thần hy sinh, chấp nhận trong cuộc sống.

Có một người kia cứ phàn nàn trách Chúa vì đã gửi đến cho mình một thập giá quá nặng... Chúa bèn đưa người đó đến một cửa hàng có các thập giá đủ cỡ để người đó chọn lựa.Người đó hăm hở bước vào cửa hàng và dựng cây thập giá của mình vào tường. Người đó tự nhủ trong lòng: "Đây là chuyện cả đời người, ta phải hết sức cẩn thận". Thế là anh ta đi rảo khắp hết mọi lối đi của cửa hàng và thử hết cây thập giá này đến cây thập giá khác.

Nhưng không có một cây nào làm anh vừa lòng. Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn. Cây thì quá nhẹ, cây thì quá nặng... Anh lại tiếp tục tìm kiếm. Cuối cùng, anh đã tìm được cây thập giá mà anh cho là ưng ý nhất. Anh mang đến với Chúa và nở nụ cười mãn nguyện: "Lạy Chúa, đây chính là cây thập giá mà con hằng tìm kiếm. Con xin vác lấy".

Khi anh vừa hí hửng ra khỏi cửa hàng, thì Chúa mỉm cười nói với anh: "Ta rất vui mừng vì con đã chấp nhận cây thập giá. Đây cũng chính là cây thập giá mà con đã vác vào và dựng ở tường của cửa hàng".

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com