Thứ Sáu, 12 Tháng Chín, 2014 00:00
Chúa Nhật XXIV Quanh Năm A (Mt 18, 21-35)

Tha Thứ

Với dụ ngôn trên đây, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta hiểu rằng, tất cả chúng ta đều là những con nợ không thể nào hoàn trả được của Thiên Chúa. Còn những xúc phạm của anh em đối với chúng ta thì chẳng đáng là gì cả. Nếu không biết tha thứ cho anh em những chuyện nhỏ nhặt, thì làm sao chúng ta lại cả dám xin Chúa thứ tha những tội lỗi không thể nào kể xiết được của chúng ta.

Ngài cảnh báo chúng ta. Chúng ta chỉ có thể đón nhận được ơn tha thứ, khi mà chúng ta cũng biết tha thứ cho anh em. Chính vì thế mà, trong kinh Lạy Cha, ngài dạy chúng ta cầu nguyện: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Hơn nữa, chúng ta đối xử với anh em thế nào, thì trong ngày phán xét, ngài cũng sẽ đối xử với chúng ta như vậy. Nếu chúng ta khoan dung với anh em, thì Thiên Chúa sẽ độ lượng với chúng ta.

Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu tha thứ như thế nào ?

- Bởi vì,

Tha thứ không có nghĩa là quên đi, không nhớ đến. Người ta có thể tha thứ, mà vẫn còn tiếp tục đau khổ trong tâm hồn vì những xúc phạm đụng chạm đến mình.

Tha thứ không phải là hèn nhát. Theo đó, sở dĩ người ta không trả đũa, đánh trả lại, là vì sợ hãi kẻ khác. Chúa Giêsu không mời gọi chúng ta trở nên hèn nhát, mà dạy chúng ta hãy làm hoà với nhau. Tha thứ cũng không có nghĩa là cam chịu để mình bị bóc lột, chèn ép, chà đạp, mà không phản ứng gì cả. Thái độ đó, thay vì đưa đến sự hoà giải, lại có khuynh hướng cổ vũ sự dữ và tính bất lương của người khác.

Tha thứ đích thực là bỏ qua, không trách cứ những lỗi lầm, xúc phạm, vì lòng kính mến Thiên chúa và yêu thương anh em. Tha thứ phải bắt đầu từ tâm hồn, tha thứ từ bên trong, cố gắng thay đổi những ý nghĩ thù hận luôn nảy sinh trong chúng ta. Đồng thời, hãy cố gắng đi bước trước, hãy tìm cách đến với anh em, với hy vọng giúp đỡ anh em thay đổi tâm hồn.

Dĩ nhiên, chúng ta đừng có ảo tưởng là mọi việc sẽ dễ dàng. Sự hoà giải thường là những công việc dài hơi, tốn sức. Phải kiên trì, bền bỉ, hy sinh thì mới thành công. Thường khi đòi hỏi một sự can đãm phi thường để có thể tự vượt qua chính mình mà tha thứ cho anh em.

Chúng ta cũng đừng quên rằng, hoà giải thực sự là một ơn huệ Chúa ban. Cũng giống như khi chúng ta lãnh nhận bí tích giải tội để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, việc xá giải của linh mục không phải là một cái giẻ lau lau sạch những lỗi lầm của chúng ta một cách máy móc, mà chính là một ơn huệ của Chúa, ơn phục sinh. Cho nên, chúng ta cần phải cầu xin sự trợ giúp của Chúa để có thể thực hiện sự tha thứ.

 

*** Mẫu gương đẹp nhất của sự tha thứ, chính là việc Chúa Giêsu tha thứ cho Phêrô sau khi ông đã hèn nhát, sợ hãi chối Thầy ba lần. Khi sống lại, Chúa Giêsu đã mở lời cho Phêrô: Phêrô, con có yêu mến Thầy không ? - Ba lần Phêrô đáp: Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy. Bầy giờ, Chúa Giêsu nói tiếp: Con hãy là chủ chăn đoàn chiên của Thầy, hãy săn sóc Hội Thánh của Thầy. Khi trao lại cho Phêrô tất cả sự tin tưởng, tín nhiệm, Chúa Giêsu đã làm cho ông trở nên con người mới, con người đã được biến đổi. Bằng sự tha thứ của ngài, Chúa Giêsu đã giúp cho Phêrô có cơ hội tốt trở nên một vị đại thánh. Như thế, khi tha thứ, chúng ta sẽ mở một con đường rộng rãi, giúp anh em trở lại, sống tốt hơn, nhưng đồng thời, cũng giúp chúng ta luôn giữ được sự bình an trong tâm hồn, luôn sống trong tình yêu Thiên Chúa, bảo đảm được hạnh phúc viên mãn trong Nước Chúa. Chúa là Đấng luôn luôn yêu thương và tha thứ cho chúng ta.

 

Tha thứ là được thứ tha

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Liền sau Thế chiến thứ hai chấm dứt, bà Corrie-Ten-Boom, với những vết thẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình mà bà phải chịu trong trại tập trung Đức Quốc Xã, đã dấn thân đi khắp các nước Âu Châu để rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình. Bà rao giảng sứ điệp tha thứ với niềm xác tín là chính mình đã thực sự tha thứ cho tất cả những ai đã hành khổ bà trong trại tập trung.

Nhưng vào trong một ngày Chúa Nhật kia, sau khi đã kêu gọi mọi người tha thứ cho nhau trong nhà thờ của thành phố Munich, ở Đức, bước ra ngoài, bà Corrie-Ten-Boom bất ngờ đối diện với một gương mặt quen thuộc, đó là dung mạo của người lính đã hành khổ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn phút chốc xuất hiện trong tâm trí bà. Những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí bà. Người đàn ông tiến lại gần khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt lấy tay bà vừa nói: “Thưa bà, tốt rất cảm ơn những lời đẹp đẽ bà đã kêu gọi cho sự tha thứ, xin bà tha thứ cho tôi”.

Lúc đó, bà Corrie-Ten-Boom như chết điếng người, vì trước đây nhiều lần bà đã cầu nguyện và đã nhất quyết với Chúa là đã tha thứ thật sự cho kẻ hành khổ mình, nhưng giờ đây phải đối diện với một người cụ thể đã từng tra tấn mình, bà Corrie-Ten-Boom đứng lặng im, hai bàn tay không thể nào đưa ra bắt lấy đôi tay của người đến xin bà tha thứ.

Sau này, vào năm 1971, khi kể lại biến cố trong tập sách có tựa đề: “Nơi ẩn trốn”, bà Corrie-Ten-Boom đã cho biết như sau: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa một lời cầu nguyện thầm: “Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó, bà đã hiểu là con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình thương yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com