Vào buổi chiều ngày hôm trước khi chịu Thương Khó, Chúa Giêsu ngồi vào bàn ăn với các môn đệ, ngài chia sẻ với các ông một bữa ăn bản chất tôn giáo, mà ý nghĩa rất phong phú. Đó là bữa ăn Vượt Qua, được cử hành mỗi năm một lần, trong tất cả các gia đình và trong tất cả các cộng đoàn thân hữu. Bữa ăn này có hai mục tiêu.
Trước hết, nó nhằm nhắc nhớ một biến cố căn bản đối với Dân của niềm tin. Một biến cố mà chính Thiên Chúa yêu cầu phải giữ trong ký ức: đó là sự giải thoát ra khỏi đất Ai Cập.
Chúng ta biết rõ biến cố này. Bị lưu đày, Dân Chúa sống tại Ai Cập suốt 400 năm. Lúc đầu, tất cả mọi sự đều tốt đẹp. Thế nhưng, với thời gian, những mối tương giao giữa những người Do Thái và người Ai Cập đã trở nên tồi tệ. Người Do Thái càng ngày càng bị bóc lột. Thực tế họ bị coi như là nô lệ, và bị sử dụng như là những người nô lệ. Vì vậy, ngày qua ngày, ho cầu nguyện xin Thiên Chúa đến cứu giúp.
Thiên Chúa đã nghe tiếng họ kêu xin, và sai Môisen đến với họ. Môisen đã tổ chức cuộc giải phóng. Chúng ta biết những chặng đường quan trọng đánh dấu biến cố đặc biệt này. Mười tai họa tại Ai Cập, cuộc vượt qua Biển Đỏ, cuộc hành trình dài suốt 40 năm trong sa mạc, rồi tiến vào Đất Hứa. Bữa An Vượt Qua nhắc nhở tất cả những điều đó.
Bữa ăn này còn có một mục tiêu thứ hai. Nó muốn làm cho các thành phần Dăn Chúa ý thức rằng, cuộc giải thoát khỏi Đất Ai Cập chưa thực sự kết thúc. Nó phải được tiếp tục và đào sâu trong một cuộc giải thoát quan trọng hơn cuộc giải thoát thứ nhất: đó là cuộc giải thoát nội tâm và thiêng liêng. Bởi vì, có ích lợi gì khi có được tự do thể chất và chính trị, nếu người ta lại có con tim bị trói buộc ?- Cuộc giải thoát đích thực nằm ở tận thẩm sâu tâm hồn; nó là thiêng liêng. Chúng ta có thể sống sự giải thoát đó, ngay cả khi đôi tay và chân bị trói buộc chặt chẻ.
Khi Chúa Giêsu cử hành lễ Vượt Qua với các môn đệ, ngài chỉ cho các ông thấy, qua nghi thức của bữa ăn, con đường nào ngài sẽ đi và, đến lượt các ông, con đường nào các ông cũng phải vượt qua, để đạt đến sự giải thoát nội tâm, sự tự do của tâm hồn.
Vì vậy, ngài cầm lấy bánh, trong đôi tay thánh thiện của ngài, bánh và rượu; đoạn, ngài thân thưa với Chúa Cha: “ Bánh này, rượu này, chính là thân thể của con, chính là con, đó là tất cả con người của con. Con xin dâng lên Cha. Con xin đặt vào bàn tay Cha, để nó được sử dụng vào việc thực hiện thánh ý của Cha trên nhân loại”.
Sau đó, ngài nói với các môn đệ đang tham dự bữa ăn với ngài. Ngài nói: “ Bánh này, rượu này, chính là Thân Thể của Thầy, Máu của Thầy, tất cả con người của Thầy. Thầy không giữ lại nó cho Thầy, Thầy trao ban cho các con. Thầy tự trao hiến cho các con: hoàn toàn, tự do, với tất cả tấm lòng, bởi vì Thầy yêu mến các con, bởi vì Thầy muốn giúp các con sống, sống dồi dào, sống trong sự tự do. Sự tự do, không phải giữ lấy cho mình tất cả, mà chính là cho đi tất cả”.
Chúng ta thử hình dung, đôi khi rời xa Thiên Chúa hay làm bộ như điếc, không nghe thấy Lời ngài, chúng ta nghĩ là sẽ trở nên tự do hơn. Tuy nhiền, điều trái ngược lại đến. Bấy giờ, chúng ta lại trở nên nô lệ của chính chúng ta. Thỉnh thoảng chúng ta hình dung, khi dửng dưng với anh chị em chúng ta, khi tránh qua một bên, làm bộ như không trông thấy, chúng ta sẽ trở nên tự do hơn. Tuy nhiên, điều trái người lại đến, bởi vì con tim chúng ta trở nên chai đá. Mà, một con tim chai đá, là một con tim bị cầm tù, bị trói buộc.
Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể để giúp chúng ta sống cuộc Vượt Qua của chúng ta. Ngài nói: “ Điều mà Thầy vừa làm, các con cũng hãy làm, để tưởng nhớ đến Thầy, cho đến khi Thầy lại đến” ( 1 Co 11, 25-26 ).
Xin Thiên Chúa cho chúng ta, mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể, là mỗi lần chúng ta bước thêm một bước, cho dù là một bước rất nhỏ, đi về sự tự do. Sự tự do đích thực. Sự tự do của tâm hồn. Trong niềm vui, bình an và hạnh phúc của Chúa.