Đức Kitô Đã Phục Sinh. Ngài Hằng Sống !
Một câu nói vắn tắt, đơn sơ, nhưng trải qua hằng bao nhiêu thế kỷ vẫn không mất đi sức mạnh của nó, và hôm nay đây vẫn còn làm bừng lên trong con tim chúng ta niềm vui buổi sáng Phục Sinh. Đức Kitô đã chiến thắng sự chết, sự tin tưởng chắc chắn này nằm ở trung tâm đức tin kitô hữu chúng ta.
Ngay từ đầu, sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh được nhắc đến qua một sự vắng mặt. Không có thiên thần trấn an và sai đi đem tin mừng. Chỉ có ngôi mộ trống không. Đối với Gioan, người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến, bấy nhiêu đã đủ; có thể là vì cái tình cảm đã khiến Gioan trở nên gần gũi với Chúa Giêsu một cách đặc biệt. Ngay khi bước vào trong ngôi mộ, Gioan đã hiểu rõ tất cả những gì mà Đức Kitô đã nói trước khi chết, và Gioan tin. Còn Maria Madalena và các tông đồ khác sẽ cần phải xem thấy Đấng Phục sinh, nhận ra Chúa Giêsu Nagiaret, để đi đến thái độ tin tưởng này…
Và chúng ta, là những kitô hữu của thế kỷ 21, chúng ta mừng gì trong ngày Phục Sinh này ?- Có phải cũng vẫn một thói quen như cũ: Phục sinh, năm nào cũng giống nhau. Thử hỏi, người ta có thể nói về chuyện khác được không ?- Trước cái vấn nạn này, chúng ta được mời gọi tự vấn một cách sâu sắc về cách sống và làm chứng đức tin của chúng ta. Có phải chúng ta mừng lễ trong niềm vui, và nhắc nhớ lại, trong lời cầu nguyện, một biến cố cũ kỷ từ hơn hai ngàn năm qua ?- Hay chúng ta có ý thức rằng, Phục sinh không phải là một sự kiện chỉ liên quan đến một mình Chúa Giêsu Kitô, nhưng là một cảm nghiệm còn theo đuổi cho đến hôm nay và đụng chạm đến mỗi người chúng ta ?-
Sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta hôm nay, chúng ta có biết nhận ra ở bên cạnh chúng ta không ?- Sự hiện diện đó ở trong những cử chỉ làm nảy sinh ra sự sống, trong tất cả những gì làm cho con người trở nên nhân bản hơn.
Sự hiện diện vô hình đó trong những nhà giáo dục của những thanh niên đang gặp khó khăn, đang cố gắng xây dựng cuộc đối thoại để đẩy lùi bạo lực; trong những vị giáo sư muốn giáo dục, cũng như dạy dỗ, và từ chối xem sự thất bại học vấn như là một định mệnh; trong những chiến sĩ dấn thân làm việc để có công bằng xã hội hơn; trong người chủ vẫn luôn tìn nhiệm những người tù cũ..Còn biết bao nhiêu ví dụ mà chúng ta có thể tìm thấy, trong khu xóm, hay nơi làm việc.
Nhận ra sự hiện diện của Đức Kitô Phục sinh vẫn chưa đủ. Tông đồ Phêrô đã được sai đến với Cornelio, một người ngoại, để loan báo cho ông ta Tin Mừng. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng được sai đi đem ánh sáng Phục sinh, không phải chỉ trong những môi trường Công giáo mà thôi, nhưng còn trong tất cả mọi nơi và trong tất cả mọi hoàn cảnh.
Với những thanh niên trong các lớp giáo lý, nhưng cũng với những người trong khu xóm. Với những người di dân mà chúng ta gặp gỡ trong đường phố. Với người già cả, đơn độc, đang chờ đợi một cuộc thăm viếng một cách vô vọng, hay một ai đó dừng chân lại đôi chút. Với một người hàng xóm đang nhập viện. Và với bao nhiêu người khác mà chúng ta không nhớ đến luôn luôn.
Trong xã hội chúng ta, chính nhờ cách cư xử, lập trường, thái độ và lời nói của chúng ta hơn là nhờ một bài diễn văn giáo lý, mà chúng ta làm chứng cho Đức Kitô phục sinh. Như thánh Phaolô đã viết, “ chúng ta là những con người mới trong Đức Kitô”. Và như thế, điều đó cần phải được nhìn thấy trong thái độ của chúng ta, trong những mối tương giao với người khác, trong sự chân thật và trong chân lý.
Trong ngày lễ Phục Sinh hôm nay, chúng ta hãy dừng lại giây lát để tìm thấy, chúng ta sẽ loan báo Tin Mừng như thế nào; làm thế nào chúng ta sẽ sống Tin Mừng đó một cách xác tín để đem đến cho những người gặp gỡ chúng ta, một sự ham muốn khám phá ra nó trong cuộc sống của mình. Và bằng cách nào, chúng ta có thể làm cho những người cùng sống bên cạnh hiểu rằng, cho dù họ là ai, Tin Mừng này cũng là cho họ.