Thứ Tư, 21 Tháng Hai, 2018 00:00
Chúa nhật II Mùa Chay B ( Mc 9,1-9 )

Câu chuyện Thiên Chúa yêu cầu Abraham hiến dâng Isaac, đứa con trai duy nhất làm lễ tế, cho chúng ta thấy, ngài là một Thiên Chúa không thích những giải pháp nửa vời, nhưng trái lại tỏ ra rất triệt để gây ngạc nhiên, bỡ ngỡ.

Ngài yêu cầu Abraham sát tế con trai của ông. Đứa con trai duy nhất mà ông trông cậy để bảo đảm dòng dõi thừa tự sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển, theo lời Chúa hứa. Lời yêu cầu của Thiên Chúa có vẻ là quá đáng, ngoài sức tưởng tượng. Thật ra như chúng ta đã biết, lời yêu cầu đó đã không được thực hiện. Thiên Chúa không muốn Isaac phải chết. Ý định của ngài chỉ đơn thuần là muốn thử lòng Abraham mà thôi. Ngài muốn xem Abraham có yêu mến ngài trên hết mọi sự, đến nỗi có thể hy sinh tất cả cho ngài, cả những cái gì tốt nhất và quý giá nhất hay không ?- Câu trả lời rõ ràng là có.

Điều mà Thiên Chúa hỏi Abraham ngày xưa, thì sau này ngài lại hỏi chính Con Một của ngài là Đức Giêsu Kitô: “ Con có sẵn sàng hy sinh tất cả không ?- Con có sẵn lòng trao nộp mạng sống của con để ý định cứu độ nhân loại của Cha được thực hiện trọn vẹn không ?- Con có tin tưởng nơi Cha trong vấn đề đó không ?- Con có yêu mến Cha vì vấn đề đó không ?-“ Chúng ta đã biết, một lần nữa câu trả lới là có. Đức Kitô đã trao hiến mạng sống mình. Yêu mến thánh ý Chúa Cha hơn là ý riêng mình, ngài thực hiện điều đó một cách tự do.

Ở đây cũng cần phải xác định rõ là, không phải Thiên Chúa mong muốn cái chết của Con Một ngài. Thiên Chúa chỉ mong đợi nơi Con Một của ngài một cử chỉ yêu thương thẩm sâu, không giữ lại bất cứ điều gì.

Điều đáng lưu ý là, điều mà Thiên Chúa đòi hỏi người khác, thì ngài đã tự áp đặt cho chính mình. Trong thư gởi tín hữu thành Roma, thánh Phaolô đã xác quyết: “Thiên Chúa đã không từ chối chính con của ngài, Thiên Chúa đã trao nộp con ngài cho tất cả chúng ta”. Sở dĩ Thiên Chúa nghĩ rằng, mình có quyền đòi hỏi tất cả mọi sự, là vì, trước tiên ngài đã trao ban tất cả mọi sự cho con người. Như thế mới hợp lý. Đó là cái logique của tình yêu.

Cái logique của tình yêu này không chỉ áp dụng cho một mình Thiên Chúa và Đức Kitô mà thôi, nó cũng phải được áp dụng cho tất cả chúng ta nữa. Thiên Chúa mong muốn là, chúng ta yêu mến ngài thật sự đến nỗi hy sinh tất cả cho ngài. Đó cũng chính là điều mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ, ngay trước khi xảy ra biến cố Biến hình. Ngài nói với họ: “ Nếu ai muốn đi theo thầy, thì hãy từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá mình và bước theo thầy. Bởi vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; nhưng ai mất mạng sống mình vì thầy và vì Phúc âm thì sẽ cứu được nó” ( Mc 8, 34 ). Hy sinh tất cả để được tất cả. Trao ban tất cả để nhận lãnh lại tất cả. Tự hiến hoàn toàn để đón tiếp Thiên Chúa và sống với ngài.

Thật là một lời dạy nghiêm khắc, khó khăn, và quyết liệt. Không thể coi nhẹ.

Chắc chắn Chúa Giêsu biết rõ điều ngài rao giảng cho các môn đệ không phải dễ mà đem ra thực hành. Để có thể làm được chuyện đó, cần phải có một động cơ rất mạnh. Vì thế, sau khi Chúa Giêsu loan báo cho những người thân về cái chết của riêng ngài, và họ cũng phải hy sinh mạng sống của họ, nếu muốn đi theo ngài, thì xảy ra biến cố Biến hình.

Biến cố này như là ấn tượng đầu tiên về những gì sắp xảy đến với Đức Kitô là Đấng sẽ tự hiến cho đến chết. Cái chết này sẽ không vô ích. Nó không phải là một sự thất bại. Nó không đưa ngài đến chỗ tiêu diệt. Trái lại nó hướng dẫn ngài đến trong vinh quang.   “ Y phục ngài trở chói lọi trắng tinh như tuyết,không thợ giặt nào trên trấn gian có thể giặt trắng như thế”. Biến hình nhằm để trấn an và củng cố niềm tin nơi các môn đệ còn quá ngỡ ngàng trước viễn cảnh Đức Kitô phải chịu khổ hình và chết thảm khốc. Biến hình, để một khi tận mắt nhìn thấy Môisen và Elia cùng đàm đạo với Chúa về những gì sắp xảy đến, các ông hoàn toàn tin nhận những lời dạy của Thầy về chương trình ơn cứu độ đang được thực hiện. Biến hình, để nhờ nghe được tiếng nhắn nhủ từ trời cao, các ông hoàn toàn tin tưởng vào Thầy của mình thực sự là Con Thiên Chúa, được sai đến trần gian để thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Nhờ Biến hình, các ông có thể nhìn thấy trước vinh quang rực rỡ của sự phục sinh, hình ảnh kỳ diệu của sự sống sung mãn nơi Thiên Chúa.

Trong suốt Mùa Chay này, chúng ta đừng bao giờ quên biến cố Biến hình. Mùa Chay là con đường dẫn đưa chúng ta đến chỗ Biến hình. Nó mời gọi chúng ta đừng bao giờ từ chối bất cứ thứ gì đối với Thiên Chúa, để có thể lãnh nhận tất cả từ nơi ngài. Ai không biết hy sinh gì cả, thì không thể được hưởng gì cả. Ai biết trao ban tất cả, thì sẵn sàng lãnh nhận tất cả.

Chúng ta sẽ hy sinh điều gì cho Thiên Chúa trong Mùa Chay này ?- Đó là câu hỏi mà chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ, trước khi tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa của Abraham và Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô: Thiên Chúa là Cha, là Con và Thánh Thần.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com