Thiên Chúa giúp chúng ta chỗi dậy, đứng thẳng lên.
Thánh Kinh không ngại trao lời cho một người thất vọng, một người phản kháng. Thử hỏi có biết bao nhiêu người hôm nay còn có thể thốt lên những lời của ông Giop, khi đứng trước thân phận con người, mà cuộc sống giống như là gánh nặng phải mang vác, một công việc của một tên nô lệ, sau những ngày dài làm việc vất vả, phải chờ đợi một đồng lương thảm hại.
Lời Chúa không muốn che dấu sự thật. Lời Chúa dành riêng cho những người nghèo ở khắp mọi thời, cho những người bị thử thách bởi bệnh tật, bởi những đau khổ dưới mọi hình thức và bởi sự tác động độc hại của một sự dữ còn sâu xa hơn: đó là tội lỗi trần gian. Kinh Thánh không ngừng diễn tả những tiếng than van của một dân tộc thường bị đàn áp, bị ngược đãi bởi cuộc sống và bất công: Chẳng hạn như, làm thế nào mà tất cả những kẻ quyền thế, những người chế nhạo Thiên Chúa đều thịnh đạt, thành công, trong khi đó, người tín hữu, người công chính lại phải chịu bách hại và thất bại ?-
Từ những nỗi khốn khổ đủ mọi loại này, Phúc Âm lại cho thấy một ngày dài ở Capharnaum. Việc chữa lành cho bà mẹ vợ của Simon Phêrô đã nhanh chóng báo cho những bệnh nhân, những người bị tà thần ám ảnh. Tất cả thành chen lấn nhau ở ngoài cửa cho đến lúc mặt trời lặn.
Như ông Giop và những người đau khổ trong Phúc Âm, những người bất hạnh trong tất cả mọi thời đại cũng bị cám dỗ đi đến thất vọng, và đôi khi đứng lên phản kháng chống lại hoàn cảnh khó khăn do bệnh tật hay sự khốn khổ đè nặng, nhất là khi người ta không nhìn thấy đoạn cuối hay khi thấy là nan y, không thể chữa trị được ?-
Đức tin không ngăn cấm chúng ta mở to đôi mắt, cũng như ông Giop, cảm thấy sự phi lý của cuộc sống. Ngược lại, đức tin có thể làm cho cái cảm giác đó còn trở nên dữ dội hơn. Càng có ý nghĩa sâu xa về Thiên Chúa, người ta càng nhìn thấy sự dữ, sự đau khổ và cái chết như là những cái gì gây công phẫn: Bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của những người sống, chứ không phải của những kẻ chết. Ấy thế mà, sự dữ lại tồn tại. Cái chết vẫn luôn ám ảnh mọi người.
Bị giằng co giữa thân phận khắc nghiệt của con người và niềm tin vào lời hứa của Chúa, ông Giop đã từ chối những sắp xếp đạo đức của các người bạn. Sự bất công rất đáng phẫn nộ để có thể thích nghi, làm quen. Thiên Chúa nhận rằng ông có lý. Ngài khen ngợi ông. Sau cùng, lời than vãn của ông Giop trở thành lời cầu nguyện. Từ từ ông có một cái nhìn khác. Và khi Thiên Chúa của ông Giop trở thành một con người nơi Chúa Giêsu Nagiarét, ngài cũng mang lấy chính thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi. Ngài cảm nghiệm thân phận con người một cách rất đặc biệt qua những sự không hiểu biết, qua cuộc Khổ nạn và cái chết trên thập giá, một hình khổ dành cho những người bị kết án do luật pháp, dù ngài “vô tội”.
Thiên Chúa không giải thích theo lý trí về sự đau khổ và sự chết. Ngài mang lấy và ngài sống và cảm nghiệm chúng. Qua chúng, ngài phản kháng chống lại tất cả những gì làm hư hỏng con người, tất cả những gì tìm cách hạ giá con người, hủy diệt con người.
Chúng ta có một Thiên Chúa không đứng cùng phe với những đau khổ và bất hạnh của chúng ta. Thập giá được dựng lên cho đến ngày tận thế, không phải như dấu chỉ của một sự thất bại hay một sự cam chịu nhẫn nhục, nhưng là một dấu chỉ của sự phản kháng thắng lợi. Những việc chữa bệnh của Chúa Giêsu, ở Capharnaum và hôm nay, luôn luôn có mục đích là giúp con người đứng lên, chỗi dậy, trở thành một con người tự do. Ngài ra lệnh cho các thần ô uế: “ Hãy ra khỏi người này”, hay với nạn nhân: “ Con hãy chỗi dậy và bước đi”.
Khi làm cho bà mẹ vợ của Simon Phêrô chỗi dậy khỏi cơn sốt, Chúa Giêsu đã giúp bà có đủ khả năng phục vụ và chu toàn các trách nhiệm. Khi Chúa Giêsu chỗi dậy ra khỏi mồ, ngài có khả năng chữa lành và cứu chuộc tất cả mọi người. Chính chiến thắng Phục sinh phải là ưu tiên.
Ngài không muốn người ta chỉ xem ngài như một người chữa bệnh. Vì thế, vào lúc thành công tại Capharnaum, ngài liền ra đi nơi khác, ngài muốn tránh tất cả những cái nhập nhằng, mơ hồ. Phục vụ cho Tin Mừng của Thiên Chúa Cha, và chỉ vì mục đích đó, ngài không để mình bị bất cứ điều gì, hay bất cứ ai lũng đoạn, làm ảnh hưởng. Sự cấp bách của việc loan báo Tin Mừng cho tất cả những người thất vọng không loại trừ bất cứ người nào.