Thứ Năm, 14 Tháng Mười Hai, 2017 00:00
Chúa nhật III Mùa Vọng B ( Ga 1, 6-8.19-28 )

Khi rao giảng nơi hoang địa, Gioan Tẩy Giả công bố hai sứ điệp. Trước hết, ông loan báo cho đồng bào của ông biết, Đấng Cứu Thế đã đến, đang hiện diện ở giữa họ, và họ phải nhận biết ngài: “ Ở giữa anh em, có một người mà anh em không biết”. Đồng thời, ông cũng loan báo rằng, để nhận biết và đón tiếp ngài, họ cần phải quyết tâm ăn năn thống hối: “ Hãy san bằng đường đi của Chúa”.

Mỗi năm, trong Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi chúng ta nghe lại hai sứ điệp này, để soi sáng và dẫn đưa chúng ta trên con đường hướng về lễ Giáng sinh.

Trong khi chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, hai sứ điệp này có vẻ như nghịch lý. Thực vậy, chúng ta khẳng định là, Đức Kitô sắp đến. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng công bố ngài đã ở giữa chúng ta. Ngài sẽ đến… và tuy nhiên, ngài đã ở đó rồi. Phải chăng đó là điều nghịch lý. Đó là một nghịch lý; nhưng không phải là một điều mâu thuẩn.

Đó không phải là một điều mâu thuẩn, bởi vì, khi chúng ta nói về sự hiện diện của Đức Kitô đang ở giữa chúng ta, và trong chúng ta, chúng ta biết rõ rằng, sự hiện diện này ít nhiều được ý thức, ít nhiều sâu sắc. Mỗi người trong chúng ta được liên kết với Đức Kitô theo cách thế của mình. Từ người này sang người khác, cái phẩm chất của những mối liên hệ thay đổi, biến chuyển. Những mối liên hệ có thể được thắt chặt hay lơi lỏng, nồng ấm hay lạnh nhạt, thân tình hay hình thức. Có một điều chắc chắn: những mối liên hệ này luôn luôn có thể được cải thiện. Không bao giờ chúng ta sẽ liên kết với Đức Kitô cho đủ, không bao giờ chúng ta sẽ thân mật với ngài cho đủ. Chính trong cái ý nghĩa này mà không có gì mâu thuẩn khi khẳng định rằng, Đức Kitô đã ở đó và đang sống trong chúng ta; và ngài cũng đang đến để gặp gỡ chúng ta. Ngài đến để luôn luôn được kết hợp với chúng ta càng ngày càng sâu sắc hơn, mật thiết hơn.

Nên nhớ là, điều đó không được thực hiện một cách tự động, máy móc. Để Đức Kitô sống thân mật hơn nữa trong chúng ta, chúng ta phải mở rộng lòng chúng ta hơn nữa cho ngài. Chính trong ý nghĩa này mà Gioan Tẩy Giả cố gắng làm cho các đồng bào của mình hiểu được, khi ông công bố việc cần thiết phải “ san phẳng đường đi của Chúa”.

San phẳng đường đi của Chúa. Câu này có ý nghĩa gì ?- Nó mời gọi chúng ta làm gì ?-

Nó mời gọi trước tiên là phải tổ chức đời sống của mình theo cách thế mà nó cho phép có thời giờ quan tâm đến Thiên Chúa và Con của ngài. Rất thường khi, với tất cả sức lực, chúng ta hoài công phí sức cho việc này, việc khác. Chúng ta có một ngàn lẻ một chương trình, một ngàn lẻ một cuộc chờ đợi, một ngàn lẻ một việc quan tâm, một ngàn lẻ một tham vọng, một ngàn lẻ một cuộc hẹn, nhưng lại có rất ít thời giờ, rất ít khoảng không gian dành cho Thiên Chúa, cho mối liên hệ của chúng ta đối với Đức Kitô của ngài. Thường khi chúng ta nghĩ là chúng ta không có thời giờ: chúng ta không có rảnh. Chúng ta bận công việc làm ăn, bận bươn chải với cuộc sống, bận rộn với cái ăn, cái mặc, với tiền bạc của cải, với lợi nhuận, với chuyện gia đình… nên không có thời gian dành cho Chúa và công việc của Chúa. Điều rất đáng buồn và rất đáng tiếc là, thường khi chúng ta chỉ “ bố thí” cho Chúa những gì dư thừa, những khi không có gì để làm, những khi không biết làm gì nữa… thì chúng ta mới nghĩ đến Chúa và công việc của Chúa. Chúng ta dè sẻn, hà tiện, bủn xỉn, keo kiệt… mọi thứ đối với Chúa.

Thử hỏi: có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc tìm cách thoát khỏi những vướng bận và những ràng buộc này của cuộc sống, để vui mừng và sẵn sàng đón tiếp Chúa mỗi ngày, cách đặc biệt là trong dịp lễ Giáng Sinh sắp tới hay không ?-

Thời gian của Mùa Vọng mời gọi chúng ta thực hiện việc san bằng đường lối của Chúa. Nó mời gọi chúng ta hãy làm cho đời của chúng ta thoát khỏi sự cồng kềnh hơn một chút, làm thế nào để chúng ta có thể quan tâm đến Thiên Chúa hơn một chút.

Điều quan trọng cần phải nhớ là, công việc san bằng này không được chỉ liên quan tới những thực tại bên ngoài cuộc sống chúng ta. Nó cũng đòi phải đụng chạm đến nội tâm. Nó phải được hành động từ trong tâm hồn. Thời gian Mùa vọng được trao ban cho chúng ta để chúng ta thăm dò con tim chúng ta, và để chúng ta tinh luyện tâm hồn chúng ta. Tinh luyện tâm hồn, chính là làm cho hết cồng kềnh, thoát khỏi tất cả những gì hàm chứa sự ghen tương, hung dữ, bạo lực, lười biếng, bất trung và dối trá, cũng như sự quá dính bén tiền bạc, của cải, vật chất, danh vọng… trần gian, làm cản trở chúng ta đến với Chúa và Chúa đến với chúng ta.

Mong chờ Chúa đến. Nhưng, chúng ta đã biết, để có thể xứng đáng đón tiếp Chúa và hưởng nhận Ơn Cứu Độ hồng phúc của Chúa, chúng ta cần phải chuẩn bị và dọn đường Chúa như thế nào. Đó là vấn đề của chúng ta, được thể hiện qua cuộc sống và việc làm của chúng ta.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com