Ý nghĩa của dụ ngôn rất rõ ràng, dễ hiểu.
Đứa con thứ nhất mà Chúa Giêsu muốn ám chỉ, chính là những người tội lỗi, thu thuế, đĩ điếm...Ít để ý đến đến niềm tin, ít quan tâm đến việc Đấng Cứu Thế sẽ đến, nhưng khi ngài đến, họ đã ăn năn, trở lại. Nhờ đó, họ được đón nhận vào Nước Trời.
Đứa con thứ hai tượng trưng cho những người lãnh đạo dân Do Thái thời bấy giờ, gồm các tư tế, luật sĩ, biệt phái, kỳ lão. Có tiếng là đạo đức, trung thành với Lề Luật Môisen, họ mong chờ và chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai. Nhưng khi ngài đến, họ đã từ chối, không chấp nhận ngài. Vì thế, họ không được vào hưởng hạnh phúc thiên đàng.
*** Mỗi ngày, Chúa đều nói với chúng ta: « Hôm nay, con hãy đi làm vườn nho của Ta ». Vườn nho của Chúa chính là thế giới hôm nay, là toàn thể nhân loại sẽ phải trở thành Nước Thiên Chúa, một Nước hoà bình, công bình, huynh đệ, một thế giới mà mọi người sống chung với nhau thật hạnh phúc, dù rất khác biệt nhau.
Một góc vườn nho mà Chúa ủy thác cho chúng ta, chính là gia đình chúng ta, những người chòm xóm, láng giềng, bạn bè thân thích, là giáo xứ thân yêu của chúng ta, là những mối dây liên hệ hằng ngày. Trong góc vườn nho nầy, chúng ta phải là men của tình yêu, của công bình, của niềm vui, bình an và hạnh phúc. Chúng ta phải đưa vào đó ánh sáng của Chúa Kitô.
Trước lời mời gọi đó của Thiên Chúa, chúng ta trả lời thế nào ?- Có thể chúng ta giống đứa con thứ nhất, luôn luôn trả lời « xin vâng », nhưng không làm gì cả, không hành động gì cả. Nghĩa là trên nguyên tắc, chúng ta nhất trí với giáo huấn của Phúc Am. Chúng ta thấy Tin Mừng Tình Yêu của Chúa Giêsu thật là tuyệt hảo. Thế nhưng, khi cơ hội áp dụng Phúc Am đến, chúng ta từ chối, không làm theo thánh ý Chúa
Biết bao lần chúng ta trả lời « xin vâng » với Thiên Chúa theo kiểu nầy. Chẳng hạn cuối những lời cầu nguyện, chúng ta thưa: Amen, nghĩa là: xin vâng, xin được như vậy, nhưng chúng ta không mảy may để ý đến nội dung của lời chúng ta cầu nguyện. Khi rước lễ, chúng ta thưa: Amen, nghĩa là: Vâng, lạy Chúa, con đến kết hợp với Chúa để sống tốt hơn, để làm việc hay hơn trong góc vườn nho mà Chúa ủy thác cho con. Thế nhưng, thường khi chúng ta chỉ thưa theo thói quen, máy móc, mà không để lại một âm vang nào trong cuộc sống. Sống như thế, thử hỏi có phải là chúng ta đang sống giả hình. Cầu nguyện như thế, có phải là một lời nói dối hay không ?-
Như thế, rõ ràng là, trước mắt Chúa, điều làm cho đời sống có giá trị, không phải là những lời kinh nguyện theo thói quen, những việc đạo đức máy móc, nhàm chán, mà chính là những hành động tích cực, những quyết định xác tín và sự dấn thân thực sự của chúng ta trong cuộc sống. Chính việc làm mới nói lên được lòng tin của chúng ta.
Như thế, rõ ràng là, Chúa trao ban cho chúng ta sự tự do, và Chúa tuyệt đối tôn trọng sự tự do đó. Chúng ta có đáp lại lời mời gọi của Chúa hay không là tùy ở chúng ta. Và, chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về sự tự do đó.
Như thế, rõ ràng là trong con người của chúng ta, có cả cái tốt và cái xấu. Nhưng với ơn thánh Chúa, thì dù cho tình trạng luân lý và đạo đức của chúng ta có thế nào đi nữa, cái tốt luôn luôn sẽ trổi vượt lên tất cả. Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta có thể ăn năn trở lại bất cứ lúc nào. Chúng ta luôn luôn có thể thay đổi để trở nên tốt hơn. Không bao giờ là quá muộn trước tình yêu và lòng nhân từ của Chúa. Vấn đề còn lại là chúng ta có quyết tâm nhìn lại chính mình, ăn năn thống hối, và dấn thân đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa bằng một đời sống yêu thương bác ái hay không mà thôi.