Thứ Ba, 01 Tháng Tám, 2017 00:00
Chúa nhật XVIII Quanh năm A - Lễ Hiển Dung ( Biến Hình )

Cảnh Biến hình của Chúa Giêsu được trình bày cho chúng ta bởi các tác giả Phúc Âm, như là một khúc nhạc dạo đầu vào mầu nhiệm về cái chết và sự sống của ngài trong vinh quang của ngày Phục Sinh.

Các tông đồ sợ hãi và chán nản. Các ông nhìn thấy rõ là, Chúa Giêsu gặp phải một sự chống đối, lúc đầu là vờ vĩnh, xảo trá, sau đó là công khai ra mặt. Chính ngài vừa nói với các ông về cái chết sắp đến của ngài. Ngài đã nói với các ông: “ Thầy phải chịu đau khổ nhiều, Thầy sẽ bị loại trừ, Thầy sẽ bị giết chết !” Và ngài đã thông báo cho các ông rằng, các ông cũng sẽ liên kết với những biến cố bi thảm này: “ Nếu ai muốn trở thành môn đệ của Thầy, thì người ấy hãy vác lấy thập giá của mình và bước theo Thầy.” Ông Phêrô đã phản đối mạnh mẽ; thế nhưng điều đó chỉ đáng cho ông một lời quở trách nghiêm khắc:“ Satan, hãy lui xa khỏi Thầy ! Con là một chướng ngại trên con đường của Thầy !”

Vài ngày sau, như để bù vào sự nghiêm khắc này, Chúa Giêsu gọi các môn đệ thân tín: Phêrô và hai anh em Giacôbê và Gioan. Ngài đưa các ông lên núi, xa khỏi đám đông, để yên tĩnh cầu nguyện. Như thế, chính trong một bối cảnh tin cậy và tình bằng hữu thân mật mà các môn đệ đã trải qua một kinh nghiệm kỳ diệu: Chúa Giêsu biến hình và được tỏa sáng bằng một luồng ánh sáng huyền nhiệm; trong đó, các ông có thể nhận ra những điều mà các bản văn kinh thánh xưa gọi là vinh quang Thiên Chúa.

Với Chúa Giêsu, các Tông đồ đã nhận ra Môisen và Elia. Môisen là người giải phóng dân tộc của ông, con người của giai đoạn vượt qua từ Ai Cập, miền đất nô lệ, tiến về Đất Hứa, vùng đất được mơ ước như vùng đất tự do và công bình. Môisen cũng lả người đã chuyển thông cho dân ông Lề Luật, ơn huệ khôn ngoan của Thiên Chúa và là bảo chứng của Giao ước được ký kết với Thiên Chúa từ thời Abraham.

Còn Elia, ông là một vị tiên tri lớn vào thời hoàng hậu Giêzabel, một người đàn bà hung dữ và mê tín. Liều mạng sống của mình, Elia đã đối đầu một cách mãnh liệt với tất cả những ai tôn thờ những ngẫu tượng ngoại giáo hơn là với Thiên Chúa chân thật. Ông vẫn là mẫu người trung thành dễ tự ái, kiên trì, ghen tương với Thiên Chúa duy nhất và Giao Ước của ngài. Vào thời Chúa Giêsu, người ta chờ đợi sự trở lại của ông như là một dấu chỉ báo trước Nước Thiên Chúa đến. Và một vài người nói về Gioan Tẩy Giả: “ đó chính là Elia đã trở lại !”

Trong ánh sáng, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, giữa Môisen và Elia, Chúa Giêsu hiện ra trước hết như một người được Thiên Chúa sai đến, một tiên tri và sau đó còn hơn rất nhiều. Bởi vì một sứ điệp rõ ràng đã được gởi gắm cho các môn đệ: “ Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời ngài !” Chưa bao giờ Thiên Chúa đã chỉ rõ một tiên tri như thế. Việc công bố long trọng này để lộ ra thực tại của một mối liên hệ thần linh mà các môn đệ đã dần dần ý thức được.

Để công bố rằng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Môisen và Elia đã liều mạng sống mình. Để chỉ cho thấy, Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người, và tất cả mọi người, Do thái và dân ngoại, đều được kêu gọi nhìn nhận nhau như là các con yêu dấu của ngài, Chúa Giêsu vẫn luôn trung thành với sứ mạng, ngay cả khi việc công bố Tin Mừng này lôi kéo ngài đến một cái chết  bi thảm không thể tránh được.

Vài tuần sau, cuộc Thương Khó bắt đầu. Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu lại đem theo với ngài ba người được ưu đãi là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Như thế, những chứng nhân của cuộc biến hình vinh quang trở thành những chứng nhân cơn hấp hối của ngài. Gương mặt mà các ông đã nhìn thấy tỏa sáng, bây giờ nhìn thấy chảy mồ hôi và máu. “ Các ngươi hãy nghe lời ngài !”, tiếng của Thiên Chúa đã nói trên núi. Điều mà họ nghe bây giờ, chính là một lời than thở lo lắng: “ Abba, Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho chén đắng này xa khỏi con ! Tuy nhiên, không phải theo ý con, nhưng xin theo ý Cha.”

Cuối cùng, lòng trông cậy, sự vâng phục và tình yêu đã chiến thắng sự lo lắng và sợ hãi. Cho đến cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã thân thưa với Cha ngài. Từ vinh quang của núi Taborê cho đến cơn khốn khó của thập giá, ngài vẫn luôn luôn là Con yêu dấu mà Chúa Cha yêu cầu chúng ta lắng nghe, trong cơn thử thách và đau khổ cũng như trong hạnh phúc và niềm vui của buổi chiều Phục sinh.

Thật vậy, đây chính là một mầu nhiệm chứa đựng sự khó hiểu vô cùng, là cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa. Thế nhưng, từ lễ Phục sinh, đó cũng chính là một mầu nhiệm vinh quang và tình yêu, một sự bước vào trong sự sống và ánh sáng của Đức Kitô…

“ Mầu nhiệm đức tin thật lớn lao”. Chúng ta vẫn thường nghe lời khẳng định này trong khi tham dự thánh lễ. Và chớ gì ngài dạy chúng ta lặp lại với tất cả sự trông cậy, trong khi quay hướng về Thiên Chúa, Cha của ngài và là Cha của chúng ta rằng: “ Xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời…Không phải theo ý con, nhưng xin theo ý Cha”. Trong cuộc sống đời thường của chúng ta.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com