Hai biểu tượng thường được dùng trong Kinh Thánh để trình bày Chúa Thánh Thần là Gió và Lửa.
Cũng giống như Gió tự do, muốn thổi đâu thì thổi. Khi thì nhẹ nhàng, êm dịu. Khi thì chuyển thành cơn bão táp, tưởng như không có gì có thể chống cự lại sức mạnh của nó. Lúc thì đến từ hướng Bắc, lúc thì gió quay về hướng Nam, hướng Đông hay hướng Tây. Gió cũng là sinh khí, liên hệ đến cuộc sống, đem mưa đến, làm cho thảo mộc xanh tươi, làm cho con người sinh sống, tồn tại trên trần gian. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa hành động tự do trên thế giới và cho đến tận thẩm sâu tâm con người.
Cũng giống như Lửa đem lại ánh sáng, đồng thời đem lại hơi ấm, nồng nhiệt. Chúa Thánh Thần là ánh sáng tâm hồn, giúp mỗi người và Giáo Hội thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa. Như hơi ấm, ngài ban sức mạnh, sức mạnh của tình yêu. Dẫn đưa chúng ta từ bóng tối vào trong ánh sáng, ngài giải thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi, thoát khỏi mãnh lực của sự giam hãm, tù túng và của sự chết.
Là ánh sáng chân lý, là sức mạnh tình yêu, Chúa Thánh Thần hiện diện và hành động tích cực và hiệu quả trong chương trình cứu độ, nơi Chúa Giêsu, nơi các tông đồ và nơi mỗi người chúng ta.
Trong cuộc đời trần gian của Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần hiện diện một cách kín đáo. Là con người như chúng ta, thân xác nhân loại của Chúa Giêsu áp đặt qui luật vật chất của nó trên tất cả cuộc sống của ngài. Thế nhưng, trong ngày Phục Sinh, có một sự đảo ngược không thể tưởng tượng được. Tất cả những gì mà tinh thần Chúa Giêsu muốn và có thể, thì thân xác ngài sẽ thực hiện. Chẳng hạn, trong khi tất cả các cửa đều đóng kín, nhưng Chúa Giêsu vẫn đến hiện diện trong phòng. Ngài biến mất trước mắt các ông. Ngài có thể có mặt ở nhiều nơi cùng một lúc. Những lần hiện ra sau khi Phục Sinh cho thấy, thân xác ngài đã trở nên thiêng liêng. Cũng chính thân xác thực thụ trước kia, bởi vì ngài cho các tông đồ nhìn xem, đụng chạm đến tay chân ngài đã bị đâm thủng. Thế nhưng thân xác nầy không còn phải lệ thuộc qui luật vật chất nữa, mà đã thừa hưởng những đặc ân của thần khí thiêng liêng. Mà chúng ta biết, thần khí của Chúa Giêsu thì tràn đầy Chúa Thánh Thần. Chính sức mạnh Chúa Thánh Thần tràn đầy trong thân xác Chúa Giêsu đến nỗi thân xác nầy có thể phân phối, phổ biến Thánh Thần Thiên Chúa cho mọi người, như khi ngài thổi hơi trên các tông đồ vào buổi chiều Phục Sinh.
Chính sự trao ban Thánh Thần Thiên Chúa nầy đã được thực hiện trên các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần. Dường như có một sự cuồng nhiệt, sôi nổi kỳ diệu đã thấm nhập vào từng người các ông đến nỗi dân chúng nghĩ là các ông say rượu. Điều ngạc nhiên chính là sự biến đổi con người. Mới đây các ông sợ sệt, cửa đóng then cài kỹ càng, vì sợ người Do Thái. Bỗng chốc, các ông trở nên can cường kỳ lạ. Trước đó gần hai tháng, Phêrô đã nhút nhát chối Thầy ba lần. Hôm nay đây, ông xuất hiện công khai trước đám đông và trong chính Đền Thờ. Ong công bố, Chúa Giêsu mà họ đóng đinh, Thiên Chúa đã nâng lên, và cho ngự bên hữu Thiên Chúa. Từ nay, các tông đồ tỏ rõ công khai ước nguyện thâu nhập những môn đệ mới. Các ông loan báo cho mọi người đòi hỏi cấp bách là phải ăn năn sám hối và trở lại để được ơn cứu độ. Các ông đã lên đường đi đến tất cả các nước được biết đến lúc bấy giờ, thành lập những cộng đoàn trong các thành phố quan trọng. Các ông cũng đã đến thành Roma, là trung tâm văn hoá và chính trị thời đó. Ở đó, các ông gầy dựng một cộng đoàn quan trọng mà chẳng bao lâu sau đã trở thành ngọn đèn soi dẫn và trung tâm của tất cả thế giới kitô giáo. Các ông đã sẵn sàng trả giá cho việc chu toàn sứ vụ tông đồ bằng sự hy sinh mạng sống. Các ông đã vui vẻ tự hiến như Chúa Giêsu, biết trao ban cuộc sống cho những người mà các ông yêu mến.
Đối với chúng ta cũng vậy. Những gì xảy đến cho các môn đệ vào những ngày đầu tiên cũng xảy ra cho chúng ta như thế. Giống như các tông đồ, chúng ta cũng lãnh nhận sứ mạng loan báo ơn cứu độ và sự phục sinh cho thế giới chúng ta hôm nay. Dĩ nhiên là chúng ta cũng được trang bị, đầu tư cũng chính một sức mạnh, một tinh thần, là Chúa Thánh Thần. Đó là điều mà bí tích Thêm Sức muốn nhấn mạnh. Điều đó cho thấy, cuộc sống người kitô hữu là một sự dấn thân. Người kitô hữu là một tông đồ, một người được sai đi.
*** Chúa Thánh Thần luôn soi sáng và giúp đỡ chúng ta chu toàn sứ mạng cao quý được trao phó. Chỉ có điều là chúng ta có ý thức sự hiện diện năng động của ngài trong cuộc sống chúng ta hay không ?- Chúng ta có năng nhớ đến và cầu xin sự trợ giúp của ngài hay không ?- Và chúng ta có luôn sẵn sàng đón nhận và làm theo sự hướng dẫn của ngài hay không ?