Thứ Ba, 11 Tháng Tư, 2017 00:00
Thứ Năm Tuần Thánh A ( Ga 13,1-15 )

Chiều hôm nay, chúng ta được mời đến tham dự Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa Giêsu, một điểm hẹn có rất nhiều ý nghĩa sâu sắc, và một giá trị vô biên, ảnh hưởng dứt khoát đến hạnh phúc đời đời của chúng ta. Bởi vì đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm trong quá khứ, mà chủ yếu là làm sống lại cử chỉ rửa chân của Chúa Giêsu cho các môn đệ, tức là thực hiện vai trò người tôi tớ phục vụ, hay là làm sống lại dấu chỉ của bánh và rượu, tượng trưng cho một cuộc đời hy sinh, trao hiến cho người khác.

Thánh lễ Tiệc ly gợi nhớ đến bữa ăn vượt qua của người Do thái ngày xưa trên đất Ai cập. Phải nói đó là một bữa ăn tôn giáo, bởi vì trong bữa ăn đó, người ta dùng thịt con chiên con, rau đắng và bánh không men, như lời Chúa truyền. Người ta chuyền cho nhau chén rượu thân ái. Tất cả được diễn ra trong một bầu khí ấm cúng, sốt sắng với những thánh vịnh và thánh ca, nhắc nhớ đến ngày mà Thiên Chúa đã đưa Dân riêng của ngài thoát khỏi ách nô lệ Ai cập, lên đường về miền Đất Hứa.

Thánh lễ Tiệc ly gợi nhớ đến bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các tông đồ. Trong đó, dấu chỉ Thánh Thể của bánh và rượu nhắc nhở các kitô hữu về việc Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống vì yêu thương các anh em của ngài. Đó là dấu chỉ của Giao Ước Mới. Con chiên được sát tế, không đủ để tha thứ tội lỗi nhân gian. Ngài muốn trao ban chính mạng sống riêng của ngài làm giá cứu chuộc muôn người. Một khi tham dự thánh lễ, chúng ta cũng phải trả giá bằng chính con người của chúng ta. Bởi vì, mỗi lần linh mục nhắc nhớ đến cử chỉ của Chúa Giêsu, khi ngài đọc lên những lời truyền phép, chúng ta hiểu rõ điều gì có ý nghĩa ở bên kia bánh và rượu; chúng ta được chứng kiến cái giây phút nghiêm trọng và khó khăn nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu, cái giây phút ngài sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha. Cái giây phút mà một mình ngài phải đương đầu với tất cả các kẻ thù nghịch, vào lúc mà tất cả các bạn hữu đã bỏ rơi ngài, ngài vẫn trung thành với Thiên Chúa Cha.

Thánh lễ Tiệc ly còn gợi nhớ đến việc Chúa Giêsu rửa chân các tông đồ. Đó là công việc của người đầy tớ, nhưng Thầy Chí Thánh đảo ngược vai trò của mình, trước sự ngạc nhiên của Phêrô. Phêrô không hiểu gì cả. Ở đây, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta di chúc của ngài. Ngài trối lại ý muốn sau cùng của ngài. Đó là điều chính yếu mà ngài muốn nhìn thấy chúng ta thực hiện. Rửa chân cho nhau, tức là biết phục vụ, chia sẻ, nâng đỡ nhau. Đó là dấu chứng nhận môn đệ của ngài.

Bao lâu người kitô hữu biết rằng, mình thuộc về Chúa Giêsu, mình nói năng, hành động và chết đi “để tưởng nhớ đến ngài”, có nghĩa là theo cách của ngài, thì bấy lâu Chúa Giêsu luôn luôn hằng sống; bấy giờ lễ Phục Sinh sẽ ở trung tâm đời sống chúng ta. Sự hiện diện của ngài trở nên hiện thực, cụ thể trong cuộc đời chúng ta.

** Đáp lại lời mời của Chúa, chúng ta đến chia sẻ bàn ăn của ngài. Vì thế, khi hiệp thông Mình và Máu thánh ngài để nhớ đến ngài”, chúng ta nhớ lại cách ngài đã sống, và chúng ta cố gắng làm giống như thế. Sở dĩ họp nhau nơi đây, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh này, là vì chúng ta tin ngài. Chúng ta hãy để cho bầu khí bác ái, yêu thương thấm nhập vào chúng ta. Chúng ta hãy tìm biết những gì chúng ta sẽ làm “mà nhớ đến ngài”. Tham dự Thánh lễ đòi hỏi sự hiệp thông của tất cả mọi người. Sự hiệp thông cần phải được thể hiện bằng hành động, tức là sự phục vụ lẫn nhau. Phục vụ một cách tự nguyện, tự do, nhiệt tình với tất cả tấm lòng. Đó là bản chất của bí tích Thánh Thể. Và như thế, làm sáng lên ý nghĩa của điều răn mới, là hãy yêu thương nhau, như chính Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta.

Bởi vì Chúa Giêsu đã yêu chúng ta đến cùng, chúng ta đừng dừng lại nửa chừng trên con đường tình yêu của ngài. Yêu thương, phục vụ và hy sinh là dấu chứng nhận chúng ta là môn đệ của ngài vậy.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com