Thứ Năm, 23 Tháng Ba, 2017 00:00
Chúa nhật IV mùa Chay A ( Ga 9, 1-41 )

Chúng ta hiểu rõ tại sao thánh Gioan, trong Phúc Âm của mình, không ngừng trở lại cái nhu cầu thiết yếu của đời sống con người: “ ánh sáng và chân lý”. Trong lời mở của Phúc Am, khi nói về Chúa Giêsu, được gọi là Ngôi Lời, Lời Chúa, đến trần gian, để thực hiện công cuộc cứu độ cho nhân loại, thánh nhân đã viết: “ nơi ngài, có sự Sống, và sự Sống là Ánh sáng con người.. Ngôi Lời là sự Sáng thật, đến trần gian, soi sáng tất cả mọi người”.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm: không phải là dễ dàng gì để có thể luôn luôn ở trong ánh sáng, để nhìn thấy rõ ràng một cách tuyệt đồi. Có biết bao nhiêu sự tối tăm trong thế giới và trong cuộc đời riêng tư của chúng ta, biết bao nhiêu là ý tưởng nhận được, những phán đoán có sẵn đã thành nếp, những xác quyết gian dối…

Đó là tất cả vấn đề mà thánh Gioan đã hiểu rất rõ và trình bày trong câu chuyện người mù từ thuở mới sinh. Được Chúa Giêsu chữa khỏi, được soi sáng bởi dấu chỉ này, nhờ những nỗ lực lương thiện và can đảm, anh ta sẽ đi đến Ánh Sáng Đức Tin.

Trước phép lạ được Chúa Giêsu trao ban, có bốn thái độ được tỏ bày ra:

1) Trước hết là những người quảng đại, nhưng còn đầy những thành kiến. Tuy nhiên, họ không ngần ngại đặt những câu hỏi, như các môn đệ: “ Thưa Thầy, tại sao con người này bị mù ?- Có phải tại nó phạm tội, hay là tại cha mẹ nó ?”.

Thật là ghê tởm khi nghĩ điều đó về Thiên Chúa. Làm thế nào mà ngày nay chúng ta còn có thể có cái hình ảnh sai lạc này về Thiên Chúa ?- Sự đau khổ phải chăng là một hình phạt ?- Có phải Cha trên trời của chúng ta bắt chúng ta phải chịu những thử thách như thế hay không ?- Xin thưa, không. Chúa Giêsu rất rõ ràng. Tất cả những khốn quẫn là một lời kêu gọi gởi đến con cái Thiên Chúa để thực hiện “ những công trình của Thiên Chúa Cha”, nghĩa là, yêu thương, làm vơi nhẹ gánh nặng, là chữa lành.

2) Thái độ thứ hai, là thái độ của cha mẹ và những người lân cận. Hiếu kỳ, ngạc nhiên, và sau cùng, là dửng dưng. Nơi cha mẹ của người được chữa lành, là sự sợ hãi những phiền muộn, những quấy rầy và cả sự hèn nhát.

Có phải con tim chúng ta thỉnh thoảng cũng như thế không ?- Phúc Âm có chất vấn chúng ta thực sự không ?- Tin Mừng có làm chúng ta đam mê không ?- Chúa Giêsu ra dấu cho mỗi ngưòi trong chúng ta, qua những công trình tình yêu của ngài, qua những lời nói của ngài, nhưng còn qua những biến cố và những gặp gỡ trong đời sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta cần tìm kiếm ý nghĩa của chúng; đôi khi cần đến sự can đảm, thạm chí phải anh hùng.

3) Thái độ thứ ba thì thê thảm nhất. Những người Biệt phái ( dĩ nhiên, không phải là tất cả ), tự đóng kín lại trong sự ngoan cố, từ chối không nhìn thấy và không chấp nhận sự thật mới mẻ. Họ quyết định rằng, Chúa Giêsu không thể là Ánh Sáng và Sự Sống. Và mãi mãi Chúa Giêsu không thể là Anh Sáng và Sự Sống. Họ thật sự là những con người mù loà.

Tất cả chúng ta có phải là những người Biệt phái” hay không ?- Chúng ta có thể đặt cho Chúa Giêsu câu hỏi cuối cùng, như họ, nhưng khiêm nhường, chân thật, lương thiện. “ Chúng tôi có phải là những người mù không ?-“ Tất cả đều có thể, cho những ai tìm kiếm Chân lý. Chúa Giêsu đã từng tuyên bố trong một đoạn Phúc Âm khác: “ Ai thực hiện Chân lý, thì đi đến Ánh sáng”.

4) Còn lại sau cùng là thái độ của người mù được Chúa Giêsu chữa lành. Chắc chắn, anh ta đã nhận lãnh một dấu chỉ phi thường của tình yêu Thiên Chúa. Anh ta đã trông thấy. Thế nhưng, anh ta bước đi về hướng một Ánh sáng khác, chính yếu, nội tâm,“ Ánh sáng chân thật soi sáng tất cả mọi người”.

Chúng ta có nhận ra chúng ta trong bốn thái độ này không ?-

Trước biến cố đặc biệt này, phản ứng của những người chung quanh rất khác nhau. Đối với những người láng giềng thì, đó chỉ là câu chuyện rao vặt gây ngạc nhiên. Đối với cha mẹ anh ta thì, anh ta chỉ là thêm một nỗi lo lắng, phiền hà… Còn những người Biệt phái thì sao ?- Đối với họ, anh ta trở thành một người bị loại trừ, một người bị dứt phép thông công.. Anh ta càng ngày càng cô đơn trên con đường này. Anh ta chỉ còn một mình Chúa Giêsu.

Vì thế, anh ta dám đặt ra câu hỏi, chỉ cho Chúa Giêsu mà thôi: “ Lạy Chúa, Ai là Con Người ( nghĩa là Đấng Cứu Thế ) để tôi tin nơi ngài ?-“ Chúa Giêsu nói với anh ta:        “ Anh đã nhìn thấy ngài, và chính là Đấng đang nói với anh đây”. Bấy giờ, anh ta tuyên xưng:“ Lạy Chúa, tôi tin”, và anh ta phủ phục trước mặt ngài.

Gần đến lễ Phục Sinh, trong hành trình đi đến với Đức Kitô Phục sinh, Ánh Sáng và Sự Sống của chúng ta, thử hỏi, đến lượt chúng ta, chúng ta có thể nói lên lời ràng buộc cuộc đời chúng ta như người mù được chữa lành hay không: “ Lạy Chúa, con tin”.

Câu trả lời còn tùy ở tình yêu, niềm tin, lòng biết ơn, sự rộng mở tâm hồn, phong cách sống thấm nhuần Tin Mừng, được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, trong cuộc sống đời thường, nhất là trong Mùa Chay Thánh này.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com