Thứ Sáu, 27 Tháng Giêng, 2017 00:00
Mồng Hai Tết Đinh Dậu – Kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ. ( Mc 7, 1-13 ) ( 29-01-2017 ), tại Đất Thánh.

“Chuyến Bay Cuối Cùng Của Chim Đại Bàng” kể về sự hy sinh mạng sống của một người mẹ trẻ, 32 tuổi, để con mình được sống.

Tên của Chị là Caroline Aigle. 32 tuổi, hãy còn rất trẻ để phải từ gĩa cõi đời này. Nhất là khi Chị là một phụ nữ mắt xanh, tóc vàng, xinh xắn tràn đầy sức sống. Càng đáng buồn hơn nữa, khi Chị lại là nữ phi công đầu tiên lái máy bay tiềm kích của không quân Pháp, vô địch cá nhân ba môn điền kinh phối hợp quân đội Pháp, vô địch đồng đội ba môn điền kinh phối hợp giải quân đội thế giới năm 1997. Chị cũng là ứng viên được Cơ quan Không gian Châu Au ngắm nghía cho vị trí một nữ phi hành gia trong tương lai. Thế mà chị vẫn sẵn sàng hy sinh để cho đứa con trong bụng có cơ hội được sống sót…

Chị rất hạnh phúc khi gặp và yêu Christophe, cũng là phi công phi cơ chiến đấu. Cậu con trai đầu lòng của họ, bé Marc, chào đời vào năm 2005.

Nhưng hạnh phúc kéo dài không lâu.. Lần này nhập viện khi mang thai đứa con thứ hai, sau một loạt các xét nghiệm, các bác sĩ đã phải báo cho chị tin xấu… “ ác tính”, “ khối u”, “ di căn”… những từ đó như những cú đấm choáng váng đối với chị. Mặc dù các bác sĩ tỏ ra dè dặt từng câu chữ, nhưng họ không thể nào che dấu sự thật lâu hơn nữa. Thời gian thật cấp bách. Chị mang trong mình một mầm sống, nhưng đồng thời cũng hiện diện sự đe doạ của tử thần: chị đã bị ung thư. Các thầy thuốc tỏ ra rất dứt khoát: nếu muốn chữa khỏi căn bệnh nguy hiểm này, chị phải được điều trị theo liệu pháp sốc. Và đứa bé trong bụng không thể chịu đựng nổi. Vấn đề đặt ra là :Phải hy sinh cháu bé. Chị có bằng lòng không ?-

Chị trả lời ngay cho các thầy thuốc là chị sẽ chiến đấu, nhưng không phải cho chính chị, mà là cho mầm sống đã được 5 tháng tuổi. Chị chỉ nói đơn giản: “ Đứa bé có quyền có cơ hội được sống, cũng như tôi vậy”.

Chị từ chối những liệu pháp mạnh có thể gây nguy hại cho thai nhi. Cuộc chiến quan trọng nhất của chị đã bắt đầu từ những giây phút ấy. Căn bệnh ung thư ngày càng tiến triển với tốc độ chóng mặt, nhưng chị quyết tâm chống chọi với bệnh tật. Chị biết rằng, từng ngày, từng giờ giành được là cơ hội sống sót của đứa bé càng tăng thêm. Các cơ quan của bé càng phát triển hoàn chỉnh, thì bé càng có cơ hội được sinh ra làm người. Các bác sĩ cố gắng lùi lại tối đa thời điểm mổ lấy thai, thai ở tuổi này chỉ mới nặng chừng 600 gram.

Ngày 3-8-2007, khi thai được năm tháng rưỡi, tình hình trở nên nguy kịch, và chị được chuyển gấp vào phòng mổ. Khỏi phải nói sự cẩn trọng của êkip y bác sĩ đối với sinh linh quí báu mà người mẹ đã sẵn sàng chết cho bé được chào đời. Chú bé Gabriel, đặt trong chiếc nôi trong suốt, được các nữ y tá đưa đến cho người mẹ. Chị ôm con vào lòng, thì thầm mấy câu âu yếm. Chị chỉ sống được bên con mười tám ngày. Chị ra đi ngày 21-8-2007.

Chiếc quan tài của chị, được 6 người bạn cùng đơn vị khiêng, từ từ tiến vào nhà thờ Dijon. Trung tá Gilles Bertrand, từng là phi đội trưởng của Chị, đã nói ngắn gọn về tình cảm mà đồng đội dành cho chị: “ cộng đồng không quân xin kính cẩn nghiêng mình trước Caroline Aigle, nay đã đi vào huyền thoại”. Đám đông tham dự cũng vô cùng xúc động trước điếu văn của linh mục Philipphe Demours mà cha gọi là “ Chuyến bay cuối cùng của chim đại bàng”. Aigle trong tiếng Pháp là chim đại bàng. Cha nói: “ Caroline, con đã chọn lựa giữ lại sự sống cho Gabriel. Bài học lớn mà con dạy cho mọi người hôm nay, là hãy khẩn thiết yêu thương nhau. Sự khẩn trương ấy không phải là sợ hãi không còn thời gian, “ lỡ có chuyện gì xảy ra”, mà là khẩn thiết hiểu rằng, chỉ có tình yêu mới là nguồn cội của sự sống”.

** Câu chuyện trên đây là điển hình của tình yêu và sự hy sinh vô cùng cao quý của mỗi người cha, mỗi người mẹ của chúng ta, dành cho chúng ta.

Mỗi người trong chúng ta đều biết rõ, ông bà cha mẹ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thay mặt ngài, giúp chúng ta hiện hữu trên đời. Các ngài sinh dưỡng, dạy dỗ, hướng dẫn, giúp chúng ta phát triển, lớn lên, trưởng thành, xứng đáng là con của Chúa. Để có thể chu toàn sứ mạng cao quí đó, các ngài đã phải vất vả, cực nhọc, hy sinh, và lằm khi cũng đã đánh đổi mạng sống của mình để cho con cái được sống, như trường hợp của Chị Caroline Aigle trên đây.

Mỗi người trong chúng ta đều nhận biết, con người khác con vật ở chỗ có trí khôn sắc sảo rộng lớn hơn và có tính người hơn: con người hiểu biết hơn loài vật, con người sống nhân bản khác với thú vật. Mà, một trong những đặc điểm của tính người là lòng biết ơn, biết ôn lại quá khứ, biết ghi nhớ những điều tốt đẹp người khác làm cho mình, và biết cám ơn những kẻ đã giúp ích cho đời mình. Mà trong cuộc đời, cha mẹ, ông bà là những người làm ơn cho chúng ta nhiều hơn hết. Do đó, lòng biết ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên là điều tự nhiên của loài người.

Chính Chúa Giêsu đã nêu gương sáng cho chúng ta. Ngài sống thảo hiếu với cha mẹ trong suốt ba muơi năm trong khuôn khổ gia đình. Ngài đả phá cái thói giả hình của những người biệt phái trong vấn đề này: họ cho rằng, những của cải vật chất mà con cái phải dùng để phụng dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già sức yếu, nếu đem làm lễ vật dâng cho Thiên Chúa, thì con cái không cần phải giúp đỡ cha mẹ nữa. Đó thật là một điều bất nhân. Rõ ràng là, nếu chỉ lo dâng của lễ cho Thiên Chúa, mà lại không chăm sóc cha mẹ, thì cũng chẳng đẹp lòng Chúa.

Đối với người Việt Nam, lòng thảo kính, biết ơn tiền nhân, biết ơn các bậc tổ tiên, ông bà.. được gọi là “ đạo”. Đó là đạo Hiếu; còn gọi là Đạo Ong Bà. Mỗi gia đình thường có bàn thờ gia tiên, để tưởng nhớ, để kính viếng, để cầu nguyện… dành riêng cho những vị đã qua đời. Xã hội lành mạnh luôn luôn khuyến khích, biểu dương những mẫu gương thảo hiếu của những người con trong gia đình.

Điều đó càng phải được sống một cách thiết thực, cụ thể, sâu sắc nơi những người Công giáo. Bởi vì, đó là lời dạy của Chúa trong Mười Điều Răn: thứ bốn thảo kính cha mẹ. Giáo huấn của Giáo Hội cũng luôn luôn nhắc nhở, và đề cao vai trò quan trọng không thể thiếu của các bậc làm cha làm mẹ, cho hạnh phúc trong tổ ấm gia đình, cho sự quân bình, phát triển, trưởng thành của con cái, cho một thế giới nhân bản hơn, bình an hơn, hạnh phúc hơn… Mỗi người chúng ta chắc chắn đều có những cảm nghiệm sâu sắc, thiết thân, đầy xúc động về biết bao công ơn bao la cao cả của cha mẹ, ông bà. Không ai có thể kể ra hết những gì tốt đẹp nhất mà các ngài dành cho chúng ta chỉ vì yêu thương chúng ta.

Chúng ta nhớ ơn các ngài về các công trình, sự nghiệp mà các ngài đã xây dựng và truyền lại cho chúng ta. Cách đặc biệt với chúng ta, tại giáo xứ thân yêu này, tất cả những gì mà chúng ta đang hưởng dùng, tất cả những gì mà chúng ta đang sử dụng, từ đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, từ các cơ sở vật chất, như : nhà thờ, Tàng cốt đường, nhà sinh hoạt giáo xứ, các phòng lớp giáo lý… cho đến Đất Thánh thánh thiêng này để chôn cất những người quá cố.. Tất cả đều ghi lại những dấu ấn tốt đẹp của tình yêu thương, lòng nhân ái, sự hy sinh, dâng hiến vô cùng cao quý của các ngài dành cho chúng ta và các thế hệ mai sau.

Chúng ta nhớ ơn các ngài cách đặc biệt hơn, vì các ngài đã có công đón nhận đức tin, sống đức tin và chuyển thông đức tin cho chúng ta. Đây thật là một ơn huệ đặc biệt cao quý của Chúa, được thực hiện qua trung gian của các ngài. Bởi vì, chung quanh chúng ta, có nhiều người có đủ điều kiện hơn chúng ta, nhưng lại không có niềm tin như chúng ta. Chung quanh chúng ta, rất nhiều người không được diểm phúc nhận ra : Thiên Chúa là Cha trên trời, toàn năng, đầy tình yêu thương, sinh dựng nên con người, cứu chuộc con người tội lỗi, qua cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh vinh quang của Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô, để trao ban hạnh phúc bất diệt, đích thực và sung mãn cho chúng ta.

Chúng ta còn cám ơn các ngài rất nhiều, về những giáo huấn nhân bản và đạo đức, để có thể sống xứng đáng là một người Công dân Công Giáo gương mẫu. Những lời nhắn nhủ, dạy bảo, kể cả những răn đe đầy yêu thương và thuyết phục -những bài học giáo lý vỡ lòng rất có ý nghĩa sâu sắc, qua những gương sáng đời thường, để giúp chúng ta biết thế nào là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín- thế nào là lòng yêu mến biết ơn đối với những ân nhân - thế nào là tri ân, đền đáp những công lao khó nhọc, vất vả, hy sinh dâng hiến của những vị đã đào tạo, hướng dẫn và giúp đỡ chúng ta nên người Kitô hữu đích thực của Chúa.

*** Giờ đây, ra đi trước chúng ta, thân xác các ngài đang dần dần trở về với các bụi trong lòng đất, chờ ngày sống lại trong ngày tận thế. Linh hồn thiêng liêng của các ngài đang khao khát được sống trong hạnh phúc vinh quang tình yêu Thiên Chúa. Hạnh phúc mà chỉ những linh hồn nào tinh sạch, không tỳ ố, mới có thể hưởng nhận.

Mà, chúng ta biết rằng, vì là con người, chắc chắn không nhiều thì ít, các ngài vẫn còn vướng mắc những lỗi lầm, những khiếm khuyết, những sai phạm, hoặc vô tình hay cố ý. Cũng có khi vì quá nuông chiều chúng ta khi còn sống, mà các ngài chưa được vui hưởng hạnh phúc trọn vẹn.

Vì thế, trong tâm tình yêu mến biết ơn sâu thẳm, chúng ta luôn luôn tưởng nhớ và cầu nguyện cho các ngài. Chúng ta hãy làm vui lòng các ngài bằng những việc lành, việc thiện, việc đạo đức, và những chia sẻ, bố thí, xin lễ… dành cho các ngài. Bởi vì, tất cả có một giá trị thiêng liêng rất lớn lao cho hạnh phúc sung mãn  của các ngài.

Mỗi ngày trong cuộc sống, cách đặc biệt hôm nay, chúng ta hãy tha thiết cầu xin Thiên Chúa giàu lòng thương xót, tha thứ những gì còn vướng mắc, để các ngài sớm xa khỏi cảnh luyện hình. Xin thương đoái nhìn đến các ngài, mặc dù chưa được hoàn hảo, nhưng các ngài vẫn có một đức tin kiên vững và trung thành với Đức Kitô cho đến cuối đời. Xin đừng bỏ qua những hy sinh dâng hiến thời gian, sức khỏe, tiền bạc, vật chất…mà các ngài dành riêng để góp phần xây dựng và phát triển Nước Chúa tại địa phương thân yêu này. Nhất là xin đừng quên những công lao khó nhọc, vất vả, thử thách làm hao mòn thân xác theo năm tháng, để sinh dưỡng và giáo dục chúng ta trở thành con cái Chúa, để biết thờ phương Chúa.

Xin Chúa thương nhậm lời chúng ta mà ban cho các ngài sớm hưởng nhan thánh Chúa.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com