Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai tại Capharnaum. Ngài khởi sự sứ mạng cứu độ bằng việc rao giảng Tin Mừng tai vùng thập tỉnh xa xăm. Có thể nói, đây là vùng đất dường như thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền tại Giêrusalem, nhưng lại được hưởng một qui chế tự trị nào đó dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đế quốc Roma. Vào thời Chúa Giêsu, những thành phố này nắm giữ một vai trò chính trị quan trọng. Chính vì thế mà, các tư tế tại Giêrusalem có vẻ nghi ngờ đối với những thành phố Hy lạp ngoại giáo này, và nghi ngờ ngay cả đối với những người Do thái cư ngụ tại đó. Đối với họ, dân ở đây chắc chắn không thể nào không bị lây nhiểm bởi những phong tục, tập quán của người ngoại đạo.
Đồng thời, các môn đệ đầu tiên, Simon và Anrê, cũng chỉ là những cư dân vùng biên giới, ít để ý đến việc phải tuân giữ những chi tiết chi li của lề luật. Cả Giacôbê và Gioan cũng vậy. Hẳn nhiên, họ không phải là những người Do thái gốc Giêrusalem, tức là những người mà giáo lý chính thống được bảo đảm. Đàng này, các ông lại là xuất thân từ vùng đất ven biên, gần với dân ngoại. Không nhiều thì ít, tất cả đã lây nhiễm thói quen của người ngoại giáo, và sẵn sàng mở ra, hướng về một thế giới không phải chỉ có duy nhất là Do thái
Chính trong bối cảnh ở giữa ranh giới quốc gia và tôn giáo như thế, mà Chúa Giêsu bắt đầu công trình của mình. Ngài muốn tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi. Khác với thôn làng Nagiarét, bị bao bọc chung quanh bởi những đồi núi, Capharnaum là ngã tư của dân ngoại. Đó còn là con đường biển, với những đoàn người qua lại, đủ mọi màu da, đủ mọi dân tộc. Như thế, điều Chúa Giêsu quan tâm trong chương trình của ngài là, trong cái thành phố hội tụ đa dạng này, ngài có thể rao giảng Tin Mừng cho tất cả mọi hạng người. Là tiên tri của ánh sáng, ngài đến với các dân còn nằm trong bóng tối. Mang lấy sức sống của Thiên Chúa, ngài đến với những tâm hồn chết chóc. Là Đấng cứu độ nhân loại, xoá bỏ tội lỗi trần gian, ngài đến bất cứ nơi nào mà những người yếu đuối, lỡ lầm, cần được cứu thoát. Ngài dẹp bỏ các thứ lằn ranh biên giới, và hoà nhập vào tất cả mọi hoàn cảnh để kêu gọi mọi người thống hối ăn năn.
An năn thống hối là quay về, là trở lại. Chắc chắn không phải là quay về với Do thái giáo. Bởi vì làm sao có thể quay về với một tôn giáo đang nghi ngờ họ. Trở lại là trở lại với Thiên Chúa của Tinh yêu và lòng thương xót.
Bởi vì, ăn năn thống hối trước hết là tự giải thoát chính mình. Sự giải thoát giúp con người có một cái nhìn mới trước những ưu tư, lắng lo của cuộc sống. Đó là cái nhìn của người con hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Cha. Từ nay, con người biết rằng, mình không chỉ đơn độc một mình, mà còn có Thiên Chúa. Ngài làm được tất cả mọi sự. Quyền năng ngài vẫn hành động, cho dù đôi khi không luôn luôn theo hướng mà chúng ta mong muốn.
Trở về, là bước theo Chúa Giêsu, là hiện diện trước mặt ngài với tất cả những bệnh tật, đau khổ, vất vả, gian nan, thử thách… để ngài chữa lành và cứu thoát..
Trở về còn là khao khát được chữa lành. Chính nhờ sự khao khát được chữa lành này mà mỗi người tỏ ra khoan dung và nhân từ với những ai không gặp phải những đau khổ như mình. Chính sự khao khát này sẽ giúp tránh được tinh thần bè phái, đã chia năm sẻ bảy thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, làm thành những phe nhóm cạnh tranh và ghen tương, đố kỵ với nhau.
Là Kitô hữu, môn đệ của Chúa, chúng ta được trao ban sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ cho anh em chung quanh. Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta đã trở thành sứ giả của Chúa. Con người và cuộc sống của Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt hảo của người truyền giáo. Muốn làm cho người khác biết Chúa, tin Chúa, yêu mến và trở về với Chúa, thiết tưởng mỗi người phải biết ra đi, gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc. Không thể ù lì, thụ động, chờ đợi, mà phải biết quyết tâm, nhiệt tình dấn thân làm việc cho Nước Chúa. Không thể tự đóng kín trong gia đình, hay trong xóm đạo, bằng một đời sống đức tin truyền thống nhàm chán, đều đặn, qua các việc đạo đức hình thức như đọc kinh, xem lễ. Trái lại, cần phải biết mở ra, hướng về bên ngoài, nơi những anh em đang khao khát gặp được tình yêu, chân lý và hạnh phúc. Hãy trở nên những nhân chứng của niềm hy vọng bằng chính cuộc sống đầy tình yêu thương bác ái của chính mình. Hãy đưa Chúa Giêsu đến với người khác bằng chính con người gương mẫu của chúng ta. Phải làm thế nào để người khác có thể nhìn ra hình ảnh dịu hiền, thân thương của Chúa nơi chính bản thân chúng ta.
Đó là điều chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau trong thánh lễ hôm nay.